Hai đội nữ bả trạo Điện Dương

THÂN VĨNH LỘC 01/09/2014 08:34

Nếu như ở các vùng quê ven biển Quảng Nam múa hát bả trạo thường dành cho đàn ông trai tráng thì tại xã Điện Dương (Điện Bàn) lại có hai đội bả trạo nữ. Và hai đội bả trạo này hoạt động “xôm trò” hơn 15 năm nay...

Sự biến tấu lạ

Xã Điện Dương có 2 đội bả trạo của thôn Tân Khai và thôn Hà Quảng Bắc với số lượng mỗi đội 19 người (3 người hát và 16 người chèo). Khi trong làng có lễ hội cầu ngư, cúng đình hay đám ma… hai đội đều được mời đến hát. Ngoài trình diễn tại địa phương, hai đội còn đi diễn  nhiều nơi trong tỉnh và  TP.Đà Nẵng. “Hầu hết chị em đi làm công nhân, nhưng lúc có đám đều xin phép nghỉ việc do cái tâm với nghề và ai cũng đam mê bả trạo” - bà Phạm Thị Chín, thành viên đội bả trạo thôn Hà Quảng Bắc cho biết. Đến nay, đội bả trạo thôn Hà Quảng Bắc đã dần khẳng định được “thương hiệu” với hơn 15 năm hoạt động nên việc phối hợp, ráp nối những bài hát múa, các thành viên đều rất thuần thục. Tùy theo loại hình lễ hội mà đội có bài hát phù hợp như đám ma thì hát đưa linh, cúng đình làng thì hát lễ thỉnh văn, hát cầu ngư kèm theo đua ghe… Điều lạ là không ai biết vì sao thành viên trong đội bả trạo đều là phụ nữ, dù ban đầu vẫn có đàn ông tham gia. “Chắc do phụ nữ dẻo tay dễ chèo hơn đàn ông” - bà Trần Thị Sinh, một thành viên trong đội, nói. Riêng đội bả trạo thôn Tân Khai  trước đây còn có những cô gái mười tám đôi mươi tham gia nhưng do bận học, đi làm ăn xa... nên nghỉ dần.

Đội nữ bả trạo xã Điện Dương được nhiều nơi mời đi trình diễn.Ảnh: T.V.L
Đội nữ bả trạo xã Điện Dương được nhiều nơi mời đi trình diễn.Ảnh: T.V.L

Nhạc sĩ Xa Văn Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Nam cho rằng, việc 2 đội bả trạo tại Điện Dương do phụ nữ hát múa là rất lạ vì từ xưa đã quy định hát múa bả trạo là công việc của đàn ông, thậm chí trong một số nghi lễ tâm linh phụ nữ cũng không được xuất hiện trước bàn linh. “Đây là sự biến tấu lạ nhưng thú vị” - nhạc sĩ Xa Văn Hùng nhận xét. Ngoài 2 đội bả trạo nữ xã Điện Dương, tại phường Cẩm Nam (TP.Hội An) cũng có một đội bả trạo nữ (16 người) nhưng hoạt động không chuyên nghiệp như đội Tân Khai và Hà Quảng Bắc. Theo nhạc sĩ Xa Văn Hùng, lợi thế của đội bả trạo nữ, ngoài sự dẻo dai nhuần nhuyễn, còn nổi trội ở hình thể và khuôn mặt đẹp khi được trang điểm. Dù vậy, nhạc sĩ cũng nhìn nhận việc phụ nữ đứng vai tổng không phù hợp bằng đàn ông do đặc điểm về giọng hát và điệu bộ di chuyển… “Quan điểm của tôi là ủng hộ đội bả trạo nữ nhưng đứng tổng nên dành cho đàn ông vì còn phụ thuộc vào giọng hát hào sảng và phong thái trình diễn” - ông Hùng nói. Điều này đã được ông thể hiện trong đợt tập huấn hát múa bả trạo tại xã Điện Dương vừa qua với việc sắp xếp lại các tổng mũi, tổng thương và tổng lái là đàn ông trong các đội bả trạo nữ.

Phục vụ du lịch    

Ông Lê Công Tánh - Đội trưởng đội bả trạo thôn Tân Khai cho biết, tiền thân của các đội này là đội tuồng xã Điện Dương. Khoảng 15 năm trước, do không còn đất sống nên phải chuyển thành đội chèo bả trạo như là cách níu giữ loại hình nghệ thuật cổ truyền của cha ông, không ngờ lại sống được đến bây giờ. “Thực ra nói đây là cái nghiệp và cái tâm, chứ đi biểu diễn để kiếm tiền thì chẳng được bao nhiêu cả” - ông Tánh tâm sự. Ngoài dụng cụ của đoàn tuồng năm xưa, ông Tánh sắm thêm trang phục cho mỗi thành viên nhưng tiền thù lao đi diễn vẫn được ông chia đều cho đội. “Tôi năm nay tuổi đã 80, yếu sức rồi, nếu không vì cái nghiệp vận vào người, chắc cũng nghỉ ngơi chứ ham hố chi nữa” - ông Tánh bộc bạch. Còn theo ông Nguyễn Thanh Trung - Trưởng ban Văn hóa xã Điện Dương, điều lo lắng của địa phương là đa số thành viên 2 đội bả trạo đều đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ lại không mặn mà với loại hình này,  nguy cơ mất gốc là rất lớn. “Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo của địa phương nên rất cần được bảo tồn phát huy để truyền lại lớp trẻ sau này” - ông Trung chia sẻ.

Vừa qua, UBND xã Điện Dương phối hợp với Phòng VHTT huyện Điện Bàn mở lớp tập huấn hát bả trạo tại địa phương cho gần 50 thành viên đến từ 2 đội chèo bả trạo của xã. Nhạc sĩ Xa Văn Hùng hướng dẫn các làn điệu như Bắt bài lệnh, Hò kéo neo, Kệ, Tán, hát Nam, Lý, Xướng… ai cũng hào hứng vì lần đầu tiên được hướng dẫn một cách bài bản, đúng niêm luật, làn điệu nguyên bản gốc của loại hình bả trạo. Bà Lương Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Điện Bàn tiết lộ, ngoài mục đích hướng dẫn kỹ năng biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các đội, lớp tập huấn còn hướng đến tham vọng xây dựng 2 đội bả trạo Điện Dương trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ tại các điểm du lịch trong và ngoài huyện. “Đã có nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền như bài chòi, múa Chăm được đưa vào phục vụ du lịch, tôi nghĩ hát bả trạo sẽ không là ngoại lệ trong tương lai, nếu ngay từ bây giờ chúng ta làm tốt công tác quảng bá giới thiệu loại hình nghệ thuật này, nhất là khi bả trạo vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” - bà Linh kỳ vọng. Bà Linh cũng cho rằng, các đội bả trạo Điện Dương có những lợi thế nhất định vì ở trên cung đường Đà Nẵng, Hội An, cũng như gần các điểm du lịch Điện Bàn như Vinahouse, Triêm Tây, The Nam Hai, Le Belhamy… nên sẽ có cơ hội trở thành một sản phẩm du lịch thực thụ.

Hát múa bả trạo, một loại hình diễn xướng dân gian đã tồn tại hàng trăm năm trên các vùng quê ven biển miền Trung. Sự xuất hiện của đội chèo bả trạo nữ xã Điện Dương là “biến tấu” lạ, thể hiện sự bình đẳng của phụ nữ trong các loại hình nghệ thuật mang tính tâm linh, góp phần vào sự đa dạng những giá trị văn nghệ dân gian xứ Quảng.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai đội nữ bả trạo Điện Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO