Hai trận đánh trên đèo Hải Vân

LÊ THÍ 02/12/2018 05:38

Trên sườn nam của đèo Hải Vân có một ngôi làng đặc biệt, từng chứng kiến hai trận đánh cách nhau 29 năm: một do Pháp chủ động tấn công quân ta, một do phía quân Nghĩa hội của ta chủ động tấn công quân Pháp. Hai trận đánh đều mang tính cách… trả thù!

Ba tàu chiến Pháp tấn công đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải.
Ba tàu chiến Pháp tấn công đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải.

Ngôi làng trên đường thiên lý

Chơn Sảng là tên một làng của huyện Hòa Vang nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Làng nằm ở phía bắc của làng Nam Ô, kéo dài từ chân núi lên lưng chừng núi Hải Vân. Trong một tài liệu người Pháp gọi làng bằng tên lạ: Kien Chan!

Tại làng Chơn Sảng trước đây dưới thời chúa Nguyễn có đặt một nhà trạm thuộc hệ thống nhà trạm trên đường thiên lý bắc nam. Sách Ô châu cận lục chưa đề cập tên làng cũng như nhà trạm, nhưng qua Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn nói rất rõ: “Đường sá từ trấn Thuận Hóa vào Quảng Nam, nhật trình đi bộ từ quán Lồn Voi đến quán Trà nửa ngày. Quán Trà đi tối đến Tuần Ải (Hải Vân quan sau này - LT). Tuần Ải đến quán Sảng nửa ngày, quán Sảng đi tối đến quán Thanh Khê. Quán Thanh Khê đi đến quán Cẩm Sa nửa ngày…”. (Nxb Khoa học, 1964, tr.120).

Dưới thời Thiệu Trị (1840-1847) và Tự Đức (1847-1883) tại làng Chơn Sảng có một đồn lính quan trọng thuộc hệ thống phòng thủ ở bờ tây vịnh Đà Nẵng. Ngày đó, để phòng thủ Đà Nẵng, hai bên vịnh biển và dọc sông Hàn có một hệ thống phòng thủ dày đặc. Phía hữu ngạn trên núi Sơn Trà có đồn Trấn Dương, dưới chân núi có pháo đài Phòng Hải, tiếp theo là 5 đồn được gọi là 5 bảo rồi đến đồn An Hải, cuối cùng là 2 đồn Mỹ Thị, Hóa Khuê. Về phía tả ngạn từ trên xuống là Hải Vân quan, pháo đài Định Hải, đồn Chơn Sảng, tấn Câu Đê, thành Điện Hải và cuối cùng là các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián.

Sau này gần vị trí đồn Chơn Sảng là nơi đặt nhà trạm trên đường bắc - nam lấy tên là trạm Nam Chơn. Vị trí Chơn Sảng được Nguyễn Sinh Duy mô tả: “Trạm Nam Chơn đặt tại làng Chơn Sảng, cách thị trấn Nam Ô khoảng 10km về hướng đông bắc. Nằm dưới chân một bậc đá núi rộng hợp thành triền của dãy núi chính trên đó dựng sừng sững cửa Hải Vân quan...” (Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998, tr.212).

Ở Chơn Sảng đã từng diễn ra hai trận đánh đặc biệt. Một do Pháp chủ động tấn công quân ta, một do phía quân Nghĩa hội của ta chủ động tấn công quân Pháp. Hai trận đánh cách nhau 29 năm đều nhằm mục đích… trả thù!

Trận đánh ngày 18.11.1859

Gần 10 tháng bị Nguyễn Tri Phương cầm chân ở Đà Nẵng, Rigault de Genouilly cảm thấy ngày càng mệt mỏi, niềm hăng say chinh phục trong buổi đầu cũng tàn lụi theo gánh nặng của cuộc chiến nên tháng 6.1859 viên trung tướng hiếu chiến này đã đệ đơn từ chức. Paris đã đồng ý và cử Thiếu tướng Page đến thay thế ông. Ngày 1.11 Page nhận bàn giao công việc với chỉ thị: rút quân khỏi Đà Nẵng. Page không thực hiện ngay lệnh trên mà muốn thể hiện tài năng và uy lực của mình và nhất là để trả thù cho thất bại của Pháp ở Đà Nẵng bằng cách tấn công đồn Chơn Sảng và pháo đài Định Hải.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 18.11, Page điều động 3 tàu chiến và một tàu vận tải đến phía tây bắc vịnh Đà Nẵng, đối diện với pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, Page cho kéo cờ tư lệnh và khai hỏa. Đại bác hai bên bắn xối xả vào nhau vang động cả núi rừng và mặt biển. Đại bác của ta rơi trúng tàu chỉ huy Némésis, làm viên thiếu tá công binh Déroulède bị cắt làm đôi, chết ngay taị trận, nhiều binh sĩ khác bị chết và bị thương. Page cho viên thiếu tá tham mưu trưởng dẫn 300 quân đổ bộ chiếm đồn Chơn Sảng. Do hỏa lực mạnh, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ đồn Chơn Sảng bị hạ. Quân ta bỏ chạy tán loạn vào rừng lẩn trốn. Pháp cho phá hủy công sự và súng ống, đốt cháy kho thuốc súng, rồi lấy đồn Chơn Sảng làm căn cứ đổi tên thành pháo đài Isabelle, án ngữ con đường liên lạc giữa Huế và Đà Nẵng.

Nghe tin đồn Chơn Sảng bị thất thủ, đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế qua đèo Hải Vân bị nghẽn do quân Pháp án ngữ, vua Tự Đức vô cùng bối rồi liền cử Thống chế Nguyễn Trọng Thao làm Đề đốc quân vụ đem quân vào Hải Vân cự đánh. Quân Nguyễn Trọng Thao từ trên đèo tiến xuống, quân của Trần Đình Túc và Nguyễn Hiên từ 2 đồn Nam Ổ và Câu Đê tấn công lên, mới “bứng” được quân Pháp ra khỏi Chơn Sảng vào tháng 1.1860. Trận đánh ngày 18.11, đồn Chơn Sảng bị chiếm nhưng đó không phải là một thắng lợi của Pháp. Cái giá mà Page phải trả cho nó khá đắt không chỉ về nhân mạng bị tổn thất mà cả về uy tín và sự nghiệp của y: “Trận đánh này được phóng ra để thỏa mãn lòng tự cao của Page hơn là nhằm thâu đạt một thắng lợi quân sự hay chính trị nào đó. Khi được báo cáo, Paris đã xem đấy là một cuộc tấn công không cần thiết, khiến thiệt mất một sĩ quan giàu khả năng và nhiều quân sĩ bị thương vong. Vì vậy, Page bị khiển trách và mất chức…” (Võ Văn Dật - Lịch sử Đà Nẵng 1306 - 1975, tr.246).

Dấu tích của trận chiến ở Chơn Sảng này vẫn còn. Đó là Nghĩa trũng Nam Ô với gần 500 ngôi mộ và Dinh Âm hồn, nơi an nghỉ và nơi thờ cúng anh linh của các chiến sĩ và nghĩa sĩ trong  trận chiến này.

Trận đánh ngày 1.3.1886

Đến 29 năm sau, vào ngày 28.2.1886, một đêm tối trời, đoàn công binh của Pháp do Đại úy Besson chỉ huy dừng chân ở trạm Chơn Sảng (Nam Chơn). Được sự mật báo trước của một người thông dịch viên tên Trần Văn Quế, quân Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu đã kéo về ém dưới chân đèo từ trước để chờ. Nửa đêm, 300 quân Nghĩa hội xuất phát từ làng Nam Ô dùng thuyền và ghe tam bản, theo sông Thủy Tú ra vịnh Đà Nẵng sau đó vòng eo biển dưới chân Hải Vân rồi tiến lên bao vây nhà trạm Chơn Sảng. Toàn bộ đội lính công binh của Pháp bị tiêu diệt. Nghĩa quân còn châm lửa đốt hai nhà trạm, sau đó chia làm hai cánh, một rút lên các thác nước ẩn vào rừng già Bạch Mã, một cánh ra bể về lại làng Nam Ô. Chơn Sảng chìm trong bóng tối, vắng lặng và chết chóc. Trên, rừng già Bạch Mã vẫn xanh um; dưới, sóng biển vịnh Đà Nẵng vẫn vô tư rì rào. Chỉ có bản tin lạnh lùng của Pháp: “Chơn Sảng hoàn toàn bị thiêu rụi, người ta không tìm thấy một người An Nam nào, nhưng bảy xác người Pháp trong đó có ba cái bị cắt đầu, một trong số đó có lẽ là của Đại úy Besson…” (Nguyễn Sinh Duy, sđd, tr.217).

Ngạn ngữ của phương Tây có câu: “Thời gian luôn mang lại sự trả thù!” (Time bring it revenge). Đây chính là sự trả thù. Sự trả thù… cay đắng của lịch sử!

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai trận đánh trên đèo Hải Vân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO