(QNO) – Sau 25 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại (4/12/1999 – 4/12/2024), khu đền tháp Mỹ Sơn đã đạt được những thành tựu rực rỡ, trở thành hình mẫu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xứng đáng là một tài sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc quý báu của nhân loại.
Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý tại hội thảo “Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hóa thế giới ở miền Trung: trữ lượng và viễn cảnh”. Sự kiện do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp UBND huyện Duy Xuyên tổ chức ngày 29/11 tại khu di sản Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên).
Nhận diện những tồn tại
Với các nội dung gồm đánh giá tiềm năng, thực trạng, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới ở miền Trung, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm dành cho Mỹ Sơn, hội thảo được xem là diễn đàn học thuật kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, giáo dục, doanh nghiệp miền Trung đưa ra những đề xuất, sáng kiến, giải pháp nhằm phát huy di sản hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, những năm qua, Khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế cũng như các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh không chỉ được gìn giữ một cách thận trọng mà còn trở thành động lực thúc đẩy văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội ở các địa phương phát triển.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng như các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung đang đứng trước nhiều thách thức, từ tác động của biến đổi khí hậu, áp lực phát triển du lịch, đến những vấn đề trong quản lý, liên kết vùng, chuyển đổi số, quy hoạch… đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức. Vì vậy, việc nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc, đề ra giải pháp tháo gỡ để Khu đền tháp Mỹ Sơn phát triển bền vững hơn thời gian tới.
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Minh – Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), mặc dù đã có nhiều công trình, bài viết đề cập đến di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhưng các nghiên cứu chủ yếu tập trung về giá trị lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du lịch… Trong khi, việc tìm hiểu những vấn đề đặt ra, những thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vẫn chưa có nhiều.
“Chúng ta mới chủ yếu dừng lại ở việc trùng tu các đền tháp phát lộ hoặc xuống cấp; thiếu quy hoạch, nghiên cứu các đền tháp mới đang còn ẩn sau dưới lòng đất. Chưa kể, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy di sản vẫn chưa đồng bộ, rộng khắp…” – ông Minh dẫn chứng.
Hài hòa bảo tồn và phát huy di sản
Sau 25 năm được UNESCO vinh danh, công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Hành lang pháp lý về bảo tồn di sản ngày càng được củng cố vững chắc, các di tích đã bước ra khỏi tình trạng đổ nát sang khi được trùng tu. Quá trình hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan quốc tế đã tạo tiền đề, kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, phát huy theo hướng bền vững.
[VIDEO] - Khu đền tháp Mỹ Sơn được bảo tồn, phát huy hiệu quả:
Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, Mỹ Sơn là điểm tham quan không phải là một khu du lịch nên khó có thể thỏa mãn các nhu cầu dịch vụ, giải trí cho du khách. Chưa kể, xuất phát điểm của Mỹ Sơn khác Hội An. Nếu Hội An là cảng thị, đô thị cổ tập trung các hoạt động của con người thì Mỹ Sơn là thánh địa của người Chăm là nơi thờ phụng thần linh gắn liền với tầng lớp tu sĩ Bà la môn nên cũng hạn chế một số dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống... không phù hợp.
“Mỹ Sơn cố gắng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản một cách hài hòa, không quá nặng về nguồn thu, nhưng không có nghĩa thiếu đầu tư phục vụ du khách” – ông Khiết nói và cho biết, để đạt được các mục tiêu đề ra, Mỹ Sơn đã và đang tập trung cho nguồn nhân lực và vật lực. Trong đó, nguồn vật lực trở thành yếu tố mấu chốt trong công tác bảo tồn.
Thực tế, thông qua các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế đã giúp hồi sinh nhiều nhóm đền tháp Mỹ Sơn. Đơn cử, từ năm 2003 – 2013 từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Ý, Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã tập trung bảo tồn nhóm tháp G tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2022 Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ bảo tồn 3 nhóm tháp A, K, H với gần 60 tỷ đồng… Ngoài ra, Mỹ Sơn cũng quan tâm đến hạ tầng công nghệ.
Theo ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, địa phương khuyến khích các nhà nghiên cứu, nhà quản lý bộc lộ một cách cởi mở các quan điểm khoa học về tiềm năng, giá trị của Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như những khó khăn, thách thức và biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo di sản được bảo vệ theo đúng cam kết với UNESCO.
Đồng thời, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội với phương châm “lấy nguyên tắc bảo tồn là nghiêm ngặt, phát huy là khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế phù hợp để tạo nguồn lực duy trì bảo tồn, hướng đến cộng đồng cùng hưởng lợi”.
“Các nhà nghiên cứu, chuyên gia có thể gợi mở thêm những vấn đề chưa phát lộ hay chưa khai phá, khoa học chưa làm rõ, dưới góc độ nghiên cứu, nhận định có tính logic về văn hóa nghệ thuật hay mỹ thuật, kỹ thuật, đề xuất vấn đề, cùng nhau khai phóng trầm tích văn hóa mà lâu nay chưa được phát hiện, nghiên cứu” – ông Phúc chia sẻ.