Hải thuyền - “con đò” kết nối quốc tế

NGUYỄN DỊ CỔ 12/02/2020 09:24

Đất Quảng có vị trí đặc biệt và thuận lợi để tạo điều kiện cho việc giao lưu tiếp xúc quốc tế. Trong lịch sử, nhiều cuộc tiếp xúc quốc tế giữa đất Quảng với thế giới thường chủ yếu gắn liền với đường biển.

Hình vẽ cảnh thuyền người Nhật bị trôi dạt đến hòn đảo vùng “Đất Quảng” thời chúa Nguyễn trong sách cổ của Nhật.
Hình vẽ cảnh thuyền người Nhật bị trôi dạt đến hòn đảo vùng “Đất Quảng” thời chúa Nguyễn trong sách cổ của Nhật.

Tàu bè nước ngoài đã đến vùng đất Quảng giao thương từ rất sớm, như thơ của Lê Thánh Tông đã miêu tả từ năm 1470: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. Ngô Linh Ngọc dịch: “Gió ru thuyền Lộ, canh năm/ Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà” , thuyền Lộ Hạc chính là thuyền buôn của các quốc gia thuộc vùng biển Malaca đến neo đậu ở cửa biển Đà Nẵng (Đồng Long).

Người ngoại quốc ở Quảng

Li Tana dẫn lời giải thích của Buch, người phương Tây: “Lý do khiến có nhiều thương gia như vậy hàng năm từ Trung Hoa đến Quinam (tức Quảng Nam - NV) là vì có thể tìm thấy ở đây một trung tâm buôn bán với các nước và vùng lân cận. Hồ tiêu được chở tới đây từ Palembang, Pahang và các vùng lân cận; long não từ Bornêô, gỗ vang, ngà voi, serong bourang, gumrac và lankien… đồ sứ thô và các hàng hóa khác. Với những gì còn lại, họ có thể mua thêm hồ tiêu, ngà voi, bột gia vị bạch đậu khấu của Quinam, v.v. Do đó, thuyền của họ trở về Trung Hoa thường là đầy hàng”.

Li Tana nghiên cứu thư tịch của Nhật và nhận thấy “có một số thuyền của người Hoa từ Hội An đi Cao Miên và buôn bán tại đây trước khi đi Nhật Bản. Một số lại dùng lịch trình khác, chẳng hạn họ đi từ Cao Miên tới buôn bán ở Hội An rồi sau đó tới Nhật Bản. Một số thuyền trên đường đi Xiêm tới Nhật Bản đã phải ghé Hội An có khi cả năm để chờ gió thuận. Đa số thuyền khác đi từ Trung Hoa tới Hội An, buôn bán tại đây rồi sau đó đi Nhật Bản”. Như vậy, theo Li Tana, Hội An là một điểm giao thương quốc tế quan trọng. Các quốc gia đến với đất Quảng chủ yếu bằng thuyền buôn.

Trước đây, người nước ngoài thường đến vùng đất Quảng chủ yếu bằng đường biển để buôn bán. Thích Đại Sán cũng đã nhận xét “đi đường đèo khó khăn hơn so với đường biển”. Song, đi đường biển luôn tiềm ẩn những nguy cơ trở thành thuyền nạn. Sách Hải Nam tạp trứ viết: “Thi đỗ Tiến sĩ xong, ngài (tức Thái Đình Lan - NV) muốn về kinh dự thi Trạng nguyên, chiếc thuyền buồm chở ngài qua biển không may bị gió bão trôi dạt trên biển” và sau đó đã bị đẩy vào bờ “chạm đất An Nam”.

Năm 1867, một đoàn đi thuyền gồm 24 người thuộc đảo Tế Châu Triều Tiên cũng bị gặp nạn, trôi dạt trên biển đến 32 ngày, sau đó mới bị trôi vào đảo Cù Lao Chàm của Quảng Nam. Thế kỷ XVIII cũng có 3 trường hợp người Nhật đi biển trôi dạt vào Việt Nam và tiếp xúc với người dân đất Quảng. Thích Đại Sán đã mô tả chi tiết diễn biến của thuyền nạn ở nhiều thời điểm khác nhau: “Bỗng chốc mưa lớn, gió bắc thổi mạnh, thế không chạy tới được, cả thuyền đều lo ngại”, “phía đông nam một trận gió bão nổi lên, đêm tối mây mù, ngửa bàn tay chẳng thấy. Mọi người đều sảng hồn”, “theo gió xuôi vào sơn cảng, người trong thuyền đánh trống tạ thần, đều giơ tay lên trán nói rằng: “Thực là sống sót””. “Đến đêm, sóng gió lại càng dữ dội, cát bay đá chuyển, nhà lá đều đổ xiêu. Sóng đánh vào núi nghe ầm ầm, kinh hồn lạc phách”. “Ta may được mảnh đất gửi thân, nghĩ mấy người đang ở trên thuyền, gặp lúc hiểm nghèo, sống thác chỉ cách nhau sợi tóc, đêm nay sẽ lo sợ biết chừng nào (…) Sáng ngày, có người ở thuyền chạy lên, reo mừng “sống sót””.

Tình giao hảo bốn phương

Người dân đất Quảng cũng giong buồm vươn ra buôn bán ở ngoại quốc. Thư tịch cổ của Nhật Kai-hentai ghi lại ý kiến của một số thương gia người Hoa ở Xiêm: “Chúng tôi (tức thương gia người Hoa - NV) quen với người dân Quảng Nam thỉnh thoảng tới Xiêm và chúng tôi đã gặp họ ở đây”, Li Tana cho biết. Tác phẩm Kanhou Niki đã ghi lại sự việc 5 người dân của Phủ Hội An bị trôi dạt đến Yakushima vào ngày 13 tháng 8 năm Bunka thứ 12 (1815). Những người này lập tức được dẫn về Nagasaki. Ban đầu, người thông dịch tiếng Hoa thuộc chính quyền sở tại đã hỏi thông tin nhưng không thành công vì khác ngôn ngữ. Sau đó, Saikonshi, người từng có kinh nghiệm đi biển An Nam, đến làm phiên dịch thì mới “giao lưu” được.

Ngoài ra còn có một trường hợp khác, tuy không phải người đất Quảng mà là người phương Nam bị trôi dạt đến Nhật Bản. Sau đó những người này kể lại và Trương Đăng Quế viết thành cuốn Nhật Bản kiến văn lục (ký hiệu A.1164, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Ngô Thế Long khi dịch sách này đã giới thiệu thêm: “Vào năm Gia Long 14 (1815) do một sự rủi ro, 5 người lính Việt Nam từ thành Gia Định chở bè gỗ về kinh đô Huế bị gió lốc cuốn trôi sang đất Nhật Bản. Tới đó, họ được quan và dân địa phương ở Nhật Bản cứu vớt. Sau đó, họ tìm đường trở về được và kể lại những điều tai nghe mắt thấy về các mặt cuộc sống của người Nhật cho vị đại thần là Trương Đăng Quế nghe. Với văn tài của mình, Trương Đăng Quế đã ghi lại sự việc đó và mô tả khá súc tích về phong tục tập quán sinh hoạt của người Nhật đương thời, theo lời kể của những người lính đó”.

Những thuyền nhân gặp hải nạn đều được người dân đất Quảng cứu giúp và báo cáo lên chính quyền. Họ được nhà vua hoặc quan sở tại hỗ trợ giúp đỡ về điều kiện sinh hoạt tạm thời và được tổ chức thuyền bè, cử người đưa về nước. Trường hợp tiêu biểu như vua Tự Đức đã cử Phạm Phú Thứ đưa Ngô Hội Lân là người bị hải nạn trở về Trung Quốc, mà nhờ đó Phạm Phú Thứ có tập thơ Đông hành thi lục. Bài đầu tiên trong tập Đông hành thi lục có tiêu đề “Phụng phái tòng quan thuyền hiệu lao tống Thanh quốc nạn biền hồi Việt” (Vâng phái theo quan thuyền lao lực chuộc tội, đưa quan nước Thanh bị nạn về tỉnh Quảng Đông), trong đó có câu: “Tuất nạn đôn lân hảo/ Tùy tra hộ sứ mao/ Huân phong Đà Tấn sảng/ Thu nguyệt Hổ Môn cao” (Thương người bị nạn, giúp hàng xóm/ Thuận theo bè sứ, giữ ngọn cờ mao/ Gió đưa hương thơm, Đà Nẵng nước lên mát mẻ/ Trăng thu cao soi trên Hổ Môn).

Thuyền buôn hay thuyền nạn đều đưa những người ngoại quốc đến tiếp xúc giao lưu với người đất Quảng và ngược lại. Đây là một trong những “con đò” nối kết sự tiếp xúc quốc tế đặc trưng giữa đất Quảng với khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hải thuyền - “con đò” kết nối quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO