Hai nước đầu tiên nhận vắc xin Covid-19 theo cơ chế COVAX

QUỐC HƯNG 02/02/2021 15:52

(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết Palestin và Tunisia là 2 nước đầu tiên được cung cấp vắc xin phòng ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX.

Người dân Palestin và Tunisia chuẩn bị tiếp cận với vắc xin ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX
Người dân Palestin và Tunisia chuẩn bị tiếp cận với vắc xin ngừa Covid-19 theo cơ chế COVAX. Ảnh: Internet

COVAX là cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin phòng Covid-19 do WHO khởi xướng để có nguồn kinh phí mua và phân phối vắc xin nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận bình đẳng vắc xin Covid-19.

COVAX được đồng lãnh đạo bởi Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), WHO và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI). Mục tiêu của COVAX là đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc xin ngừa vi rút corona mới trên khắp thế giới. Những đối tượng được ưu tiên ban đầu là nhân viên y tế và người dân dễ bị tổn thương nhất ở mọi quốc gia tham gia, bất kể mức thu nhập.

Ông Rick Brennan - Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO cho biết, bắt đầu từ giữa tháng 2 Palestine dự kiến ​​nhận được 37 nghìn liều vắc xin Covid-19 thông qua COVAX do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất, trong khi Tunisia sẽ nhận được 93,6 nghìn liều và mỗi người cần được tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Palestin - quốc gia vùng Trung Đông với dân số hơn 5 triệu người, đến nay ghi nhận khoảng 160 nghìn ca nhiễm, trong đó 2.000 ca tử vong do Covid-19. Còn quốc gia Bắc Phi Tunisia có dân số gần 12 triệu người, báo cáo hiện có hơn 200 nghìn ca nhiễm với gần 8.000 ca tử vong vì corona.

Còn theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 2.2, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 103,9 triệu ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2,24 triệu ca tử vong.

Trước đó vào ngày 22.1, WHO thông báo ký thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Pfizer, BioNTech. Đây cũng là loại vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để chống đại dịch này.

Nhân viên y tế Palestine lấy mẫu xét nghiệm corona cho một người dân ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế Palestine lấy mẫu xét nghiệm corona cho người dân ở phía nam dải Gaza. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ông Rick Brennan cũng thừa nhận có một “khoảng cách rất đáng kể” giữa việc triển khai vắc xin theo kế hoạch ở các nước giàu có và những nước có thu nhập thấp hơn hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Ông Rick Brennan nhấn mạnh vắc xin Covid-19 đang thiếu hụt, lượng vắc xin sẵn có và vấn đề tài chính chưa đảm bảo. Việc chậm cung cấp vắc xin cho các nước nghèo hơn đã làm tăng nguy cơ lây lan các biến thể vi rút SARS-CoV-2 và khó điều trị hơn.

Sau khi phê duyệt vắc xin Pfizer, BioNTech để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, WHO đang làm việc để đánh giá các loại vắc xin khác rẻ hơn có thể được cung cấp thông qua COVAX. WHO hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng ở tất cả quốc gia trên toàn cầu vào đầu tháng 4 và tiêm chủng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao vào giữa năm nay.

WHO cho biết: “Với một đại dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, không ai được an toàn, trừ khi tất cả mọi người đều an toàn”. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus từng lên tiếng chỉ trích các nhà sản xuất vắc xin tạo điều kiện cho các nước giàu mua hết nguồn cung vắc xin Covid-19 sẵn có.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai nước đầu tiên nhận vắc xin Covid-19 theo cơ chế COVAX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO