Hạ tầng nghề cá còn nhiều hạn chế đang là nỗi lo của ngư dân lẫn chính quyền các địa phương ven biển. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề biển trong thời gian tới, Quảng Nam đã kiến nghị Trung ương sớm triển khai các dự án phát triển hạ tầng, trong đó việc xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần là rất bức thiết…
Khu neo đậu tàu cá An Hòa vẫn chưa được sử dụng hiệu quả. Ảnh: Quang Việt |
Bất cập âu thuyền
Khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành) có tổng nguồn vốn đầu tư gần 74 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 7.2010 đến nay. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Tàu cá vào đây neo đậu bị va đập mạnh gây hỏng hóc cũng như luồng lạch quá cạn nên nhiều phương tiện không thể đi vào khi thủy triều xuống thấp. Đã 5 năm trôi qua, những bất cập này vẫn chưa được khắc phục. Theo lý giải của Sở NN&PTNT, các vướng mắc xảy ra do khu neo đậu tàu cá này chỉ hoàn thành giai đoạn 1. Khi nào giai đoạn 2 của dự án được đầu tư thì âu thuyền mới được hoàn thiện.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua nhiều lần làm việc với Bộ NN&PTNT cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ngành thủy sản đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị đến Chính phủ tiếp tục đầu tư để kiện toàn khu neo đậu tàu cá này. Cụ thể là đầu tư các hạng mục gồm xây dựng mới 2 tuyến đê chắn sóng, kè bảo vệ bờ kết hợp neo đậu tàu, tuyến đường công vụ ven bờ, nạo vét luồng và khu neo đậu cũng như sửa chữa, bổ sung phao báo hiệu luồng, trụ đèn báo hiệu cửa vào khu neo đậu. Kinh phí để đầu tư ước tính khoảng 130 tỷ đồng. “Đến thời điểm này, giai đoạn 2 của dự án khu neo đậu tàu cá An Hòa vẫn chưa được Trung ương đồng ý triển khai. Vì vậy, vẫn phải chờ” - ông Ngô Tấn nói.
Từ 5 năm qua, mỗi lần bão đến là ngư dân huyện Núi Thành lại vất vả tìm chỗ neo đậu cho tàu cá. Do không có chỗ trú ẩn an toàn nên nhiều phương tiện khai thác hải sản đã bị hư hỏng. “Rất đáng tiếc là khu neo đậu tàu cá An Hòa bị bỏ không suốt 5 năm qua. Số tiền gần 74 tỷ đồng đầu tư là quá uổng phí. Nếu như trước khi triển khai dự án, ngành chức năng tham khảo ý kiến của ngư dân thì mọi việc có lẽ đã khác. Khu neo đậu tàu cá đã được xây ngay chỗ có gió giật mạnh nhất. Đây cũng chính là nơi tập kết bùn, đất mỗi khi lũ đến nên luồng lạch bị bồi lắng là không tránh khỏi” - ngư dân Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) nói. Tàu cá khi vào neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cũng bị va đập mạnh do bố trí nơi “miệng gió”. Do diện tích neo đậu hẹp (10,39ha) mà số lượng tàu thuyền nhiều (gồm cả huyện Duy Xuyên và Thăng Bình) nên tình trạng lộn xộn đã xảy ra khi ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều. Do không có ban quản lý âu thuyền, không có nguồn duy tu bảo dưỡng hằng năm nên hiện nay các phao báo hiệu tại âu thuyền đã bị hư hỏng, luồng vào vũng neo đậu cũng đã bị bồi lắng tại nhiều điểm.
Thiếu trung tâm hậu cần
Cách đây một năm, vào tháng 9.2014, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh. Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thống nhất chủ trương sẽ kiến nghị lên Chính phủ đầu tư hình thành 2 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của Quảng Nam ở Tam Quang (Núi Thành) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, 2 khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở 2 đầu của tỉnh sẽ phát huy hiệu quả khi các hoạt động mua bán hải sản gắn bó chặt chẽ với khu neo đậu tàu cá hay âu thuyền, nhất là âu thuyền Hồng Triều và khu neo đậu tàu cá An Hòa. Bộ NN&PTNT yêu cầu Quảng Nam bổ sung 2 dự án vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện thiết kế và hoàn thành dự toán kinh phí để có cơ sở triển khai phù hợp. Đến thời điểm này, Trung ương vẫn chưa có quyết định hỗ trợ kinh phí để Quảng Nam đầu tư hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh. Về việc này, ông Ngô Tấn cho biết: “Định hướng của tỉnh đã có rồi, cả 2 khu hậu cần nghề cá đều hình thành trên cơ sở gắn chặt với hoàn thiện các chỗ neo đậu tàu cá có sẵn. Cái vướng chỉ nằm ở chỗ trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không thể tách rời quỹ đất của Khu kinh tế mở Chu Lai. Khi Khu kinh tế mở Chu Lai chịu nhường đất thì tỉnh sẽ hoàn thành thiết kế, dự toán gửi Trung ương đề nghị phân bổ vốn, triển khai dự án”.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản có buổi làm việc với UBND tỉnh về triển khai chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67). Một lần nữa việc kiện toàn hạ tầng nghề cá của Quảng Nam được đem ra bàn bạc. “Nghị định 67 sẽ giúp Quảng Nam có thêm 92 tàu cá công suất lớn vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên, điều cần kíp nhất trong phát triển nghề cá vẫn là yếu tố đầu ra. Quảng Nam đã đề xuất Chính phủ đầu tư 2 khu dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với hoàn thiện khu neo đậu tàu cá An Hòa và âu thuyền Hồng Triều, không biết Chính phủ có chủ trương triển khai hay không?” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Ngọc Oai cho rằng, Nghị định 67 có nội dung hỗ trợ các địa phương ven biển kiện toàn các công trình hạ tầng nghề cá, trong đó có Quảng Nam. Trong năm 2016, Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư hình thành trung tâm hậu cần nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa, có tổng số vốn gần 1.600 tỷ đồng. Tiếp theo, sẽ đầu tư trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm Hoàng Sa. Trước hết, Quảng Nam phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục trình Chính phủ xem xét. Chủ trương đã nhất quán rồi, tỉnh xem xét để xin Trung ương bố trí dự án trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Có thể đây sẽ là cơ hội để Quảng Nam kiện toàn hậu cần nghề cá.
NGUYỄN QUANG VIỆT