Với hai tập thơ xuất bản gần như liên tiếp “Vuốt nếp gấp thời gian” (2022) và “Giấc mơ màu lá” (2023), Hải Điểu dường như có đủ tự tin đi tìm bản ngã qua thế giới thơ ca.
Tôi nghĩ có một trầm lưu trong thơ Hải Điểu xuyên qua những vực đá miền cao: “Là lượt từng bóng cây, dáng núi/ đón bước em về xôn xao/ mùa lơ lang mười năm/ hồn tôi nở trắng” (Mùa lơ lang trắng); rồi chảy về dòng sông quê xứ: “gửi về bỏng rát chiều Vu Gia/ thương nắng cháy bờ tre ngày thơ ấu/ gió hai miền ru ngủ/ giấc mơ cánh diều/ nhuộm trắng cả hoàng hôn” (Đôi bờ một dòng sông); hợp lưu cùng bao suối nguồn rồi mênh mang hồn cốt phía biển: “Ngoài kia sóng vỗ xa gần/ cát trắng dối lòng tản mác/ bạc đôi sợi sóng có gì” (Biển đã lên đèn) - để tác giả bày biện câu chữ trong tác phẩm của mình.
Những bài thơ mang theo nhiều cảm thức giữa mộng và thực, từ biên địa đến quê nhà, từ con suối róc rách đến sóng biển mênh mang.
Nơi ấy nhen lên hồn thơ của tác giả với thanh âm “tiếng cồng đêm hôm qua vỡ nứt” (Vệt cứa lưng chiều), hình ảnh “bồ hóng bám dày giấc mơ ám khói” (Gác bếp), sắc màu “những cái gùi đong đưa/ rực màu hoa chuối đỏ/ xanh búp măng non/ trắng ngần lõi sắn” (Tĩnh lặng chiều) và con người “lắng nghe câu hát chiều bên suối/ trắng sắc lơ lang trắng đất trời/ em gùi mây trắng qua lưng núi/ thả xuống hồn anh sợi khói lam” (Mây chiều lưng núi)…
Dường như trong tôi có sự đồng cảm với người từng sống và làm việc thời gian khá dài nơi miền cao nên dễ dàng bắt gặp các vùng giao thoa trong “Giấc mơ màu lá” - văn hóa bản địa, đời sống và con người - mà Hải Điểu viết ra từ trải nghiệm của mình.
Những điều ấy là căn tố đưa Hải Điểu đến với thơ ca trong niềm yêu say. Nó được biểu hiện khá phong phú trong cái nhìn mang cảm thức sinh thái, gói gởi giá trị nhân văn đối với những gì đang hiện hữu trong cuộc sống: “nhặt một chiếc lá khô/ nghe chồi non thổn thức/ khi nắng gió đầy cành lá xanh bóng mẩy/ có biết gì về nỗi đau/ của lãng quên, mục nát, tàn phai” (Thu bay).
Những câu thơ gợi liên tưởng, kết nối trong trục cảm xúc thời gian, không gian từ quá khứ đến hiện tại cho chúng ta thông điệp về sự lưu giữ ký ức, trân quý hạnh phúc và nỗi đau.
Sự xuất hiện của các khuôn mặt thơ nữ trẻ trong sinh hoạt văn nghệ là điều đáng quý, đáng trân trọng bởi họ không chỉ đi qua chính mình từ thơ ca mà còn phải vượt khỏi các định kiến, ràng buộc về giới.
Và hiển nhiên, chỉ có những người thơ thấu thị, tự tin, bản lĩnh thì mới để lại các dấu ấn trong trang viết. Với hai tập thơ trình làng khá gần nhau, chúng ta thấy hiện ra một cây bút khá đĩnh đạc, điềm tĩnh dù chỉ là “cái bóng lẻ loi, đơn độc/ tần ngần trên nhánh tre khô” (Ngày muộn).
Hải Điểu đã thể hiện nỗ lực làm mới mình trong thơ hiện đại qua cách phô diễn ký tự, lựa tìm ngôn từ, kết cấu dòng thơ và trình bày các ẩn dụ lấy cảm hứng từ sinh quyển mà chị đang hiện tồn. Dẫu vậy, lời thơ vẫn chân thành, cởi mở và duyên dáng. Đọc thơ Hải Điểu, còn có thể mường tượng một bức tranh về nơi chốn chị đã qua thật hiền hòa và bình yên.