Hai cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG 07/06/2019 16:19

Không chỉ vượt khó làm kinh tế giỏi, các cựu binh Nguyễn Văn Cửu (Điện Phước), Ngô Đình Sáu (Điện Phong)… thị xã Điện Bàn còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Gia trại nuôi bồ câu lai Pháp của cựu binh Nguyễn Phước Sáu (Điện Phước). Ảnh: NHAN PHƯƠNG
Gia trại nuôi bồ câu lai Pháp của cựu binh Nguyễn Phước Sáu (Điện Phước). Ảnh: NHAN PHƯƠNG

Lập tổ hợp tác mây tre

Ông Nguyễn Văn Cửu (65 tuổi, trú thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước) nhiều năm liền là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Nông Sơn 2. Thời kỳ quân ngũ, từng ghé nhà người bạn ở chiến trường, ông được đưa đi tham quan Công ty sản xuất Mây tre An Khê (Đà Nẵng). Ông nảy sinh ý tưởng học hỏi nghề mây tre đan, về quê tiếp nối nghề đan, từng là nghề đã gắn bó với đời sống dân làng từ lâu. Ông đứng ra thành lập tổ hợp tác (THT) mây tre đan gồm 5 thành viên, chủ yếu sản xuất theo hình thức gia công (làm theo mẫu), mua nguyên liệu, bán thành phẩm để đưa đến các cơ sở chuyên xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Cơ sở mây tre đan của ông hiện đã liên doanh, hợp tác với Công ty sản xuất Mây Đại Lộc, Công ty An Khê ở Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu gỗ ở Cẩm Hà nên đầu ra của sản phẩm khá ổn định.

Ông Cửu cho biết, ban đầu, cơ sở ông gặp khó khăn trong việc tuyển lao động lành nghề, phải bỏ tiền đào tạo nghề cho học viên từ 6 - 8 tháng, thiếu nguồn vốn đầu tư, mở rộng mô hình, mẫu mã chưa đa dạng, chưa đáp ứng yêu cầu khó tính của thị trường. Qua sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề từ nhiều chương trình ở thị xã, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam, THT mây tre đan của ông Cửu đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm từ mây như ghế tắm nắng, bàn, ghế, sọt rác, bàn trang điểm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đơn giản đến phức tạp, từ mây thật đến mây nhân tạo, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Đầu ra của sản phẩm THT khá ổn định, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 90 lao động với mức thu nhập từ 3,6 - 6,3 triệu đồng/người/tháng. THT cũng hướng tới mở rộng mô hình, hình thành Hợp tác xã Sản xuất mây tre đan Điện Phước nhằm tăng doanh thu, nâng mức sống cho người lao động.

Nuôi bồ câu làm giàu

Cựu binh Nguyễn Phước Sáu (thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước) đã có thâm niên gần 20 năm nuôi bồ câu giống, bồ câu thịt và có thu nhập khá. Ban đầu, ông Sáu mua 15 cặp bồ câu giống thả nuôi và sau 1 năm, đàn bồ câu sinh sôi thành 100 cặp. Mô hình chăn nuôi đang thuận lợi thì năm 2003, đúng thời điểm cả nước xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 khiến nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm điêu đứng. Chính quyền và ngành chức năng cấm tiêu thụ, vận chuyển gia cầm; nhiều người dân tự hủy hết đàn vật nuôi, bỏ nghề vì không cầm cự được tổng đàn. “Sáu tháng liền không tiêu thụ được bồ câu, tổng đàn sinh sản ngày càng nhiều, tôi phải vay mượn khắp nơi để duy trì, đồng thời giảm lượng thức ăn chỉ đủ duy trì đàn. Tính ra mỗi tháng tôi lỗ 30 triệu, 6 tháng lỗ gần 200 triệu đồng. Nhờ kiên trì cầm cự nên sau khi ngừng lệnh cấm, tôi lấy lại vốn nhanh chóng mà vẫn giữ được đàn” - ông Sáu kể.

“Làm kinh tế là chuyện lâu dài, sẽ có lúc phải đối mặt với khó khăn, thất bại nhưng bền bỉ vượt qua nó mới có được thành công” - ông Sáu nói. Hiện, gia trại ông Sáu có tổng đàn bồ câu 2.000 con giống, bồ câu thịt lai Pháp. Với giá 50.000 đồng/con bồ câu thịt, 250.000 đồng/cặp giống, đầu ra ổn định, cơ sở ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với bồ câu thịt, bồ câu ra ràng, cơ sở ông Sáu không những cung cấp cho thị trường tại chỗ mà còn cung ứng cho khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng và Điện Bàn. Thời điểm nào lượng bồ câu bán thịt của cơ sở ông cũng khoảng 600 cặp. Bồ câu được nuôi theo mô hình nhà lồng với tổng diện tích 170m2, gồm 3 tầng nuôi. Cứ 1 ô lồng có 45 ô vuông là chỗ trú ngụ cho bồ câu. Thức ăn của bồ câu gồm gạo lức, bột, đậu, các phụ phẩm nông nghiệp.

CCB Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Phước Sáu là những gương cựu binh làm kinh tế giỏi, xứng đáng để nhiều người học tập, làm theo. Đáng quý, không chỉ làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, ông Cửu còn ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện địa phương mỗi năm 10 - 15 triệu đồng, thiết thực sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO