Vậy là một tuần đã trôi qua với hàng loạt sự kiện nhân kỷ niệm 42 năm giải phóng quê hương, 20 năm tái lập tỉnh. Hào khí tháng ba rất hùng. Dư âm đọng lại rất đậm. Trong bao điều ngẫm ngợi, không ít điều cần nghĩ về tương lai 20 năm nữa của Quảng Nam.
Con đường đi qua nhiều chông gai, lắm thử thách. Thành quả lớn. Hạn chế cũng không ít. Ấn tượng sau 20 năm, quy mô nền kinh tế Quảng Nam đã đứng vào tốp 20 của cả nước, GDP tăng liên tục và năm vừa qua tăng 15%; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc tốp 10 cả nước trong các năm 2015, 2016. Tuy vậy, hàng loạt thách thức với ngưỡng phát triển mới cũng đặt ra nhiều vấn đề về định hướng phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ là đúng hướng nhưng đã đạt mục tiêu như kỳ vọng và bền vững hay chưa? Đã vào tốp 16 tỉnh điều tiết ngân sách về trung ương nhưng đủ nguồn lực để tái đầu tư cho phát triển với tốc độ hội nhập nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được không? Việc chuyển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị gia tăng sẽ có những phương án, biện pháp nào? Để du lịch có thể “cất cánh” thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải làm gì? Chủ động (chứ không phải bị động) ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?... Những câu hỏi ấy treo trước cửa của vùng “đất mở”, đòi hỏi không thể tự mãn, chủ quan, duy ý chí “ăn bằng truyền thống sống bằng tiềm năng được”.
Đặt vấn đề Quảng Nam cần tiếp tục làm gì để phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trong Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua là Quảng Nam cần doanh nghiệp lớn, có quy mô, có năng lực cạnh tranh cao, làm trụ cột cho sự phát triển, tạo việc làm, đóng góp ngân sách. Đồng thời Quảng Nam cần những ngành chế biến sâu về nông lâm sản, dược liệu; đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ. Chìa khóa thành công của Quảng Nam, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên, địa lý sẵn có, liên kết với không gian kinh tế các tỉnh miền Trung, liên kết chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước. Để phát triển tổng thể và bền vững, Quảng Nam cần có một quy hoạch tốt, nhất là phải có tầm nhìn xa, “tối ưu hóa các lĩnh vực phát triển để không có mâu thuẫn, phá hoại lẫn nhau trong phát triển”. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hạ tầng, tạo việc làm cho người lao động, nhất là vùng nông thôn, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư.
Rất nhiều người đang kỳ vọng Quảng Nam sẽ trỗi dậy mạnh mẽ với các dự án mang tính động lực cho các vùng, nhất là vùng đông nam của tỉnh sẽ đón “làn sóng” đầu tư mới bởi các tập đoàn lớn. Vừa rồi, Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh cho 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 15,8 tỷ USD. Đây có thể xem là cú hích để tạo đà dựng nên bức tranh 20 năm tới thêm nhiều màu sắc sống động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, rằng 20 năm hay 200 năm nữa, Quảng Nam vẫn là mảnh đất mà “ai đã qua đây rồi thì chân bước không đành”. “Ý tại ngôn ngoại” khó bàn cho rốt ráo, nhưng chắc không thể xa mơ ước ngàn đời của con người trên mọi vùng miền nước Việt là làm sao dựng nên mảnh “đất lành”. Lành, là sự phát triển trong cạnh tranh lành mạnh. Lành, là nơi níu chân du khách, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đến làm ăn. Lành, là giữ cho môi trường trong lành trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Lành, là sống yên lành, yên vui... Tóm lại, lành là một không gian sống, mà ở đó người đi qua, người ở lại đều thấy nặng duyên lành “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó “nhân hòa” là cốt lõi cho sức mạnh nội sinh của vùng đất. Xứ Quảng, hơn 545 năm dựng nghiệp với danh xưng “vùng đất mở rộng về phương Nam” cần giữ tính cách tiên phong và thoáng đạt trong giao lưu, hội tụ và tiếp biến các giá trị văn hóa, tạo “đất lành” cho những phát kiến sáng tạo, đổi mới...
NGUYỄN ĐIỆN NAM