(VHQN) - Trong tiềm thức cư dân xứ đảo, chùa Hải Tạng (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) là chốn để ngưỡng vọng, vãn bước khi muốn tìm về bình yên.
Chuyện kể rằng một vị đại sư trên đường chở gỗ và nguyên vật liệu để xây dựng một ngôi chùa tại phương Nam khi đến vùng biển Cù Lao Chàm thì gặp bão phải dừng chân trú tại đây.
Thế nhưng, cứ mỗi khi trời yên biển lặng, ông sắp cho tàu dong buồm rời đảo thì dông tố lại nổi lên. Cho rằng đây là ý trời, nhà sư quyết định không đi nữa, lập chùa tại đây và đặt tên là Hải Tạng. Chùa trước đó tọa lạc ở vị trí khác, đến năm 1848 thì được xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay.
Cái tên Hải Tạng nghĩa là nơi hội tụ kinh tạng Phật giáo rộng lớn mênh mông như biển cả. Và cứ thế, giản dị và khiêm nhường, ngôi chùa nhỏ dưới chân núi Hòn Lao trở thành địa điểm thực hành tín ngưỡng Phật giáo gần như là duy nhất cho cư dân Cù Lao Chàm trong hàng thế kỷ, cho đến khi có thêm sự ra đời của tịnh xá Ngọc Hương và Ngọc Truyền.
Ngay trước mặt chùa là thung lũng cánh đồng Chùa. Chẳng biết có phải vì cánh đồng án ngữ trước cổng chùa nên có tên như vậy hay không, nhưng độ mươi năm về trước, khi người dân Cù Lao Chàm còn trồng lúa nước, đến ngày mùa, trước chùa cả không gian rực vàng và ngát thơm mùi lúa chín. Còn với cư dân xứ đảo, dù có phải phật tử hay không, chùa Hải Tạng vẫn là nơi chốn yêu thương.
Những ngày tết đến xuân về, đã là cư dân của đảo ai cũng dành một chút thời gian vãn bước nơi sân chùa cầu nguyện cho một năm sung túc bình an, ai cũng háo hức đợi đến sáng mùng Một được đến chùa hái lộc.
Dưới bóng cổ thụ mát rượi trong sân chùa, bao thế hệ học sinh từ ngôi trường kế bên nằm học bài thi những trưa đầu hè oi ả, rồi rủ nhau chơi trốn tìm quanh bờ tường đá rêu phong. Mọi người ở đảo còn kháo nhau rằng, nhiều cặp đôi đã nên duyên nhờ cùng sinh hoạt văn nghệ những mùa Vu lan tại chùa.
Rồi những ngày bão tố, Hải Tạng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những cư dân lân cận. Cứ thế qua bao mùa bão dông, những xao động của đất trời dường như vẫn để lại bên ngoài khuôn viên chùa.
Ông Từ, hơn 70 tuổi (trú thôn Bãi Làng) chia sẻ, trước đây trong nhiều năm liền chùa không có sư thầy nhưng người dân đảo vẫn thay nhau thờ phụng, chăm sóc từng cành cây bãi cỏ, để giữ gìn hồn cốt của ngôi chùa.
Có lẽ trong tâm khảm mỗi cư dân xứ này luôn ngưỡng vọng trong tiềm thức rằng Hải Tạng là một chốn để tìm về, để đắm mình trong tiếng chuông chùa vang vọng, xua đi những bộn bề, lo toan cuộc sống nơi trùng khơi…