Cuối cùng cô cũng tìm được nơi anh ở. Đó là một căn nhà nhỏ trong dãy nhà cho thuê. Cô rụt rè gõ cửa. Có tiếng bước chân chậm chạp, nặng nề và không đều nhau. Cô bàng hoàng khi nhìn người đàn ông đối diện. Lưng gù, chân cà thọt, khuôn mặt méo mó, biến dạng bởi không có xương gò má bên phải và hai con mắt không nằm ở vị trí như mọi người. Cô muốn quay lưng ù té chạy nhưng người đàn ông đã lên tiếng “Xin lỗi, cô tìm ai?”. “Thưa đây có phải nhà của Thủy Hà không ạ?”. Cô hỏi mà không dám nhìn khuôn mặt vừa làm cô liên tưởng đến những thước phim kinh dị. “Đúng rồi, Thủy Hà là bút danh của anh trai tôi. Anh tôi đi vắng. Mời cô vào nhà”. Cô thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra tác phẩm quái dị của tạo hóa kia không phải là thần tượng của cô.
Căn phòng khách nhỏ nhưng bài trí khá gọn gàng. Một bàn tiếp khách thô sơ, có vẻ như nó được sinh ra từ bàn tay không chuyên nghiệp. Một máy vi tính đang mở cạnh kệ gỗ chứa rất nhiều sách báo, tạp chí - cô đoán trong đó có các tác phẩm của Thủy Hà. Người đàn ông khó nhọc đi vào phía trong và mang ra cho cô một cốc nước lọc. “Mời cô uống nước”. Giọng người đàn ông khá trầm ấm. Cô thầm nghĩ, nếu chỉ nghe giọng nói mà đừng nhìn thấy mặt, có lẽ cô sẽ gần gũi với anh ta hơn. “Tôi là Huy, em trai Thủy Hà”. “Tôi là một độc giả yêu thơ Thủy Hà. Chúng tôi đã từng trò chuyện qua mạng với nhau. Thủy Hà cho địa chỉ, hôm nay tôi mạo muội đến thăm anh ấy”. Khuôn mặt méo mó của Huy giãn ra, đôi mắt không đồng điệu nhau trên khuôn mặt nhưng cùng biểu hiện cảm xúc vui sướng. “Cô có phải là Hoài Thu không?”. “Dạ phải, sao anh biết?”. Một phút ngập ngừng trên khuôn mặt dị dạng “Tôi nghe anh trai kể”. Cô xúc động “Vâng, tôi là Hoài Thu”. Nhà thơ đã kể về cô với em trai, nghĩa rằng anh ấy có ấn tượng với cô. Hoặc anh ấy rất yêu em trai mình nên chia sẻ mọi điều. Nhưng là gì đi nữa thì cô cũng là một độc giả mà anh ấy nhớ tên, nhớ tuổi. Cô thấy mình thật hạnh phúc.
Cuộc viếng thăm hôm ấy không gặp được Thủy Hà nhưng cô rất mãn nguyện. Hơn một năm nay, cái tên Thủy Hà và thơ tình của anh thường xuyên có mặt trên các báo, tạp chí. Cô gọi anh là Xuân Diệu thứ hai. Cô yêu thơ anh như thể yêu hơi thở của mình. Lòng hâm mộ của cô đã trở thành một tình yêu cháy bỏng. Không có gì đẹp hơn tình yêu ấy bởi nó là sự thánh thiện giữa đời thường trần tục. Bây giờ cô đã đến được nơi anh ở, biết được nơi anh ngồi sáng tác. Và cô lại muốn ngày ngày đi ngang nơi ấy. Cô xin ba mẹ cho mình thuê nhà ở riêng. Lý do cô đưa ra khá hợp lý. Nhà của cô quá xa nơi làm việc. Hơn nữa, sáu người ở trong bốn chục mét vuông không dễ chịu chút nào. Anh cô lại sắp cưới vợ. Việc cô thuê nhà được ba mẹ vui vẻ chấp nhận, anh trai cô thở phào nhẹ nhõm. Thế là cô trở thành hàng xóm của nhà thơ Thủy Hà.
Ngay hôm dọn đồ đạc đến, cô đã gặp mặt thần tượng của mình. Lần này cô thầm khen tạo hóa sao quá khéo tay. Khác hẳn với Huy và còn hơn những gì cô thấy qua ảnh, Thủy Hà có thân hình cao lớn, vạm vỡ, khuôn mặt điển trai. Cô đồ rằng, kiểu người như cô trái tim chỉ rung động trước tài năng và đức hạnh. Thế mà khi nhìn khuôn mặt Thủy Hà, trái tim cô run rẩy. Thủy Hà thi thoảng mới nhắc đến thơ ca. Có thể anh không muốn lúc nào mình cũng lạc vào mộng mị, cô nghĩ thế. Còn Huy, khi nói về thơ, trong mắt Huy có sóng biển...
Ngày tháng và thơ ca đã thắt chặt thêm mối quan hệ giữa cô và hai anh em Thủy Hà. Khi cô mua giúp họ mớ rau, con cá. Lúc cô khâu hộ rèm cửa sổ. Cô hạnh phúc khi làm những việc có liên quan đến họ. Nhờ cô, Thủy Hà có thêm thời gian để sáng tác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh vắng nhà nhiều hơn. Anh rong ruổi đây đó cả ngày để tối về ý thơ tuôn chảy và sáng mai lại nằm kiêu hãnh trên các trang báo hay blog của anh. Có hôm anh về rất khuya, dáng người mệt mỏi. Cũng có hôm anh say khướt. Nhưng về sớm hay trễ, tỉnh hay say, tối nào anh cũng mail cho cô. Tên cô, hình bóng cô đã xuất hiện trong thơ anh. Cô tự hào về điều ấy. Mẹ đã dạy cô rằng, trước khi yêu ai thì phải hiểu được người đó. Cô giải thích với mình, cô yêu thơ Thủy Hà là quá đủ, bởi lẽ thơ là trái tim, là tâm hồn của anh...
Từ khi có cô, Huy vui hẳn lên. Cô cũng không còn sợ hãi khi nhìn Huy nữa. Huy hiền lành, ít nói và chẳng mấy khi ra khỏi nhà. Cô thường gặp Huy ngồi say sưa trước máy vi tính. Cô đoán anh đánh máy bản thảo cho Thủy Hà. Thỉnh thoảng cô nghe Huy hát. Huy hát rất hay. Giọng của Huy trầm ấm, mượt mà. Phải chi Huy không mang khối u trên lưng, đôi chân không vòng cong, khuôn mặt như Thủy Hà, có lẽ Huy đã là ca sĩ nổi tiếng. Nhiều lúc nhìn Huy, cô lại thầm trách tạo hóa quá tàn nhẫn với anh. Tại sao phải lấy một thể xác không hoàn chỉnh để bọc một tâm hồn trong sáng, một trái tim tươi đẹp, một giọng hát quyến rũ. Phải chăng tạo hóa chơi trò ngụy trang như lúc bé cô vẫn thường chơi. Cô được biệt danh là Sherlock Holmes cũng từ trò chơi đó.
Rồi cô cũng về đến nhà sau chuyến công tác dài hơn một tháng. Vừa đặt va ly xuống, cô vội vã chạy sang nhà Thủy Hà. Anh vắng nhà. Huy nằm trên giường như cái cây đã bị chặt gốc. Huy ốm cả tuần nay. Thấy cô, khuôn mặt Huy rạng rỡ. Huy cầm món quà là chiếc áo len cô tặng, từ trong hai hốc mắt, một trên một dưới lăn ra hai giọt nước. Trông Huy gầy như thể không mang nổi khối u trên lưng. Đôi chân khập khiễng làm dáng Huy đi lại xiêu vẹo không theo hình khối nào. Thủy Hà vẫn đi sớm về trưa. Để có những bài thơ tuyệt tác cần phải có sự hy sinh. Cô thương Huy, càng thêm yêu Thủy Hà. Cô tự nhủ sẽ thay anh chăm sóc Huy nhiều hơn.
Đang loay hoay với bản báo cáo, cô nhận được điện thoại của bà Tư bán nước trong khu phố, “Cô Hoài Thu ơi, cậu Huy có chuyện rồi”. Cô phóng xe giữa cái nắng hanh hao, vàng vọt. Nhà của Thủy Hà đông kín người. Thấy cô, bà Tư nước mắt ràn rụa “Cậu Huy đi rồi cô Hoài Thu ơi”. Cô chơi vơi. Sự sống sao mong manh đến vậy. Cái lưng gù dị dạng, cái dáng đi khập khiễng, khuôn mặt không có gò má phải... đã quá thân quen với cô. Cô điện thoại cho Thủy Hà. Số máy nằm ngoài vùng phủ sóng.
Khi tẩm liệm Huy, người ta thấy hai cuốn sổ được bọc trong chiếc áo len đặt dưới gối Huy nằm. Ông Hai bán bánh bao đầu hẻm đưa hai cuốn sổ cho cô và bảo “Cô xem chú ấy có nhắn gửi gì không”. Cô lần giở cuốn sổ đầu tiên. Bản thảo những bài thơ mà cô đã thuộc làu. Cô ngỡ ngàng. Thơ của Thủy Hà mà sao nét chữ bản thảo lại là của Huy. Nhịp tim cô thay đổi. Cô giở tiếp cuốn thứ hai, một cuốn nhật ký.
“Ngày...tháng...năm... Người ta gửi giấy mời đi nhận nhuận bút. Làm sao mình đi được với thân hình quái dị này đây. Nhờ anh trai thôi. Nhưng mình biết làm thế này là không hay lắm. Anh ấy hay chơi cờ bạc mà mình lại đưa tiền cho anh ấy cầm...”.
Cuốn sổ trong tay cô rơi xuống đất. Bên tai cô, tiếng ông Hai nghèn nghẹn, “Chú ấy quý chiếc áo len này lắm. Hôm trước, chú ấy bảo với tôi nếu chú ấy có bề gì thì nhớ cho chú mang theo chiếc áo này vì đây là quà của cô gái mà chú ấy yêu”. Cô trân trối nhìn vào dáng người trên giường đã được phủ tấm khăn trắng. Khối u trên lưng làm người đã mất cong như một dấu hỏi. Phải chăng, dấu hỏi này tạo hóa dành cho cô trong trò chơi ngụy trang mà cô là người thua cuộc...
HOÀNG NAM