"Lúc bố lên đường vào miền Nam chiến đấu, tôi còn nằm trong bụng mẹ. Lúc bố hy sinh, tôi chưa tròn một tuổi”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Sinh, con gái út của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng (xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) mà chúng tôi gặp trong lần chị đi tìm hài cốt cha tại xã Tam Phước, Phú Ninh.
Các con của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng bên mộ bố trước khi khai quật. Ảnh: Đ.NGỌC |
Những nẻo đường tìm cha
Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng sinh năm 1941 tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình thuần nông. Năm 20 tuổi ông làm kế toán cho một đơn vị sản xuất ở quê nhà. Ông lập gia đình, một con gái và con trai lần lượt ra đời. Giai đoạn này, chiến trường miền Nam ác liệt. Lớp lớp thanh niên miền Bắc đang lên đường vào Nam đánh giặc. Mặc dù đã có việc làm ổn định và người vợ đã mang thai được 2 tháng, ông Thắng vẫn xung phong vào chiến trường miền Nam. Tháng 6.1968, ông Thắng lên đường vào miền Nam và được tổ chức phân công về công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 72, cùng đồng đội làm nên những chiến công hiển hách. Tháng 2.1970, trong một trận pháo của địch, ông đã anh dũng hy sinh.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng không có điều kiện để đi tìm hài cốt. Mãi đến năm 1995, con trai liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng mới lên đường tìm hài cốt cha. Song, do giấy báo tử ghi không rõ địa chỉ nên anh đã phải vào tận các tỉnh phía Nam để tìm. Nhiều lần như vậy nhưng đều thất vọng. Đến đầu tháng 6.2015, gia đình thống nhất cử anh Nguyễn Văn Thinh, con rể của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, vào Quảng Nam, liên hệ làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Qua thông tin trao đổi và truy lục hồ sơ, anh Thinh được biết bố vợ mình thuộc quân số của Tỉnh đội Quảng Nam và đã hy sinh tại mặt trận vào ngày 5.2.1970, nhưng hài cốt hiện ở đâu thì không rõ. Từ thông tin ban đầu, anh Thinh tìm gặp ông Huỳnh Văn Hạnh - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, hiện sống tại số nhà 77, đường Nguyễn Thái Học, TP.Tam Kỳ. Ông Hạnh khẳng định Tiểu đoàn 72 có người tên Nguyễn Mạnh Thắng, làm quân khí viên, cấp bậc Trung sĩ. Nhưng do ông Hạnh là người kế nhiệm, không rõ chiến sự xảy ra ở đâu và liệt sĩ Thắng hy sinh vào thời điểm nào. Và ông Hạnh đã “triệu tập” một “cuộc họp” nhanh, thành phần tham dự gồm những người nguyên là cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 72. Qua đó, xác định hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng hiện nằm ở thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, Phú Ninh. Điều này được khẳng định bởi người trực tiếp chôn cất thi thể liệt sĩ hiện còn sống và phần mộ của liệt sĩ vẫn luôn có người lo hương khói. Từ nguồn tin đáng tin cậy đó, sáng 6.7.2015, gia đình liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng phối hợp với Ban liên lạc Tiểu đoàn 72 tổ chức khai quật mộ. Ngày đó, con gái út của liệt sĩ đang làm việc ở Đức cũng đã về để cùng chị gái và anh rể đưa hài cốt cha về quê nhà.
Nghĩa tình đồng đội
Về câu chuyện năm xưa, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 72 vẫn còn nhớ như in. vào 2 giờ sáng 5.2.1970, nhằm mồng Một Tết Canh Tuất, trên đường hành quân về đơn vị, khi đi ngang qua cánh đồng thuộc thôn Tam Phú, xã Kỳ An, huyện Bắc Tam Kỳ, nay là thôn Cẩm Khê, xã Tam Phước, Phú Ninh, đơn vị bất ngờ bị đạn pháo địch bắn từ hướng huyện Tiên Phước xuống làm cho 6 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nhiều người khác bị thương. Sau khi băng bó, chuyển những người bị thương về tuyến sau điều trị, ông Huỳnh Minh Tiễn - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 72, hiện sống tại thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành, cùng đồng đội lo chôn cất các liệt sĩ. Xong, đơn vị tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cho đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng.
Do điều kiện kinh tế khó khăn và vết thương tái phát khiến sức khỏe không đảm bảo, nên đến năm 2001 ông Đỗ Đăng Ninh - nguyên chiến sĩ liên lạc Đại đội 1, Tiểu đoàn 72, người đã thoát chết trong đêm định mệnh năm ấy, hiện ở tại số nhà 114 Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng mới có dịp về nơi xảy ra chiến sự để tìm hài cốt đồng đội. Ông Trung cho hay, tìm lại đúng nơi đồng đội đã hy sinh, ông mới biết rằng, vào năm 1981 anh Võ Ngọc Đào, người làng Cẩm Khê, xã Tam Phước khai hoang lập vườn và phát hiện 6 ngôi mộ nên làm sạch cỏ, vun đắp và lo hương khói chu đáo. Qua kiểm tra trong vườn nhà anh Đào, ông khẳng định đó là mộ của 6 liệt sĩ hy sinh trong đêm giao thừa năm 1970, mà ông là người bị thương trong trận pháo nên không thể nhầm lẫn. Từ đó đến nay, vào những ngày lễ tết hàng năm, ông Ninh cùng đồng đội đều đến viếng hương mộ các liệt sĩ. Sau nhiều năm liên lạc với người thân, ngày 2.1.2010, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Cúc, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 72, đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nay, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cũng được Ban liên lạc Tiểu đoàn 72 phối hợp khai quật. Qua một ngày khai quật đã tìm thấy bàn chải đánh răng trên cán có khắc dòng chữ “Nguyễn Mạnh Thắng - Xuân 1969” và một kim hỏa súng AK, được xác định là những kỷ vật của liệt sĩ.
Cầm trên tay những kỷ vật, chị Nguyễn Thị Sinh trong bộ quân phục, nước mắt ngắn dài khấn: “Bố ơi, bộ đồ bộ đội mà con đang mặc là của mẹ mua cho bố nhưng bố chưa kịp mặc. Trước khi đi vào đây, chị gái bảo, khi bố đi em chưa ra đời nên em phải mặc bộ quân phục này vào trong đó, bố sẽ nhận ra em nhanh hơn. Có đúng như vậy không hả bố? Hơn 45 năm bố nằm trong lòng đất lạnh, nay bố về quê với chúng con nghe bố!”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC