Hai mẹ con lái đò nơi đầu nguồn sông Thu

VÕ LÊ - TẤN VŨ 09/05/2017 08:27

Nhiều năm nay, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Mùi ở thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm, Nông Sơn, hằng ngày lái đò đưa khách xuôi ngược dòng Thu Bồn để kiếm sống. Không những thế, họ còn nhiều bận đưa đò miễn phí chở người xuôi dòng Thu Bồn đi cấp cứu lúc nửa đêm.

Mẹ chồng rồi đến nàng dâu

Chúng tôi đến bến đò Thạch Bích để xuôi dòng Thu Bồn lên thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng. Một người dân gọi với ra phía ngôi nhà nằm dưới lũy tre xanh cạnh mé sông và cho biết: “Ở đây chỉ có hai mẹ con bà Mùi lái đò thôi. Muốn đi đâu cứ nói họ chở đi”. Nghe khách gọi đò, chị Trần Thị Thơ (35 tuổi, con dâu bà Mùi) lụi cụi xuống chiếc đò nổ máy. Bà Mùi cầm chai nước chè xanh, nhảy cái “phóc” một cái lên đò, dùng cây sào dài mấy sải tay người đẩy mũi đò ra dòng nước. Có chồng từ thuở đôi mươi, cuộc sống gắn bó với chiếc đò lênh đênh trên con nước của bà Mùi cũng bắt đầu từ ấy. Bà cùng chồng chèo đò kiếm sống qua những ngày mưa nắng để nuôi mấy đứa con ăn học. “Hồi mới về sống chung, ổng chỉ có nghề chèo đò nên tui làm theo ổng. Riết rồi ổng không lái đò nữa mà chuyển sang đánh cá,  “chuyển nhượng” con đò và cái nghề lái đò cho tui luôn” - bà Mùi kể. Cái nghề “gia truyền” này đã nuôi sống gia đình bà nên bất kể mưa gió, nắng nôi bà cũng đưa khách sang sông kiếm tiền. Bám víu vào dòng sông kiếm sống nên bà biết rất rõ từng chỗ nông, sâu. Dù đã già, người gầy còm nhưng khi đã lên đò, đôi tay cầm cần chỉnh bánh lái quẹo trái, quẹo phải, ngược dòng nước của bà vẫn “chắc cú” như thời còn thiếu nữ.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Mùi lái đò kiếm sống. Ảnh: VÕ LÊ
Mẹ con bà Nguyễn Thị Mùi lái đò kiếm sống. Ảnh: VÕ LÊ

Ông Phạm Đình Hồng (70 tuổi, chồng bà Mùi), kể rằng, lúc mới “bàn giao” con đò cho vợ lái trong bụng ông cũng lo lo. “Sợ bả lái đò trên sông nước hiểm nguy, nhưng giờ thấy bả lái thành thục rồi, có khi còn hơn tui nữa nên tui rất yên tâm” -ông Hồng tâm sự. Về nhà chồng, chị Thơ cũng nối gót theo mẹ chồng ra bến sông lái đò kiếm tiền nuôi con. Giờ hai mẹ con chị đã có hai chiếc đò làm vốn, nếu ít khách thì họ lái chung một đò, còn gặp lúc khách tham quan Hòn Kẽm Đá Dừng đông, họ chia đôi ra mà lái đò. “Cũng ngót mười năm nay tôi lái đò cùng mẹ kiếm sống. Cũng nghèo quá mới lái đò thôi, chứ suốt ngày lênh đênh trên sông nước, cực lắm” - chị Thơ cười bảo. Theo chị, mỗi ngày hai mẹ con chở khách qua lại hai bên sông, mỗi lượt khách vài nghìn đồng, một ngày kiếm cũng được khoảng trăm ngàn đồng. Những dịp lễ tết, khách đi tham quan ở thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng đông, thu nhập cũng khá hơn. Mỗi chuyến lái đò chở khách đi và về, hai mẹ con chị kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng. “Lên Hòn Kẽm Đá Dừng đi và về cũng mất chừng hai giờ đồng hồ, lại ngược dòng nước nên lái đò mệt lắm” - chị Thơ quệt mồ hôi, nói.

Nửa đêm đưa người đi cứu cấp

Những năm trước thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) nằm bên kia bến đò Thạch Bích chưa có đường ra trung tâm huyện, muốn qua sông thì phải lụy đò. Trong cuộc đời lái đò của mình, bà Mùi và chị Thơ không nhớ nổi đã bao nhiêu lần nửa đêm phải lọ mọ thức dậy lái đò đưa người bệnh, thai phụ trở dạ qua sông hay xuôi dòng Thu Bồn xuống bệnh viện huyện cấp cứu, sinh đẻ. Và mỗi lần đưa đò, hai mẹ con đều không lấy một đồng xu nào. Chị Thơ tâm sự, nhiều khi đang ngủ, nghe tiếng người bên làng mình đập cửa gọi chở người thân ở làng bên kia sông đau ốm qua sông đi cấp cứu, hai vợ chồng chị bật dậy, lái đò qua sông chở người. Hay có những trường hợp phụ nữ làng kia chuyển dạ, nửa đêm họ gọi đò. Hai vợ chồng thức dậy lấy đò đưa họ xuống tới trung tâm y tế huyện gần chục cây số rồi cùng người nhà dìu thai phụ vào bệnh viện, xong xuôi mới quay trở ra đò về nhà. Tất nhiên, với những trường hợp như thế, vợ chồng chị không lấy đồng tiền công nào.

“Người thân họ bận bịu quá không kịp cảm ơn, sau lên tận nhà tui đưa tiền nhưng hai vợ chồng không nhận” - chị Thơ kể. Còn bà Mùi cười hiền: “Họ đã đau ốm, bệnh tật, mình đưa đò giúp họ thôi, lấy tiền làm chi. Thấy họ cấp cứu kịp thời, khỏi bệnh là mình vui rồi”. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thơ tâm sự, kiếm đồng tiền từ lái đò không phải dễ dàng. Những lúc lái đò ngược dòng đôi tay mỏi rã rời, tới những chỗ cạn, phải lội xuống để đẩy đò đi. Phơi nắng riết rồi làn da cũng đen đúa luôn. Suốt ngày dùng tay quay máy nổ, chỉnh bánh lái, tối về cánh tay đau nhức ê ẩm. Nhìn những vòng tay quay một cách chắc gọn của chị để cho máy nổ, chúng tôi mới hiểu được nỗi nhọc nhằn của cái nghề này. “Đến khi đang lái đò nửa chừng bỗng dưng đò hỏng máy, hai mẹ con tui cũng sắm vai “thợ máy”, tự sửa chữa luôn. Nghề lái đò trên sông Thu Bồn cực nhọc lắm nhưng được cái cũng có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn là được rồi” - chị Thơ bộc bạch.

VÕ LÊ - TẤN VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai mẹ con lái đò nơi đầu nguồn sông Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO