Hai mươi năm du lịch Mỹ Sơn: Thành quả, tiềm năng và kỳ vọng

THÂN VĨNH LỘC 15/12/2015 08:43

Ngày 15.12.1995, UBND huyện Duy Xuyên ra Quyết định thành lập Ban Bảo vệ và khai thác dịch vụ - du lịch Mỹ Sơn (nay là Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn) nhằm gìn giữ, bảo tồn, khai thác giá trị khu di tích. Hai mươi năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên ban quản lý đã có nhiều đóng góp để Khu đền tháp Mỹ Sơn xây dựng được “thương hiệu” du lịch trong và ngoài nước như hôm nay.

Khu đền tháp Mỹ Sơn - điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC
Khu đền tháp Mỹ Sơn - điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC

Xây dựng thương hiệu

Thành quả nổi bật nhất của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn 20 năm qua chính là đã xây dựng khu đền tháp này từ nơi hoang phế trở thành một trong 2 trung tâm du lịch của tỉnh với lượng khách tăng bình quân mỗi năm hơn 20%. Nếu như năm 1995 tổng lượng khách tham quan khu đền tháp ở khoảng 22 nghìn lượt thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên gần 270 nghìn khách. Nhiều sản phẩm du lịch được đầu tư, mang đến sự tiện lợi và thích thú cho du khách, như: trung chuyển khách vào di tích bằng xe điện; cải thiện hạ tầng dịch vụ, nâng cao chất lượng thuyết minh viên; bố trí, sắp xếp lại hiện vật trong nhà trưng bày... Đặc biệt, sản phẩm văn nghệ dân gian Chăm ngày càng đa dạng với các điệu ca vũ truyền thống, mang đến cho khách những cảm nhận độc đáo về một nền văn hóa đã qua. Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư du lịch vào khu vực bên ngoài di tích như bãi giữ xe, nhà soát vé,  bãi đổ trực thăng du lịch, mở tuyến tham quan ra những vùng phụ cận cũng đang được nghiên cứu triển khai nhằm giảm áp lực cho di sản và tạo sự đa dạng của điểm đến. Nhiều di tích, thắng cảnh vùng ven Mỹ Sơn đã được khảo sát, đầu tư, khai thác, hướng đến xây dựng Mỹ Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Nam, để cùng với Hội An góp phần hình thành nên trung tâm du lịch của miền Trung thời gian qua và trong những năm đến.

“Với vị trí là Di sản Văn hóa thế giới, nếu Mỹ Sơn nâng được tầm mình lên với tư cách “hạt nhân”, sẽ tạo sự lan tỏa tốt hơn, kết nối đến các điểm du lịch phía tây của tỉnh, cụ thể là Đại Bình, Tây Viên, Hòn Kẽm Đá Dừng, thượng nguồn sông Thu Bồn... Để làm được điều này, trước hết cần tăng cường dịch vụ và hợp tác xúc tiến để cùng quảng bá du lịch không chỉ cho riêng Mỹ Sơn mà cả du lịch Quảng Nam. Thứ hai, phải hợp tác chặt chẽ với các hãng thông tấn báo chí và các công ty lữ hành quốc tế trong và ngoài nước, nhất là thông qua các hiệp hội du lịch. Thứ ba, dịch vụ của Mỹ Sơn phải ấn tượng, vì để tạo nên sự lan tỏa, chúng ta phải thực sự có ấn tượng với chính sản phẩm của mình”.
        (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hồ Tấn Cường)

Ông Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhìn nhận, ngoài hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích, hiệu quả của du lịch Mỹ Sơn 20 năm qua mang lại rất to lớn, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng tăng, mang đến cho du khách sự hài lòng. Theo thời gian, nhiều công ty lữ hành đã có những đánh giá cao về cung cách phục vụ ở Mỹ Sơn thông qua chất lượng đội ngũ lao động ngày càng chuyên nghiệp. Điều đó tạo nên những ấn tượng đẹp cho khách khi đến tham quan khu di sản này. Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, thành công của Mỹ Sơn chính là đã biến mục tiêu ban đầu “gìn giữ bảo tồn quần thể di tích” trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hiện nay. “Dù thời gian không nhiều nhưng đã chứng kiến một bước tiến đáng ghi nhận về du lịch ở Mỹ Sơn từ dịch vụ, sản phẩm du lịch đến lượng khách gia tăng, qua đó tạo điều kiện và động lực quan trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư vào công tác bảo tồn các đền tháp nơi đây” - ông Hộ nói.

Liên kết, phát triển vùng

Những kết quả đạt được rất đáng tự hào, tuy vậy cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, để nâng tầm Mỹ Sơn tương xứng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài sản phẩm múa Chăm, các dịch vụ tại Mỹ Sơn hiện nay vẫn còn đơn điệu. Quá trình liên kết, kết nối doanh nghiệp, các tuyến điểm du lịch trong tỉnh cũng như miền Trung chưa được chú trọng đúng mức. Công tác quảng bá, giới thiệu di sản ra bên ngoài, nhất là với đối tượng khách quốc tế vẫn còn hạn chế khi những thông tin về khu di sản chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là thông tin bằng tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác, kể cả trên trang web của ban quản lý. Con số 270 nghìn lượt khách đến Mỹ Sơn năm 2015 so với năm 1995 thì to lớn, nhưng lại quá nhỏ bé khi tổng lượng khách đến Quảng Nam năm 2015 đến 3,85 triệu lượt. Ông Phan Hộ nhìn nhận, dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng yêu cầu đặt ra và hướng đến chắc chắn phải cao hơn. Nhất là trong việc nâng cao hạ tầng và chất lượng dịch vụ ở Mỹ Sơn, như xe điện phục vụ du khách; làm mới sản phẩm múa Chăm và mở rộng vào trong khu vực tháp; xây dựng hệ thống bán hàng với các sản phẩm đặc trưng của Mỹ Sơn…

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù vẫn chưa tương xứng với thương hiệu Di sản văn hóa thế giới, nhưng có thể khẳng định, những bước tiến mạnh mẽ của du lịch Mỹ Sơn 20 năm qua vẫn là một bức tranh sáng về tốc độ tăng trưởng và khả năng đón khách. Kết quả trên sẽ tạo cơ sở vững chắc để xây dựng Mỹ Sơn trở thành hạt nhân tạo sự lan tỏa ra các khu vực xung quanh, nhất là các điểm du lịch tiềm năng phía tây như Nông Sơn, Quế Sơn.

Hai mươi năm, một chặng đường không dài đối với lịch sử khu di sản Mỹ Sơn nhưng cũng không quá ngắn so với quá trình phát triển của du lịch Quảng Nam. Tiềm năng vẫn còn nhiều, nhưng sự kỳ vọng cũng rất lớn. Không chỉ đưa thương hiệu du lịch Mỹ Sơn vươn xa hơn, mà trên hết xây dựng khu di sản đóng vai trò điểm nhấn, tạo động lực cho sự phát triển của các vùng xung quanh, hướng đến cộng đồng, để mọi người dân sống trong vùng di sản cùng hưởng lợi, đó mới chính là sự phát triển toàn diện và bền vững.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai mươi năm du lịch Mỹ Sơn: Thành quả, tiềm năng và kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO