Hai năm thí điểm mô hình tổ chức mới và chức danh kiêm nhiệm: Đánh giá toàn diện, không mở rộng

NGUYÊN ĐOAN 15/03/2022 06:45

Thực trạng và kinh nghiệm sau 2 năm thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh đã được lãnh đạo cấp ủy các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ tại hội thảo khoa học cùng tên do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vào cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.

Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh - Thực trạng và kinh nghiệm”. Ảnh: N.Đ
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh - Thực trạng và kinh nghiệm”. Ảnh: N.Đ

Ngày 7.8.2018, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 34 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo các Nghị quyết Trung ương 18 (khóa XII). Theo Ban Tổ chức Trung ương, 2 năm qua, việc triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới và kiêm nhiệm chức danh đã đạt kết quả nhất định, đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ...

Chia sẻ từ thực tiễn

Theo ông Nguyễn Quang Dương - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tại Kết luận số 74 ngày 22.5.2020, Bộ Chính trị yêu cầu 5 nội dung; trong đó, chỉ đạo không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm các chức danh; tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm từng mô hình, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của việc thí điểm; đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bên cạnh những kết quả, thuận lợi đạt được, đại diện cấp ủy các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mô hình thí điểm mới và kiêm nhiệm chức danh phát sinh trong thực tiễn.

Ông Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình tổ chức mới, trong đó có việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh. Sau khi hợp nhất, Văn phòng chung đã giảm được 3 phòng, giảm 1 chánh văn phòng và 3 trưởng phòng.

Văn phòng chung đã phát huy được các mối quan hệ công tác của 3 văn phòng trước đây; nhiệm vụ hành chính, quản trị quy về một đầu mối nên thuận tiện hơn trong huy động lực lượng phục vụ các hoạt động lớn của tỉnh, tiết kiệm được kinh phí…

Nêu ra các khó khăn trong việc thực hiện thí điểm mô hình này, theo ông Võ Hồng Hải, Văn phòng chung nhưng chức năng, nhiệm vụ của 3 văn phòng khác nhau, phục vụ 3 chủ thể chỉ đạo khác nhau, 3 cấp trên trực tiếp khác nhau nên có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng, tham mưu thi hành và thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, dẫn đến không khách quan, chất lượng, hiệu quả không cao, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Đến cuối năm 2020, mô hình Văn phòng chung kết thúc sau khi HĐND tỉnh Hà Tỉnh ban hành nghị quyết tách làm 2, thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại Bình Định, căn cứ kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương số 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thí điểm các mô hình kiêm nhiệm chức danh: Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra huyện; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thị xã và Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ, trước đây hoạt động theo quy chế riêng và sau khi thực hiện thí điểm, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc theo nguyên tắc một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc; nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chịu trách nhiệm giải quyết chính. Người đứng đầu căn cứ quy chế làm việc để điều hành hoạt động của cơ quan, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tập thể lãnh đạo.

Theo ông Lê Kim Toàn, mặc dù lộ trình kế hoạch đề ra khá cụ thể, rõ ràng, nhưng tiến độ tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chậm, thí điểm kiêm nhiệm chức danh chưa nhiều; chưa thực hiện thí điểm mô hình tổ chức mới; chưa có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp; chưa có quy định, cơ chế kiểm soát quyền lực, dễ dẫn đến chủ quan, sai sót.

Kiến nghị của Quảng Nam

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương số 18, cùng với quán triệt tạo nhận thức sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời xác định lộ trình cụ thể để mỗi cấp, mỗi địa phương, tổ chức triển khai thực hiện ngay những việc đã rõ và thí điểm thực hiện những việc mới, chưa được quy định mà nghị quyết yêu cầu.

Đến nay, toàn tỉnh giảm 2 đầu mối cấp sở, 62 đầu mối cấp phòng, giảm 149 lãnh đạo cấp phòng; giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 479 thôn, tổ dân phố; tinh giản 4.046 biên chế. Đặc biệt, Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thí điểm 4 mô hình tổ chức mới và 2 mô hình kiêm nhiệm chức danh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định, Quảng Nam xác định đây là những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ nên khi triển khai thực hiện cần phải được nghiên cứu kỹ và có lộ trình, kế hoạch thực hiện chặt chẽ, bài bản, chủ yếu là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không làm thí điểm tất cả các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh.

Từ thực tiễn triển khai thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh, cũng như nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo cấp ủy các địa phương, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, mô hình Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy của Quảng Nam đã đem lại một số hiệu quả nhất định, tuy nhiên qua thời gian thực hiện, tỉnh nhận thấy nhiệm vụ phục vụ, vị trí việc làm, biên chế, kinh phí cho các nhiệm vụ không thay đổi, nhưng quản lý rất phức tạp, hiệu quả công việc thấp. Theo đó, tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu dừng thực hiện mô hình này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai năm thí điểm mô hình tổ chức mới và chức danh kiêm nhiệm: Đánh giá toàn diện, không mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO