Hai người Mỹ, một tình yêu Việt Nam

Ghi chép của SONG ANH 22/09/2014 08:55

Chuyện về hai người đàn ông Mỹ có chung một tình yêu lạ kỳ đối với Việt Nam: Brian James kiên trì rà tìm rác thải phế liệu ở những bãi biển. Còn Robert Poduna Vac hướng tâm mình vào những hoạt động thiện nguyện cùng người bạn đời tại đất Tam Lãnh (Phú Ninh).

Rời quê hương, đến Việt Nam và chọn ở lại nơi này là quyết định của Brian James và Robert Poduna Vac, hai người Mỹ có cùng một tình yêu với Việt Nam. Họ thầm lặng sống cuộc đời của những người con xa xứ, người có gia đình cũng lặng lẽ và kẻ không gia đình thì chọn cho mình những góc bình yên nhất, để trải lòng.

Brian James vui vẻ trò chuyện trên bãi biển Cửa Đại; và rà tìm rác thải kim loại trên bãi biển Cửa Đại (ảnh nhỏ). Ảnh: SONG ANH
Brian James vui vẻ trò chuyện trên bãi biển Cửa Đại; và rà tìm rác thải kim loại trên bãi biển Cửa Đại (ảnh nhỏ). Ảnh: SONG ANH

Chiều trên đồi Buông

Robert Poduna Vac, người đàn ông trầm lặng ở đồi Buông, xã Tam Lãnh, chiều nào cũng mang nắm hương ra cắm trên ngôi mộ xây trước cho mình, ngay cạnh nhà. Ông bảo: “Thích mùi khói nhang này. Và yêu cả nơi này. Yêu Nhơn! Yêu Việt Nam!”. Chỉ nói được bấy nhiêu từ tiếng Việt, còn lại, ông và vợ trao đổi chuyện hằng ngày bằng tiếng Anh. Người đàn bà tên Lữ Hà Thy Nhơn, như bao người phụ nữ Việt Nam từng trải qua những đắng đót của đời người, luôn cảnh giác với những ai muốn tìm hiểu câu chuyện về họ. Tính tình thẳng thắn, có đôi chút “giang hồ”, nhưng ngược lại, khi đã tiếp xúc và có cảm tình, mới hiểu vì sao người đàn bà này lại có thể đưa được một người Mỹ về ở hẳn quê mình. “Có lẽ đó là cái duyên. Cô gặp ông khi đã dang dở một đời chồng, con cái thì còn nhỏ. Ông về giúp mình chuộc lại đất đai ông bà ở quê” - bà Nhơn nói. Người dân ở Tam Lãnh đã quá quen với đôi vợ chồng này, cùng những hoạt động thầm lặng của họ. Đó là những đêm khuya, những sớm hôm, khi trong vùng có người qua đời, ông bà đều tìm tới, niệm kinh và cả thay áo xống cho người đã khuất. Robert yêu bà Nhơn vì tấm lòng hướng thiện của bà. Còn bà Nhơn, có lẽ vì duyên, nên đã gắn đời mình với người đàn ông ngoại quốc này.

Chuyện tình của ông bà, như cổ tích mà cuộc đời sắp đặt. Khi cả Robert lẫn bà Nhơn, không một ai muốn đời mình sẽ có thêm mắc mứu nào, thì lại gặp nhau. Từ những ngày bà còn vật lộn với cuộc mưu sinh ở Sài Gòn, Robert khi ấy gặp, quen, rồi biết đã phải lòng người phụ nữ Việt đầy nghị lực này. “Chúng ta về quê em đi. Tôi muốn biết quê em như thế nào”. Robert ngỏ lời như vậy khi ngày ngày chứng kiến cảnh bà Nhơn quần quật kiếm sống. “Cô dắt Robert về Tam Lãnh. Đứng dưới chân đồi Buông, chỉ cho ông biết đây là nhà cô, bây giờ đã thuộc về người khác. Ông xúc động lắm. Dắt ông đi thăm đủ mọi nơi ở quê, rồi cả hai vào lại Sài Gòn” - bà Nhơn kể. Câu chuyện giữa ông bà tưởng chỉ dừng lại ở những cuộc gặp tại Sài Gòn, nhưng không ngờ, người đàn ông Mỹ này trở lại xứ Quảng và quyết định ở hẳn nơi này. Bây giờ, người dân Tam Lãnh đã quá quen với đôi vợ chồng Tây - Việt, chồng gần 80 tuổi, còn vợ chưa đến 50.  

Bà Nhơn nói có lẽ giữa Robert và bà có một duyên mệnh từ kiếp trước, nên giờ ông mới chịu làm kẻ độc hành giữa cuộc đời tại Việt Nam. Độc hành, bởi lẽ ông thường ngồi lặng hàng giờ trước ngôi mộ xây trước theo yêu cầu của mình, chỉ vì nguyện ước muốn được chết tại Việt Nam, được chôn như những người dân Việt Nam. Và trên mảnh đất của gia đình ông bây giờ, hàng cau, hàng keo bao quanh đồi đều do một tay ông chăm trồng, vun xới. Ông thích làm việc và mướt mồ hôi cùng đất đai, cây cỏ tại đây. Ông yêu sự trầm lặng của vùng đất này. Có lẽ vì những suy tưởng rất thiền ấy, ông đã chọn đạo Phật cho những ngày về già sống tại Việt Nam. Ông mặc áo lam, đeo tràng hạt và niệm kinh theo bà Nhơn. Những thuyết giáo nhà Phật, khi thì bà Nhơn lý giải cho ông, khi thì ông tìm đọc từ trang tiếng Anh trên mạng. Ông và bà, như hai cá thể đơn độc ở đời thường, nhưng lại gặp nhau ở tấm lòng dành cho nhà Phật, tấm lòng dành cho những mảnh đời bất hạnh tại miền trung du Tam Lãnh.

Vợ chồng Robert Poduna Vac hạnh phúc và cuộc sống bình lặng ở căn nhà trên đồi Buông (Tam Lãnh, Phú Ninh).
Vợ chồng Robert Poduna Vac hạnh phúc và cuộc sống bình lặng ở căn nhà trên đồi Buông (Tam Lãnh, Phú Ninh).

Chiều ở đồi Buông, mùi hương trầm lan tỏa không gian. Robert ngồi bình thản trước hiên nhà, gần như một sự viên mãn ở cuộc đời đầy biến động.

“Vì tôi yêu Việt Nam!”

Robert Poduna Vac gắn đời mình với Việt Nam, vì ngoài tình yêu với mảnh đất yên bình này, còn có tình yêu với một người phụ nữ. Nhưng với Brian James, nhiều người gặp cứ thắc mắc tại sao anh lại chọn ở Việt Nam, khi tuổi đời chỉ vừa qua tuổi 35 và chưa có gia đình. Rất đơn giản, Brian nói, vì anh yêu đất nước này, yêu bờ biển này, yêu những nụ cười Việt Nam này. Brian James hiện là giáo viên một trung tâm Anh ngữ tại quận 7, TP.Hồ Chí Minh. Hơn 4 năm ở Việt Nam, Brian đi qua rất nhiều bãi biển và chỉ làm công việc duy nhất, cũng chính là công việc mẹ anh đang làm ở một số bãi biển của Mỹ: rà tìm những mảnh kim loại, nắp vỏ chai nằm ẩn dưới cát. Chiếc máy rà tìm kim loại với kết cấu đơn giản, gọn nhẹ anh đang sử dụng cũng do mẹ anh gửi từ Mỹ qua. Những ngày rảnh rỗi, anh lại lang thang tại các bãi biển đẹp của Việt Nam cùng chiếc máy rà tìm kim loại để không ai phải bị thương khi đi tắm biển.

Chúng tôi gặp Brian vào những ngày anh đến Hội An trong kỳ nghỉ của mình. Trong khi mọi người tắm biển, vui chơi, vị khách Tây này lại âm thầm đi dọc bãi biển dò rà, đào bới tìm kiếm thu gom những nắp chai, mảnh kim loại một cách cẩn thận. Chỉ mới 36 tuổi, nhưng những bận rong ruổi khắp nơi khiến Brian chừng như già hơn tuổi của mình rất nhiều. Gần gũi, không ngại rào cản ngôn ngữ, đi đến đâu, anh cũng bắt chuyện với người bản địa bằng vốn tiếng Việt bập bẹ học được. Năm ngày nghỉ dừng chân tại Hội An, Brian đi dọc bờ biển Cửa Đại, An Bàng, Hà My và đón tàu ra cả Cù Lao Chàm. Đi đâu, anh cũng mang theo “chiếc máy rà” của mình. Khá vui mỗi khi ở bãi biển nào có Brian đến, chứng kiến việc làm của anh, nhiều du khách trẻ cùng theo bước chân nhặt rác trên biển.

Kể chuyện cuộc đời mình trước khi quyết dừng chân ở Việt Nam, Brian James cũng dùng chữ duyên đã học được từ một vị sư tại TP.Hồ Chí Minh. Những cuộc tình dang dở của anh chàng này tại Mỹ, câu chuyện về những em bé Việt Nam lang thang kiếm sống từ khi còn rất sớm, những thôi thúc về một vùng đất đã từng ám ảnh cha mình, Brian James quyết làm cuộc hành trình về với phương Đông. Và Việt Nam, như cái tên đất nước đọc lên đã nghe yên bình, Brian nói, anh quyết ở lại đây, và chờ “duyên”. Những ngày ở Sài Gòn, Brian vừa dạy ở trung tâm Anh ngữ, vừa “đứng lớp” giúp một nhóm trẻ em lang thang vài vốn từ vựng mưu sinh. Khi rà tìm phế liệu kim loại ở những bãi biển gần TP.Hồ Chí Minh, nếu có điều kiện, Brian luôn tìm cách đưa các em theo. Brian chia sẻ, bãi biển Việt Nam rất đẹp, nếu có rác thải gây thương tích cho du khách sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam. Nên cũng như mục đích của mẹ mình làm tại các bãi biển ở Mỹ, Brian muốn giữ một bãi biển Việt Nam đẹp nhất, ít ra là trong mắt anh. Ở Việt Nam và chờ đợi một duyên mệnh, để có thể sống hẳn nơi này, là nguyện ước của Brian James.

Những việc làm thầm lặng, cũng như tính cách thích sự yên tĩnh của Robert Poduna Vac hay muốn ngắm một bãi biển thật sạch đẹp của Brian James, đều xuất phát từ tình yêu muốn gắn bó với Việt Nam - vùng đất bình yên.

Ghi chép của SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai người Mỹ, một tình yêu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO