Ngày 4.11.2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Trong 2 năm qua, Quảng Nam đã có những động thái tích cực triển khai thực hiện nghị quyết này và bước đầu có những kết quả khả quan.
Tích cực triển khai
Theo Nghị quyết 29, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện. Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Hai vấn đề cốt lõi trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, đó là chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực của người học; xây dựng nền giáo dục mở, tạo cơ hội học tập cho mọi đối tượng. Có thể nói, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới thổi vào nền GD-ĐT đang còn rất nhiều tồn tại, bất cập, trì trệ, kìm hãm sự phát triển.
Để triển khai nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chương trình hành động số 28 (ngày 25.4.2014) đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện. Bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát sườn với điều kiện thực tế và đặc điểm tình hình của địa phương, một điểm mới đáng chú ý trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy so với Nghị quyết 29, đó là đưa ra thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục miền núi. Đây là điều rất cần thiết thể hiện sự linh hoạt, không cứng nhắc khi triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương bởi Quảng Nam có đến 50% số huyện là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sự nghiệp giáo dục.
Lần đầu tiên kỳ thi Olympic 24.3 Quảng Nam đã tạo sân chơi cho học sinh giỏi THPT có cơ hội để thể hiện tài năng ở các lĩnh vực. Ảnh: X.P |
UBND tỉnh cũng đã sớm ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới GD-ĐT tỉnh gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức được 2 phiên họp, đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, do thay đổi nhân sự lãnh đạo UBND tỉnh nên đến nay, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động 28 của Tỉnh ủy vẫn chưa được ban hành. Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng hôm 24.3, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng đến nay chưa ban hành kế hoạch thực hiện là “quá muộn”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề nghị ngành GD-ĐT xây dựng các nhóm giải pháp, mục tiêu thực hiện Nghị quyết 29 cần tập trung vào những vấn đề cụ thể hơn phù hợp với điều kiện của tỉnh, tránh tình trạng chung chung, dàn trải. Trong đó, quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ nhà giáo, giáo dục miền núi, vùng khó khăn, sớm hoàn chỉnh để trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 4.2016.
Ngành GD-ĐT vào cuộc
Dù UBND tỉnh chưa ban hành kế hoạch nhưng với trách nhiệm của mình, ngay sau khi có Chương trình hành động 28 của Tỉnh ủy, ngành GD-ĐT đã sớm triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 29 và Chương trình hành động 28 của Tỉnh ủy đề ra. Cụ thể, thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị hè hàng năm, ngành phổ biến, quán triệt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện, làm cho đội ngũ nhà giáo hiểu rõ nội dung và trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, ngành tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, hội thi dành cho học sinh lẫn giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Có 100% trường tiểu học thực hiện hiệu quả việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, bên cạnh tiếp tục thực hiện tuyển sinh lớp 10 đại trà theo phương thức xét tuyển kết hợp phân tuyến, lần đầu tiên, tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2015 - 2016 cho phép thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các học sinh, vừa nâng cao chất lượng đầu vào cho 2 trường THPT chuyên.
Đối với nhóm nhiệm vụ “phát sinh” so với Nghị quyết 29 là phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, ngoài chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho học sinh miền núi ăn học. Hiện nay, tỉnh cũng đã có chủ trương xây dựng đề án Phát triển giáo dục miền núi giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng trường phổ thông DTNT tỉnh. Đồng thời đang chỉ đạo cho các ngành chức năng tập trung rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp để có hướng đầu tư hợp lý trong thời gian tới. Trước mắt, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Trường THPT Võ Chí Công đặt tại xã A Xan của huyện Tây Giang, giúp giải tỏa sức ép cho Trường THPT Tây Giang và tạo thuận lợi cho học sinh vùng cao Tây Giang đi học.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, việc ngành quan tâm tổ chức nhiều hội thi cấp tỉnh, trong đó có những hội thi lần đầu tiên được mở như hội thi hùng biện câu chuyện đạo đức và pháp luật, hội thi khoa học kỹ thuật, hội thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”, kỳ thi Olympic 24.3 Quảng Nam… đã tạo nên những sân chơi trí tuệ lành mạnh, bổ ích cho lứa tuổi học trò, tạo không khí sôi nổi trong nhà trường. Tương tự, hội thi giáo viên dạy giỏi ở cả 3 cấp học được tổ chức, giúp cho đội ngũ các thầy cô giáo có dịp thể hiện năng lực, trao đổi kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn. Đây là những việc làm cụ thể, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà Nghị quyết 29 đề ra.
XUÂN PHÚ