Hạ tầng xanh cho phố

HÀ SẤU 26/11/2023 09:30

Thiết lập, cải tạo hệ thống hạ tầng hài hòa với chuyển động tự nhiên và giảm thiểu can thiệp vào các không gian sẵn có của phố là lối mở để tăng cường sức chống chịu cho đô thị trước các biến động.

Dự án cải tạo hồ Lai Nghi giúp tăng dung tích chứa, nâng cao khả năng điều hòa, trữ nước, chậm lũ cho đô thị Hội An và Điện Bàn. Ảnh: Q.T
Dự án cải tạo hồ Lai Nghi giúp tăng dung tích chứa, nâng cao khả năng điều hòa, trữ nước, chậm lũ cho đô thị Hội An và Điện Bàn. Ảnh: Q.T

Không gian bị tổn thương

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri những năm gần đây, nhiều cư dân ven biển TP.Hội An thường xuyên đề nghị chính quyền thành phố triển khai kè cứng dọc biển Cửa Đại bởi đời sống của họ luôn phập phồng theo từng cơn sóng dữ.

Dù vậy, lãnh đạo TP.Hội An khẳng định việc “giải cứu” xói lở biển Hội An không chỉ là giữ bờ mà còn phải hướng đến tái tạo bãi để phục hồi một phần không gian ven biển đã bị tổn thương.

Dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” trị giá 42 triệu euro dự kiến triển khai đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ giải được bài toán sạt lở của biển Hội An. Đáng chú ý khi hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án này có hạng mục quan trọng là nuôi bãi.

Theo các chuyên gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), các cụm kè được xây dựng trước các khu nghỉ dưỡng và dọc bờ có tác dụng tạm thời nhưng góp phần dẫn đến tổn thương thêm “tài sản chính” là bãi biển của thành phố.

Các giải pháp mềm dựa vào thiên nhiên như nuôi dưỡng bãi biển là cách tiếp cận thích ứng nhất bảo vệ sạt lở và tác động của biến đổi khí hậu lên đô thị nhưng đã không được tiếp cận trong quá khứ một phần vì yêu cầu phải bảo trì bờ biển liên tục bởi đe dọa từ phía biển. 

Ngoài khí hậu thay đổi như bão trên lưu vực, triều cao, mưa lớn và kéo dài… theo các chuyên gia, nguyên nhân của lũ lụt và sạt lở tại các đô thị khu vực miền Trung tăng dần về cường độ và tần suất có nguyên nhân phi khí hậu như quá trình đô thị hóa đã làm tăng các mặt phủ không thấm nước thông qua việc xây dựng đường sá, vỉa hè, quảng trường…

Việc san lấp ao hồ, kênh mương... đã làm cho diện tích mặt nước bị thu hẹp. Nhiều khu vực mới phát triển nằm trong các khu vực địa hình trũng thấp trong khi việc đầu tư hệ thống thoát nước không theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị, hệ thống thoát nước của thành phố đầu tư trước đây bị xuống cấp, điều kiện kỹ thuật không đảm bảo, bị tắc nghẽn do rác, đường ống bị thu hẹp do sử dụng nhiều năm bị lắng cặn. Đê bao, trạm bơm bị hư hỏng, xuống cấp… 

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng xám như hồ chứa, kè, đường ống, máy bơm, nhà máy xử lý nước và kênh đào. Các giải pháp kỹ thuật này được đưa vào trong lưu vực sông hoặc hệ sinh thái ven biển có thuộc tính thủy văn và môi trường ảnh hưởng đến hiệu suất của cơ sở hạ tầng xám.

Tăng cường khả năng chống chịu

Theo GS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cơ sở hạ tầng xanh giúp các đô thị trở nên đáng sống hơn, tăng cường khả năng chống chịu của đô thị và giảm tác động của các thảm họa liên quan đến nước.

Cơ sở hạ tầng xanh nhằm giảm dòng chảy trên bề mặt, tăng độ thấm nước, lưu giữ nước, thúc đẩy quá trình thoát hơi nước, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt, tạo ra các hành lang xanh trong khu vực.

Bộ công cụ hạ tầng xanh gồm 6 phương pháp quản lý nước mưa và 4 phương pháp công nghệ sinh học giúp giảm thiểu ngập lụt đô thị được các quốc gia như Pháp, Hàn Quốc, Singapore… triển khai từ sớm.

Thời gian qua, các đô thị ở Quảng Nam được hưởng lợi khá nhiều từ các dự án hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu chú trọng hướng đến thiết lập hạ tầng xanh. Nổi bật nhất chính là dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam”.

Có đến 6 dự án thành phần của dự án này khi hoàn thành sẽ giúp các đô thị Hội An và Điện Bàn hưởng lợi lớn. Nạo vét, cải tạo sông Cổ Cò, hồ Lai Nghi, hồ Pháp Bảo chính là các dự án thành phần trọng điểm kỳ vọng sẽ gia tăng “sức đề kháng” cho phố thay vì các giải pháp công trình “cứng” thiên về chống chọi, ứng phó như trước. Đáng tiếc là qua nhiều năm triển khai, các dự án trên đều đang ít nhiều dang dở.

Theo chuyên gia của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, thực tế thì cách tiếp cận chính của các “công trình xanh” để thích ứng với nước một cách bền vững vẫn là sử dụng và tối ưu hóa việc tiêu thoát nước tự nhiên theo các dòng chảy bề mặt.

Cách tiếp cận này mang đến cơ hội tăng cường không gian xanh cho đô thị, cải thiện môi trường sống, tăng chất lượng sống của cộng đồng và sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạ tầng xanh cho phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO