Có nét tương đồng kỳ lạ giữa hai người mẹ liệt sĩ Quảng Nam: cùng thọ đến 103 tuổi; các mẹ và chồng con đều là những người nổi tiếng ở quê hương.
Mẹ ra Bắc để con yên tâm vào Nam
Kể từ ngày mẹ mất (tháng 8.2020), Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá, cựu chiến binh Huỳnh Thúc Bá sức khỏe suy giảm hẳn. Hồi mẹ còn sống (cụ bà Hồ Thị Huyến - NV), tuần nào ông Bá cũng đi xe máy từ Đà Nẵng về với mẹ ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) nấu cho mẹ ăn món bà ưa thích.
Hình ảnh hai mẹ con cùng nhắc chuyện ngày xưa, ai nhìn vào cũng không khỏi xúc động, nhất là khi nghe ông nói: “Mẹ còn khỏe thì vất vả mấy tôi cũng sá chi”.
Chồng mất khi đứa con út mới sinh ra, một tay bà Huyến vừa nuôi 4 người con vừa tham gia cách mạng. Rồi cậu út cũng bị giặc Mỹ bắn chết. Lòng căm thù giặc khiến Huỳnh Thúc Bá mới 12 tuổi đã tham gia du kích, đến tuổi thì vào quân chủ lực.
Nối gót anh trai, Huỳnh Sáu cũng hoạt động tại địa phương, sau này là chính trị viên xã đội. Những ngày về công tác ở Vinh Cường, nhà văn Chu Cẩm Phong đã rất cảm phục chàng trai đặc biệt này.
Ông viết trong nhật ký của mình ngày 25.4.1971: “Huỳnh Văn Long là em Huỳnh Thúc Bá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Long 21 tuổi, một dũng sĩ diệt mấy trăm tên giặc…”.
Năm 1968, Huỳnh Thúc Bá sau khi được tuyên dương là một trong 9 ngọn cờ đầu của Quân khu 5 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ra Bắc học tập.
Tại Hà Nội, ông vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Ông đồng thời là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng vuốt râu Bác Hồ khi cùng đoàn dũng sĩ thiếu niên miền Nam ra thăm Bác.
Tấm gương Huỳnh Thúc Bá bay về Vinh Cường làm nức lòng cậu em trai. Bức thư Huỳnh Sáu viết theo đường dây gửi ra cho anh trai đầy xúc động, hứa sẽ học tập theo anh, chiến đấu kiên cường giải phóng quê hương. Bức thư ấy sau này ông Bá vẫn giữ như lưu lại tất cả tình cảm thân thương của em mình.
Năm 1971, Huỳnh Sáu đã ngã xuống khi địch nã pháo vào giữa cuộc họp, lúc này anh đã nhận quyết định làm Huyện đội phó Duy Xuyên khi mới 23 tuổi. Mẹ Huyến sau khi chôn cất con trai đã nén đau thương, vượt Trường Sơn hàng tháng trời ra Bắc chăm cháu nội bị bệnh tật và đỡ đần con dâu để Huỳnh Thúc Bá lúc này đã về lại quê hương chiến đấu.
Câu chuyện người mẹ miền Nam vượt đạn lửa và trùng điệp núi non ra Bắc chăm cháu để con trai toàn tâm vào Nam đánh giặc cả xã Duy Tân đều biết.
Ba lần khóc thầm lặng lẽ
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lài (mẹ Tấn) ở Điện Trung, Điện Bàn đã mất tháng 9.2020 nhưng với anh Nguyễn Đình Bình, con trai út, thì bao kỷ niệm về thân mẫu vẫn như sóng xô bờ. Anh nói: “Ba cái tang chồng chất vậy mà mẹ tôi vẫn trụ vững giữa đau thương, chưa lúc nào thấy mẹ yếu mềm”.
Chồng bà - đồng chí Nguyễn Đình Trân là Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, rồi Tiên Phước từ năm 1947 đến năm 1954, sau giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Không tập kết ra Bắc, ông được phân công nằm vùng ở Huế nhằm chuẩn bị cho Tổng tuyển cử theo Hiệp định Giơnevơ. Năm 1958, ông bị bắt tại Huế và đưa vào trại giam Tòa khâm sứ. Biết ông là cán bộ “gộc”, Ngô Đình Cẩn dùng mọi thủ đoạn lung lạc, lôi kéo, mua chuộc bằng chức vụ, cuộc sống sung sướng để ông chuyển hướng và hợp tác.
Biết không thể nào khuất phục, Ngô Đình Cẩn đưa ông vào ngục Chín Hầm khét tiếng được ví như ngôi “mồ” chôn sống tù nhân. Ông hy sinh, trở thành tấm gương lưu truyền thời ấy có sự chứng kiến của nhiều đồng chí.
Thế nhưng sau giải phóng, ông Nguyễn Đình Trân không được công nhận là liệt sĩ bởi bọn địch trước đó tung tin ông được thả ở Sài Gòn. Vậy là gần 10 năm, mẹ và cậu con út lặn lội đi tìm dấu vết của người thân. May mắn mọi việc được sáng tỏ.
Năm 1984, ông Nguyễn Đình Trân được công nhận liệt sĩ. Hài cốt ông, đồng đội đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Hiện nay có một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) mang tên ông. Sau khi chồng hy sinh, năm 1969, người con trai Nguyễn Đình Lâm, chiến sĩ đường dây K600 của tỉnh cũng ngã xuống trong một chuyến đi tải lương thực lúc mới 18 tuổi.
Người con trai cả Nguyễn Đình Tân được đưa ra Bắc từ năm 1954, học rất giỏi, đã tu nghiệp kỹ sư tên lửa ở Liên Xô. Về nước, chuẩn bị cưới vợ nhưng nghe tin miền Nam nước sôi lửa bỏng, anh viết đơn bằng máu xin được đi chiến trường. Trong đội hình đường dây 559 anh vào Quảng Bình, rồi bị trúng bom Mỹ, hy sinh năm 1970 để lại bao thương tiếc cho đồng đội.
Giấu nước mắt vào trong, bà Tấn lao vào hoạt động cách mạng. Năm 1964, khi đang phục vụ bộ đội địa phương đánh cơ quan ngụy quyền xã, bà bị địch bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện, bỏ lại hai đứa con thơ tuổi lên mười tự chống chọi với cuộc sống.
Ra tù, bà hoạt động bất hợp pháp. Các con gửi ra thành phố ở với người trong họ bởi nhà chồng cũng đã hy sinh hết. Được giao làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã, bà trở thành chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, du kích. Khi Gò Nổi bị địch phong tỏa, “Trại Bà Tấn” là nơi cung cấp lương thực cho cách mạng. Cán bộ, bộ đội ai đi qua vùng Bàn Lãnh - Lãnh Đông đều ghé nơi này.
Sau giải phóng, bà tiếp tục làm công tác xã hội một thời gian rồi nghỉ nhưng tiếng nói của bà vẫn có sức nặng với lớp cán bộ trẻ. Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, sống ung dung tự tại nhờ vậy mà bà trường thọ hiếm có.
Hai người mẹ Quảng Nam đã đi xa nhưng hình ảnh họ để lại là nghị lực sống kiên cường, tấm gương sáng ngời cho thế hệ hôm nay.