Hải Vân nghìn năm mây trắng

HOÀNG LIÊN 03/02/2016 12:09

Đèo Hải Vân (còn gọi đèo Ải Vân hay đèo Mây) - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là con đèo của lịch sử, của thi ca và huyền thoại… trầm mặc nghìn năm đắm say lòng lữ khách.

MỘT sớm mùa xuân, hân hoan bước dặm dài, dừng lại nơi đèo Hải Vân, thả hồn ngắm mây lồng lộng, la đà qua trước mặt. Mây thở những làn hơi mát lạnh vào mặt lữ khách, một cảm giác lâng lâng. Sực nhớ, thiên thai Lưu Nguyễn, chốn ấy nào phải đâu xa, ở tận ngay đây, ở trong lòng người. Mặc cho những hình hài lướt qua giữa những màn mây diễm ảo, ở trên đỉnh non bồng này, lắng lòng nghe thanh âm của suối, của sương sa và dưới chân Ải, nơi đảo ngọc xanh kia, những con sóng ngàn năm réo gọi. Những rặng đá núi bị sóng biển bào mòn bao nhiêu năm thì con đèo này cũng có ngần ấy năm tuổi. Đi hỏi tuổi của núi, của đèo, của mây hẳn rõ là câu hỏi của kẻ say, song trước bức tranh họa đồ bày ra đó thì hãy cứ mặc nhiên để những cơn say ấy xâm lấn lòng người. Rồi giữa cái cõi hân hoan ấy, cơn mưa xuân lất phất khiến đỉnh đèo càng huyễn hoặc. Mây trắng bồng bềnh quyện vào mưa, khói sương diễm ảo như những tình nhân. Hải Vân quan cũng thấp thoáng trong làn khói sương diễm ảo ấy.

Ở cái thời điểm mà tôi đang đứng trên đỉnh đèo này, hàng trăm khách thập phương cũng đến với Hải Vân trong cái tâm thế ấy. Trên con đường kinh lý Bắc - Nam, họ đã chinh phục đèo Ải, ngắm mây bay và non xanh bồng bềnh, tràn trề nhựa sống. Vì lẽ ấy mà bước du hành mùa xuân luôn dập dìu nam thanh nữ tú. Để vượt qua con đèo muôn dặm gian nan này, du khách có thể ngồi yên trên ô tô tiện nghi để ngắm nhìn, thư giãn, để được mây la đà ghé thăm ô cửa nhỏ.  Song, để thâu tóm Hải Vân vào tầm mắt, độc đáo là những tour “phượt”, chinh phục những dốc lên xuống khúc khuỷu với “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Mỗi chặng vượt đèo là một chiến tích, trên bước lữ thứ trải dài hơn 20 cây số đèo dốc ấy sẽ bắt gặp thanh âm của gió ngàn rít qua đồi thông, để tai nghe và mắt ngắm những thác suối đổ xuống từ trên cao tựa hồ như mái tóc trữ tình. Có gì thôi thúc ở cả hai chặng đầu và cuối con đèo hùng vĩ này? Lữ khách có thể tiến về nam đèo Ải với một Đà Nẵng tráng lệ biển xanh, với vịnh Nam Ô, làng chài Nam Ô hiền hòa, cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà… Và, có thể tiến bước về phía bắc đèo Ải với vẻ đẹp thướt tha của Thừa Thiên Huế nào là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô và vịnh Lăng Cô với những bãi cát vàng trải dài, đẹp như tranh vẽ…

“Núi non quanh co như bầy rồng”, tiền nhân đã ví von khi đứng trước thiên hùng quan này. Con đèo lấp lánh sắc màu huyền thoại bởi những áng thơ văn của những tao nhân, mặc khách xuyên suốt dặm dài lịch sử. Cảm tác “Hải Vân hải môn lữ thứ” (tức “Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân”) của vua Lê Thánh Tôn có lẽ ra đời năm 1471 khi vua du hành qua đây được lịch sử lưu truyền. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc thế này: “Xa thư gộp một nền chung/ Hải Vân, nét gạch khoanh vùng trời Nam/ Gió ru thuyền Lộ, canh năm/ Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà/ Giặc kia đất ải nộp ta/ Khổn thần vì nước tính xa mọi bề”. Áng thơ bất hủ của vị vua toàn tài văn võ Lê Thánh Tôn trải hơn 500 năm đã nhuộm Hải Vân trong huyền thoại. Rồi mấy trăm năm sau, chúa Nguyễn Phúc Chu khi vi hành qua đèo cũng đã khắc thơ vào đá núi, mây ngàn: “Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh/ Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên” (Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc/ Chẳng nhìn thấy người giữa trùng mây). Và có lẽ, hàng trăm năm trước cũng như nghìn năm sau, Hải Vân vẫn là tuyệt tác của tạo hóa, là nguồn thi hứng bất tận…

Du khách đến đỉnh đèo Hải Vân.
Du khách đến đỉnh đèo Hải Vân.

Song, cung đường mây trắng Hải Vân không chỉ có sự diễm ảo. Xưa - nay, mỗi chặng vượt đèo là mỗi chặng gian nan, gập ghềnh, giọt mồ hôi của tiền nhân đổ xuống đất này. Lịch sử nhắc rõ tới Hải Vân có lẽ từ năm 1306, sự kiện vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân - vua nước Chiêm Thành. Sự kiện trọng đại ấy đánh dấu mốc lộ giới của Đại Việt tiếp tục vượt đèo Hải Vân mở rộng về phương Nam. Thử tưởng tượng hơn 700 năm trước, thuở rừng núi cây cỏ, đất trời còn hoang vu, chặng đường về dinh của nàng Huyền Trân công chúa hoặc là giữa mênh mông bể sóng trùng khơi; hoặc là phải đi bộ hết ngày này tháng nọ từ quê cha đất tổ vào tận rẻo đất phương Nam mờ mịt thức mây này. Làm sao có thể biết gót son ngọc ngà của nàng in dấu ở đâu? Người xưa có câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/Đi biển thì khiếp sóng thần Hang Dơi”. Vậy chỉ có thể hình dung nàng công chúa mỏng manh ấy cùng đoàn tùy tùng phải vượt biển xanh thăm thẳm, qua vịnh Lăng Cô, qua cửa khẩu Hải Vân hay vịnh Nam Ô dưới chân đèo Ải, vào các cửa sông, cửa biển khác để về chốn kinh đô. Còn một con đường khác để đưa nàng về dinh, đó là vượt mấy chục cây số đèo dốc hiểm trở, ngặt nghèo hoang vu có độ cao gần 500m so với mặt nước biển này. Vậy mới thấm thía cái nỗi niềm của khách má hồng trước cuộc hôn nhân “khác thường” trong lịch sử.

Đèo Hải Vân có vị trí chiến lược quan trọng của nước Việt. Thế kỷ XV - XVI, nhà nghiên cứu Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” đánh giá Hải Vân “bền vững như chiếc khóa vàng, chính là nơi đầu não của miền Thuận - Quảng”. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng chơi núi Hải Vân, gọi đây là “cái yết hầu (đất cổ họng) của miền Thuận - Quảng. Điều này được Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) trong “Phủ biên tạp lục” khẳng định lại gần 200 năm sau đó. Và trải suốt trăm năm dưới thời đô hộ thực dân Pháp và 30 năm xâm lược của đế quốc Mỹ, quân xâm lược cũng chọn đèo Hải Vân xây dựng căn cứ quân sự. Những trận đánh ác liệt trong lịch sử cũng diễn ra trên con đèo. Bia chứng tích Chiến thắng Đồn Nhất cạnh Hải Vân quan nghìn năm, vẫn sừng sững giữa mây trời lồng lộng, thời gian, sương mốc rêu phong không thể bào mòn. Mỗi ngày, hàng trăm đoàn khách thập phương đã nghiêng mình khi qua đây…

Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, nơi mà bốn mùa đi qua trong ngày vẫn cuốn hút, đắm say lòng người.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hải Vân nghìn năm mây trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO