Phần mộ vợ chồng ông Trần Ân - Nguyễn Thị Hoa là những người tham gia du kích xã hy sinh từ tháng 4.1970, nhưng đến nay vẫn còn nằm trơ vơ giữa ruộng lúa.
ÔNG Trần Ân ở thôn 2, xã Bình Lãnh (Thăng Bình) tham gia du kích xã tháng 3.1965. Sau Tết Mậu Thân (1968), bà Nguyễn Thị Hoa - vợ ông Ân, cũng rời gia đình theo chồng, làm cấp dưỡng phục vụ du kích hoạt động cách mạng. Nhiều cán bộ cách mạng công tác ở xã Bình Lãnh ngày trước kể lại, ngày 14.4.1970, lúc 8 giờ sáng, vợ chồng ông Ân đi vào nơi cất giữ lương thực của cách mạng để lấy gạo về nấu cơm cho du kích ăn; khi gần đến kho gạo thì bị lính Mỹ trên chiếc trực thăng OH-6 Hughes đang đậu gần đó phát hiện và bắn chết. Đến tối cùng ngày, đồng đội mới lấy được xác vợ chồng ông Ân đem chôn cất trên cánh đồng.
Mộ phần của vợ chồng ông Ân, bà Hoa trơ vơ giữa đồng ruộng, mấy chục năm nay. Ảnh: N.Q |
Ông Lê Văn Xứng, cán bộ Đội công tác huyện Thăng Bình tăng cường về xã Bình Lãnh trong thời gian 1954 - 1970 cho hay: “Những năm 1968 - 1970, ông Trần Ân được giao nhiệm vụ trong Đội công tác cảnh vệ - an ninh, hoạt động theo sự phân công công việc của tôi. Ông Ân công tác đến tháng 4.1970, không may hy sinh cùng vợ”. Còn ông Nguyễn Thuyết, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, vào thời điểm tháng 4.1970, Mỹ - ngụy đánh phá vùng tây Thăng Bình rất ác liệt, cán bộ, du kích hy sinh rất nhiều. Khi vợ chồng ông Ân, bà Hoa bị giặc bắn chết, lực lượng du kích quá mỏng, địch lại lùng sục gắt gao nên mãi đến tối mịt, mọi người mới lấy được xác vợ chồng ông đem chôn cất ở ruộng lúa chứ không thể mang lên đồi cao được. Từ đó đến nay, chẳng hiểu sao hài cốt của vợ chồng ông Ân, bà Hoa chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ địa phương?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Nhung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Lãnh cho rằng, mộ phần của vợ chồng ông Ân, bà Hoa đến nay vẫn nằm dưới ruộng lúa là điều rất đáng tiếc. “Muốn đưa mộ phần của ông Ân, bà Hoa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã, họ phải là liệt sĩ. Mà muốn được công nhận liệt sĩ thì phải hoàn tất hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước…” - ông Nhung nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, xã Bình Lãnh đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hồng - cháu gọi ông Ân bằng cậu ruột, để làm hồ sơ đề xuất công nhận liệt sĩ cho ông Ân, bà Hoa. Bà Hồng đã hoàn thiện hồ sơ gửi cho xã và xã đã làm thất lạc mất(!).
Theo ông Huỳnh Kim Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh, đến nay vẫn chưa quy tập hài cốt ông Ân, bà Hoa vào nghĩa trang liệt sĩ xã là do lỗi của địa phương. Bởi, cán bộ xã qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa nhiệt tình làm hồ sơ, thủ tục để đề nghị cấp trên công nhận liệt sĩ đối với ông Ân, bà Hoa. “Trước mắt, xã Bình Lãnh sẽ xây lại ngôi mộ cho ông Ân, bà Hoa được khang trang hơn ở vị trí hiện có. Việc này có thể sẽ được thực hiện xong trước ngày 27.7 tới đây. Đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với bà Hồng, cháu ông Ân để làm lại hồ sơ, đề nghị cấp trên công nhận liệt sĩ cho hai vợ chồng. Việc này thông suốt, sau đó chúng tôi sẽ di dời phần mộ của ông Ân, bà Hoa vào nghĩa trang liệt sĩ xã” - ông Chánh nói.
NGUYỄN QUANG