Tôi mượn tựa đề cuốn sách của nhà văn Phùng Quán, “Ba phút sự thật”, để diễn tả nhu cầu của người cầm bút muốn thổ lộ sau độ lùi thời gian, như với tiểu thuyết gia Kim Dung là chẵn 2 thập niên. Và sự thật đôi khi cũng đến từ các cuộc tranh luận…
Năm 1975, khi viết phần Hậu ký cho bộ “Thư kiếm ân cừu lục”, tức 20 năm sau khi bộ tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tiên của mình ra đời (năm 1955), Kim Dung tỏ ra... áy náy trong chuyện xây dựng hình tượng vua Càn Long. Truyện hư cấu Càn Long là người Hán, anh ruột của Trần Gia Lạc - tổng đà chủ Hồng Hoa hội. Trần Gia Lạc cũng là nhân vật hư cấu, được nhà văn cho đỗ giải nguyên.
Sau này, đọc lại những bài thơ của “giải nguyên” (do chính Kim Dung viết trong bộ truyện), ông nhận thấy thơ của giải nguyên không thể kém cỏi đến thế (!) nên sửa sai bằng cách… cắt bỏ “chức” giải nguyên của Trần Gia Lạc.
Thực ra tiểu thuyết gia Kim Dung có “duyên nợ” gì với vua Càn Long?
Ông kể, hồi nhỏ ở quê (huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang) đã nghe truyền thuyết về vua Càn Long. Lớn lên, có dịp cắm trại bên con đê mà Càn Long từng cho xây dựng, nửa đêm thấy hải triều cuồn cuộn ào tới rất ấn tượng, tự nhiên ông muốn đưa Càn Long vào bộ tiểu thuyết đầu tay… Có điều, sau này ông nhận ra mình hơi quá đà.
“Càn Long đã dồn toàn lực để xây dựng, trùng tu con đê chắn sóng ở Hải Ninh - Triết Giang, mang lại rất nhiều lợi ích cho dân chúng trong vùng. Trong truyện này tôi viết về ông ta quá tệ, cũng thấy hơi áy náy”, Kim Dung viết (Hậu ký, “Thư kiếm ân cừu lục”, NXB Văn Học 2004, trang 434).
Cố nhà văn - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng từng dành hẳn một chương trong “Kim Dung giữa đời tôi” để liệt kê các vị vua Trung Quốc bị Kim Dung viết khác đi so với chính sử.
Có một Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương trong “Ỷ thiên Đồ long ký” vu oan giá họa cho 2 gia nhân của một nhà giàu sau vụ ăn cướp con bò để xẻ thịt. Có một Tống Triết Tôn Triệu Hú (Thiên long bát bộ) chọc giận để bà nội tức mà chết sớm… Và với “Thư kiếm ân cừu lục”, như chúng tôi vừa nhắc, thêm một Càn Long quá tệ.
Thật bất ngờ, “ác cảm” ấy lại phát xuất từ chuyện thơ phú. Tiểu thuyết gia Kim Dung nhận xét, sáng tác của vua Càn Long chẳng hay gì, nhưng hồi nhỏ đi đến đâu cũng thấy những bài “Ngự chế thi” khắc trên đá, rất phản cảm. Sau này, vào viện bảo tàng xem cổ họa, vẫn thấy Càn Long đề lạc khoản khắp nơi. “Không châm biếm một phen thì khó lòng hả dạ”, Kim Dung tự lý giải.
*
* *
Những cuộc tranh luận nghệ thuật, học thuật gay gắt hồi giữa đầu thế kỷ 20 đã giúp giải mã nhiều quan điểm, nhưng thi thoảng cũng bắt gặp những thông tin “đính chính” nhẹ nhàng, cầu thị. Đơn cử chuyện thi sĩ Đông Hồ thú nhận từng tự giới thiệu và tự khen thơ mình.
Chuyện là, có 2 bài thơ của Đông Hồ (Cái hôn lần đầu, Cô gái xuân) đăng báo Việt Dân ngày 7.4.1934. Nhưng để gây chú ý, chính ông viết lời giới thiệu và khoác cho tác giả 2 bài thơ một cái tên mới: Xuân Giang.
Sẽ không “sinh sự” nếu như trên báo Phụ nữ tân văn gần 1 tháng sau, ông Phan Văn Hùm không có bài phê bình khen ngợi Xuân Giang là một người “thật có biệt tài” và khiêm tốn nhận mình có kiến văn thô lậu. Đến nước này, thi sĩ Đông Hồ phải lên tiếng, cũng trên báo Phụ nữ tân văn sau đó 21 ngày, để “xin chịu tội nói dối”.
Đông Hồ thú thật là mình đã lấy cái tên Xuân Giang để che đậy tên của mình, rồi tự mình giới thiệu thơ của mình một cách ân cần. Ông thành thực bảo, nếu không có mấy dòng giới thiệu về 2 bài thơ, thì tòa soạn báo dễ cho đăng lộn vùi trong đám rừng “thơ nay”. Tất cả chỉ vì muốn mở một cách lập luận mới cho thi ca nước nhà, chứ không phải bởi lòng tự khoa tự đại…
*
* *
Lại có khi chi tiết của truyện này trở thành đề tài để các nhân vật ở truyện khác bàn cãi, vì muốn tìm sự thật. Tôi đã bắt gặp một đoạn như thế trong truyện ngắn “Một trăm cảnh núi Phú Sĩ” của Dazai Osamu, tác giả danh tác văn học Nhật Bản “Thất lạc cõi người”.
Lúc ấy, có đám thanh niên vừa đi bộ đến quán trọ cũ vừa “mổ xẻ” cật lực chi tiết trong truyện của Maupassant: Một thiếu nữ mỗi đêm đều bơi qua sông để gặp chàng công tử mà nàng yêu.
Vậy nàng mặc quần áo khi bơi, hay khỏa thân? Hay nàng mặc đồ bơi, hoặc gói quần áo đội lên đầu? Hay nàng để nguyên quần áo, sau đó cùng chàng công tử kia ngồi hong khô bên lò sưởi? Lúc quay về thì thế nào, lại ướt, lại hong khô? Tại sao chàng công tử không bơi qua gặp cô gái? Chàng ta không biết bơi?
Lẽ dĩ nhiên, “sự thật” đó không bao giờ được giải mã. Nhưng hẳn cũng ít nhiều đánh động những tác giả khác, sẽ phải cân nhắc về tính hợp lý mỗi khi muốn thảy ra một chi tiết nào đó…
Trở lại với câu chuyện “ba phút sự thật”. Nhà văn Phùng Quán từng viết về một sinh viên khoa Ngữ văn ở Cuba José Antonio Echevarria, 22 tuổi, bí danh “Mansana” (Quả táo).
Anh ấy cùng bạn bè lập kế hoạch chiếm đài phát thanh để tố giác chế độ độc tài Batista. Chỉ được gói gọn trong vòng 3 phút, tức 180 giây, trước khi bị lực lượng bảo vệ của đài phát thanh tiêu diệt. Kế hoạch của “Quả táo” hoàn tất, anh bị bắn hạ ở giây thứ 181, sau này được Nhà nước Cuba truy tặng danh hiệu Anh hùng dân tộc.
Sau này, nhà thơ Nga E.Evtushenko có bài “Ba phút sự thật” viết về vị anh hùng trẻ tuổi ấy, với đoạn giữa thật ám ảnh:
Ba phút! Chỉ có ba phút thôi!
Tiếng súng vang. Sau đó là tĩnh lặng
Viên đạn của Batista đã trở thành dấu chấm
Hết câu. Dù anh còn nói dở dang.
*
* *
Hết bao lâu, đủ để một sự thật lên tiếng?
Có thể chàng thanh niên “Quả táo” chỉ cần 3 phút, hoặc kéo dài cả 2 thập niên như với tiểu thuyết gia Kim Dung. Tất cả phụ thuộc nhu cầu của chính người cầm bút. Như nhà văn Phùng Quán trải lòng, “Vì một nhà văn viết ra những điều mà không còn ai tin nữa, thì nhà văn đó coi như đã chết!”.