Việc ra đời những “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” do Hội LHPN các cấp thành lập trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã và đang góp phần tích cực trong phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ).
Thiết thực
Năm 2009, Hội LHPN thành phố tổ chức khảo sát 650 gia đình tại 13 xã, phường về tình trạng BLGĐ. Kết quả cho thấy, cứ 50 gia đình thì có 3 gia đình xảy ra bạo lực, 5 - 7 trường hợp thường xuyên xảy ra bất hòa. BLGĐ không chỉ xảy ra ở những người có trình độ học vấn thấp, nhận thức về xã hội, pháp luật kém mà thậm chí còn xảy ra ở gia đình có trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội. Nhiều người phải chấp nhận cuộc sống chịu bạo lực trong suốt thời gian dài, vì không thể tìm ra lối thoát cho chính bản thân. Trước tình hình đó, Hội LHPN thành phố đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND thành phố, đồng thời phối hợp với các ban, ngành đoàn thể có liên quan tổ chức tọa đàm phòng chống BLGĐ tại 13/13 xã, phường. Đặc biệt, khi Luật Phòng chống BLGĐ ra đời, căn cứ vào điều 30 của luật, Hội LHPN nhận thấy cần có địa điểm để giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ tại cộng đồng dân cư, nên đã cùng với cơ sở đầu tư thành lập thí điểm mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”. Năm 2010, Hội LHPN TP.Tam Kỳ đã vận động xây dựng 15 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” tại 12/13 xã, phường nhằm hỗ trợ tạm thời và nơi tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ. Đây là mô hình mới, được áp dụng đầu tiên ở Quảng Nam. Chị Nguyễn Thị Kim Yển - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ cho biết: “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là một tổ chức tự nguyện, đây là nơi giúp đỡ nạn nhân BLGĐ tại cộng đồng dân cư, đồng thời cùng Hội LHPN tuyên truyền về phòng chống BLGĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ với nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ và thông báo cho cơ quan thẩm quyền biết”.
Chia sẻ với phụ nữ khó khăn. Ảnh: Hội LHPN phường Tân Thạnh cung cấp |
Qua 5 năm triển khai, đến nay, toàn thành phố đã thành lập được 32 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” tại 13/13 xã, phường. Trung bình mỗi xã, phường có 2 - 3 địa chỉ tin cậy đặt tại địa điểm có thể là hộ gia đình, hoặc tại cơ quan UBND xã, phường. Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp, Hội LHPN thành phố còn thành lập 1 Tổ tư vấn pháp luật gồm nhiều thành viên, trong đó có 13 chị là Chủ tịch Hội LHPN tại 13 xã, phường trực tiếp tư vấn.
Vì tổ ấm
Hằng năm, Hội LHPN từ thành phố đến xã, phường đều kết hợp tuyên truyền các chuẩn mực xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Vào ngày Gia đình Việt Nam 28.6 hằng năm, từ thành phố đến xã, phường đều duy trì tổ chức “Ngày hội gia đình” với các chủ đề như: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Yêu thương và chia sẻ”… Hiện nay, hội đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. |
Phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) có 2 địa chỉ tin cậy đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là địa chỉ đóng tại nhà chị Võ Thị Tố Uyên (khối phố Mỹ Thạch Bắc). Bản thân là cán bộ phụ nữ công tác hơn 10 năm, lại là người ham học hỏi, chịu khó, chị Uyên được nhiều chị em hội viên tin tưởng, nể phục. Nhờ đó, “địa chỉ tin cậy” tại ngôi nhà của vợ chồng chị thường xuyên có nhiều chị em lui tới. Có người đến vì chuyện gia đình, con cái, nhưng cũng có người đến để tâm tình, giải tỏa những vấn đề xung quanh cuộc sống gia đình, công việc… Chị Uyên cho biết, bản thân làm việc này vừa là trách nhiệm của cán bộ hội nhưng hơn hết là vì hạnh phúc, tổ ấm của hội viên. Đôi khi, 11 giờ đêm nhưng chị Uyên cũng phải tiếp “khách hàng” bất đắc dĩ đến... tư vấn. “Bản thân tôi đâu phải là chuyên gia tâm lý, nhưng từ kinh nghiệm bản thân, từ những lần được tập huấn, tôi cố gắng nói chuyện với các đối tượng bị BLGĐ bằng sự gần gũi, chân thực nhất, qua đó giúp họ giải tỏa hết bực dọc, rồi sau đó mới tìm nguyên nhân để hòa giải” – chị Uyên tâm sự.
Chính sự nhiệt tình của các cán bộ hội mà nhiều chị em đã tìm đến những “Địa chỉ tin cậy” như tìm đến một chuyên gia tâm lý. Câu chuyện của chị Q. và anh H. ở khối phố Mỹ Thạch Trung là một ví dụ về vấn đề BLGĐ. Chị Q. là người vợ thường xuyên bị anh H. bạo hành bằng cách đánh đập, chửi bới. Và cứ mỗi lần như vậy là chị Q. lại chạy đến nhà chị Uyên để tạm lánh và được tư vấn. Bằng sự cảm thông, chia sẻ, chị Uyên đã nhiều lần khuyên nhủ, giải thích sự đúng, sai cho chị Q. hiểu. Đồng thời, cũng trực tiếp tìm đến anh H. để khuyên can, hòa giải. Sau nhiều lần như vậy, hiện nay vợ chồng chị Q. và anh H. đã sống với nhau tình cảm hơn trước. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc làm của chị Uyên cũng nhận được sự hợp tác của các cặp vợ chồng có vấn đề BLGĐ. Chị bảo: “Việc của mình giống như “vác tù và hàng tổng”, nhưng đôi khi họ cũng không muốn cho mình “vác” đâu. Chuyện gia đình, họ thích kín đáo, không muốn mọi người biết, đặc biệt là những gia đình cán bộ, trí thức”. Ngoài việc trực tiếp tư vấn, hòa giải tại “Địa chỉ tin cậy” ở nhà, nhiều năm nay, chị Uyên cùng với các chị trong ban thường trực, các chị ở chi hội, tổ hội đã trực tiếp tham gia vào các tổ hòa giải ở cơ sở, qua đó góp phần giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có BLGĐ tại cơ sở.
VINH ANH