Hai phiên tòa vẫn “giải” chưa xong hơn 25m2 đất tranh chấp

QUỐC TUẤN 20/12/2019 10:14

Từ vụ việc hòa giải, thỏa thuận ranh giới đất không thành giữa các bên mà vụ tranh chấp chỉ hơn 25m2 đất tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc dù đã trải qua một lần thi hành án cưỡng chế, nhưng đến nay vẫn dùng dằng chưa ngã ngũ.

Khu vực xảy ra tranh chấp. Ảnh: Q.T
Khu vực xảy ra tranh chấp. Ảnh: Q.T

Rắc rối từ việc lấy mốc xác định

Theo kiến nghị của gia đình bà Lê Thị Yên (trú thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng) gửi đến Báo Quảng Nam, gia đình bà không chấp nhận quyết định từ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Lộc buộc phải tịnh tiến hai thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng về phía đông để trả lại 25,2m2 cho hộ ông Nguyễn Quế Trung và bà Hứa Thị Khiết (trú quận Sơn Trà) vì cho rằng diện tích đất này vốn thuộc về gia đình mình. Cụ thể, gia đình bà Yên đã được cấp quyền sử dụng đất hai thửa đất số 1363 và 1362 thuộc quy hoạch khu dân cư thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng với diện tích mỗi thửa là 171m2 từ năm 2004 trong khi hộ ông Trung và bà Khiết mua lại thửa đất 1364 cạnh đó vào năm 2006 cũng với diện tích 171m2.

Rắc rối phát sinh sau khi cách đây vài năm, con đường đất ngang qua khu vực này được nâng cấp thành đường bê tông rộng hơn so với lúc ban đầu khiến gia đình ông Trung cho rằng, thửa đất 1364 của mình bị thiếu diện tích. Sau khi bộ phận địa chính của xã xác minh và đo đạc thì UBND xã Điện Hồng cho rằng, trong diện tích đất bị thiếu của thửa đất 1364 có 25,2m2 nằm ở phía đông thửa đất 1364 chứ không phải nằm trên đường bê tông nên có tổ chức mời các bên hòa giải đề nghị bà Yên tịnh tiến hai lô đất của mình về phía đông trả lại 25,2m2 trên cho hộ ông Trung nhưng vẫn đảm bảo đủ diện tích các thửa 1363 và 1362. Tuy nhiên, bà Yên không chấp nhận phương án này vì cho rằng việc phân giới, cắm mốc trước đây, mốc xác định được lấy từ hướng tây tức lấy mốc từ con đường đất (khi chưa đổ bê tông) chứ không phải từ hướng đông lấy mốc theo mương thoát nước như UBND xã Đại Hồng đưa ra.

Thông tin cho phóng viên về vụ việc, ông Từ Thanh Thẩm – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết: “Khi xảy ra vụ việc tranh chấp trên, chúng tôi đã gặp mặt hai bên để tìm cách tháo gỡ vướng mắc bằng phương án trên và lúc đầu thì hai bên cơ bản thống nhất, nhưng sau đó mấy ngày thì hộ bà Yên lại không đồng ý dẫn đến việc UBND xã phải tổ chức một buổi hòa giải nữa đầy đủ các bên nhưng vẫn không thành công”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao UBND xã Đại Hồng khi xác minh vụ việc lại lấy mốc từ hướng đông (tức từ mương thoát nước) để đo đạc chứ không phải từ con đường đất thì ông Thẩm nói: “Việc lấy mốc xác định từ mương thoát nước căn cứ theo cách làm của cán bộ địa chính ở địa phương các thời kỳ trước và đúng với lập luận khoa học, vì còn phải chừa phần đất dư có thể sử dụng để nâng cấp hạ tầng đường sá dễ dàng hơn khi có điều kiện”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì cán bộ địa chính đo đạc của xã Đại Hồng ở thời điểm lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất trên hiện đã mất trong khi một số giấy tờ, hồ sơ liên quan đến các thửa đất trên lưu trữ tại UBND xã Đại Hồng đã bị thất lạc do thiên tai.

Dùng dằng…

Do không hòa giải thành công nên vụ việc được TAND huyện Đại Lộc, sau đó là TAND tỉnh Quảng Nam thụ lý, giải quyết và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đại Lộc đã có quyết định cưỡng chế lần 1 vào tháng 10.2019 buộc bà Yên tịnh tiến các các thửa đất số 1363 và 1362 về hướng đông cách điểm giữa đường cống thoát nước 1,5m như sơ đồ quy hoạch của UBND xã Đại Hồng để trả lại 25,2m2 cho thửa đất 1364 của ông Trung và bà Khiết. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa ngả ngũ vì gia đình bà Yên kiên quyết phản đối. Bà Nguyễn Thị Yến (con gái bà Yên) nói: “Phán quyết của tòa dù không làm mất diện tích đất của gia đình nhưng buộc tội gia đình tôi chiếm dụng đất và phải trả lại cho người khác, đồng thời yêu cầu tịnh tiến là vô lý vì phần đất đó vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình tôi”.

Sự bất nhất trong phương án lấy mương thoát nước hay đường bê tông làm mốc để đo đạc tồn tại trong nhiều năm qua tại khu vực này đã khiến việc xác định ranh giới đất sử dụng cho các thửa 1364,1363 và 1362 có sự nhập nhằng. Bên cạnh đó, việc các bên không tính toán được phương án hợp tình, hợp lý để phân định ranh giới, diện tích sử dụng ngay từ đầu tại các buổi hòa giải đã khiến sự việc trở nên phức tạp hơn. Trước mắt, gia đình bà Yên vẫn tiếp tục đệ đơn kháng cáo lên cấp trên, tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ và ngày đối mặt với việc thi hành án cưỡng chế lần 2 đã cận kề.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai phiên tòa vẫn “giải” chưa xong hơn 25m2 đất tranh chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO