Tin tưởng vào việc cho vay để lấy tiền lãi cao, hàng chục người dân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt luôn số tiền gốc, sau đó cao chạy xa bay với thủ đoạn “giật biêu”, “vỡ hụi”, để lại rất nhiều hệ lụy.
Tin nhầm chỗ
Giữa tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên xét xử bị cáo Phạm Thị Bình (SN 1988, trú xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, từ năm 2015, thông qua bạn bè, Bình quen biết với bà N. (trú tại TP.Đà Nẵng) rồi tự giới thiệu với bà N. mình là… Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của sân bay Đà Nẵng, ngỏ ý sẽ xin việc cho con gái bà N. vào làm việc với “chi phí” 700 triệu đồng.
Sau một thời gian, do việc không thành, bà N. nghi ngờ, yêu cầu trả lại tiền. “Khó nuốt” nên Bình trả lại số tiền đã nhận. Nhưng từ mối quan hệ với bà N., Bình tiếp cận với ông T. (em trai bà N.) và bà A. (ngụ Quảng Nam). Vì tin tưởng lời Bình, hai người này đã cho Bình mượn tiền với lời hứa sẽ trả lãi cao để đầu tư vào kinh doanh, đóng cổ phần trong sân bay Đà Nẵng.
Sau khi lấy được của bà A. hơn 4,3 tỷ đồng, ông T. hơn 5,1 tỷ đồng, 37,5 chỉ vàng và một xe máy, Bình đem tiêu xài và trả nợ cá nhân. Với hành vi lừa đảo trên, Bình đã phải lãnh mức án 12 năm tù.
Cũng với thủ đoạn tương tự là vay tiền của bị hại, trả lãi cao trong thời gian đầu sau đó chiếm đoạt luôn tiền gốc, Phạm Thị Nghĩa (SN 1975, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) cũng khiến bao gia đình điêu đứng.
Dưới danh nghĩa phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở xã Tam Đàn, bị cáo Nghĩa quen biết với nhiều người dân địa phương, sau đó huy động tiền bằng nhiều lý do như làm đáo hạn ngân hàng, mua bán đất… để mượn tiền. Thời gian đầu, bị cáo này trả lãi, gốc đúng hạn, nhưng càng về sau, số tiền mượn càng lớn, bị cáo nêu hàng loạt lý do để gia hạn việc trả nợ. Đến khi mất khả năng chi trả, bị cáo Nghĩa tự ý nghỉ việc, bỏ trốn khỏi địa phương. Trong khoảng thời gian năm 2017 - 2018, Nghĩa lừa đảo 9 bị hại, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Trả giá đắt
Đáng nói, bị hại trong nhiều vụ việc dù không có tiền song vẫn đi vay của người khác để đưa cho các đối tượng nhằm lấy lãi. Đến khi bị “giật biêu”, “vỡ hụi”, có người phải cầm cố nhà cửa, tài sản để lấy tiền trả nợ đã vay.
Bị cáo Phạm Thị Nghĩa khai tại tòa rằng mình cũng là… nạn nhân, vì số tiền của các bị hại đều đưa cho một phụ nữ khác tên V.T.T.L. trú tại huyện Núi Thành để buôn bán bất động sản nhằm lấy lãi chia nhau. Tuy nhiên, Công an tỉnh sau khi tra cứu thông tin, nhân thân lai lịch mà bị cáo Nghĩa cung cấp thì không tìm thấy thông tin trùng khớp đối tượng này.
Mức án được tuyên cho Phạm Thị Nghĩa là 11 năm tù giam, buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các bị hại, song trong tình cảnh hiện tại, câu chuyện “đòi được nợ” của các bị hại xem ra còn là một quá trình dài.
Thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên cảnh báo, công an các địa phương bằng nhiều hình thức tuyên truyền cũng đã chuyển tải thông điệp về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân cảnh giác, song vấn nạn này vẫn lặp lại, nhất là ở vùng nông thôn.
Công an tỉnh cũng thụ lý nhiều đơn tố cáo một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP.Tam Kỳ về việc vay, mượn tiền của nhiều người nhưng không trả sau đó bỏ trốn. Trước đó, Phạm Thanh Quang (28 tuổi, trú xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, nhân viên một ngân hàng) cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ những “vỏ bọc” là kinh doanh bất động sản, làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng hoặc cần tiền để góp vốn đầu tư kinh doanh, các đối tượng đưa ra lãi suất hấp dẫn, thực hiện trả tiền lãi đúng hạn trong thời gian đầu để tạo lòng tin, sau đó chiếm đoạt số tiền đã vay mượn của bị hại. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên đặc biệt cảnh giác, tránh bị lợi dụng bởi chiêu bài “lãi cao” để rồi tiền mất, tật mang.