Hai thôn chung lại một làng...

BẢO ANH 22/04/2018 09:48

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, làng Phú Trang của tôi - ngôi làng có nhiều ruộng bậc nhất không chỉ ở xã Quế Xuân mà còn của cả huyện Quế Sơn lúc bấy giờ, bắt đầu có những thay đổi. Trong đó, có 3 điểm mốc đáng nhớ, vì nó tác động trực tiếp đến nhiều người và nhất là làm thay đổi gương mặt của làng - vốn gần như bất biến suốt thời gian rất dài trước đó.

Một buổi cúng làng theo nghi thức truyền thống ở đình làng Phú Trang.Ảnh: B.A
Một buổi cúng làng theo nghi thức truyền thống ở đình làng Phú Trang.Ảnh: B.A

Điểm mốc đánh dấu sự thay đổi lớn lần thứ nhất diễn ra vào các năm 1990 - 1994: Tất cả ngôi nhà nằm rải rác giữa đồng được dời hết ra trục đường quốc lộ 1 và hương lộ chạy ngang qua làng (nay là đường ĐH1QS), vừa để lấy đất canh tác vừa tạo điều kiện quy hoạch lại đồng ruộng. Điểm mốc thứ hai diễn ra vào năm 2004, khi xã Quế Xuân được chia tách thành 2 đơn vị hành chính theo Nghị định số 20/2004/NĐ-CP của Chính phủ, kéo theo làng bị chia làm đôi. Trong đó khoảng hai phần ba số hộ trong làng thuộc “biên chế” của thôn Phú Mỹ, xã Quế Xuân 2, phần còn lại được chia về thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1. “Cuộc” thứ ba diễn ra trong một khoảng thời gian dài, từ đầu những năm 1990 cho đến tận bây giờ, ấy là sự xen cư của những gia đình từ nơi khác đến, khiến cho ngôi làng chỉ gồm 4 tộc Lương, Phạm, Phan, Bùi từ bao đời trở thành một ngôi làng có nhiều tộc họ khác nhau cùng chung sống.

Với những người lớn tuổi, những điểm mốc ấy ở làng tôi được xem là “biến cố”. Cụ nào cũng tỏ ý buồn phiền, bảo “mất” làng đến nơi rồi! Từ chỗ vườn rộng thênh thang, tha hồ trồng rau thả gà, nhà ưng xoay về hướng nào tùy thích, khi dọn ra mặt đường, nhà nào cũng được cấp đất như nhau, ngang 8 mét dài 20 mét, muốn xây nhà cho hợp hướng hợp tuổi cũng chịu vì đất không đủ rộng để xoay trở mà chỉ còn một cách là “nhìn trước, thẳng!”. Thêm nữa, ngó tới nhìn lui, các cụ thở dài bảo nhau không biết làm cái chuồng bò với cây rơm chỗ mô. Và “đau” nhất với các vị cao tuổi là cái sự cộng cư của những người “ngoại tộc” và việc làng bị chia làm đôi, khiến nhân khí bị pha tạp, long mạch bị cắt đứt... Nhưng với lớp trẻ thì ngược lại, mừng vui, hí hửng, xem đấy như là những dấu mốc “đổi đời”. Dễ thấy nhất, khi làm nhà ra mặt đường thì đi đâu cũng tiện, vèo một cái là xe máy vào đến hiên, chẳng phải trầy trật hết dắt lại khiêng qua mấy khúc đường băng đồng vừa nhỏ vừa lầy lội; heo gà trâu bò cũng hết chỗ tung tẩy, hết cơ hội bày ra những thứ bầy hầy; nhà cửa ngay hàng thẳng lối nhìn rất chi là... phố xá. Làng nguyên gốc có ngót trăm hộ, gặp nhau nhẵn mặt, tính nết mỗi người đều đã quen đến... nhàm, khi có thêm “người lạ” đến ở - mà lại toàn là những người không gắn với nghề nông, tự nhiên thấy... nhộn nhịp, tươi mới hẳn ra. Trước, muốn mua sắm món gì nhiều tiền một chút hay muốn thuê mướn phông rạp bàn ghế đều phải chạy ra Bà Rén hay Nam Phước, thì nay mọi thứ đã được những “người lạ xen cư” đem đến tận làng. Hay như cái việc làng bị “chia” về hai xã khác, lớp trẻ cũng có lý do để... hân hoan: trai gái ở hai nửa làng tìm hiểu nhau cũng hết bị dè bỉu mỉa mai là gà cồ ăn quẩn cối xay! Vẫn là một làng, nhưng vợ (chồng) của tôi là người... xã khác nhé!

Dù từng tồn tại những nghĩ suy trái ngược nhau giữa hai lớp người, nhưng rồi làng Phú Trang của tôi vẫn vẹn nguyên là ngôi làng nhiều ruộng, vừa giữ được những nét làng thuần hậu vừa phô ra những nét trẻ trung, tươi mới, hiện đại; người người biết sống với nhau bằng nghĩa xóm tình làng. Chuồng bò, cây rơm “cố chấp” chiếm dụng mặt tiền ngày nào bây giờ đã lui hết về phía sau, theo hướng cổng hậu ra đồng, để gương mặt xóm làng trở nên tinh tươm, ngăn nắp, sạch đẹp. Mới đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, mỗi gia đình trong làng đều đã xây bồn hoa men theo tường rào trước nhà, làng lại càng thêm đẹp. Ngôi đình làng cũ bị phá bỏ trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan ngày nào cũng đã được xây dựng lại từ sự đóng góp công sức của cả làng. Các lễ nghi truyền thống được phục hồi, không kể dân cố cựu hay người mới đến cũng đều được dự phần - chính xác hơn là đều được cắt cử, phân công nhau mỗi người một việc, từ quét tước dọn dẹp, bưng bê kê dọn đến việc đánh trống gõ chiêng mỗi khi hữu sự... Cũng ngay tại đình làng, có hẳn một không gian hiện đại dành riêng cho việc hội họp, múa hát, gặp mặt, liên hoan... của các hội đoàn thể 2 thôn trong làng, của các thiết chế hương sự chung của cả làng.

Bây giờ, mỗi khi đi đâu ra khỏi làng, khi tình cờ có ai đó hỏi thăm về quê hương bản quán, người làng tôi - tân cũng như cựu, đều “khai” mình người làng Phú Trang, sau đó mới “chú thích” thêm địa chỉ hành chính mới. Hai xã, hai thôn khác nhau nhưng vẫn cứ một làng!...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai thôn chung lại một làng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO