Hạn chế bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Cần cái "bắt tay"

DIỄM LỆ 12/01/2016 10:22

Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) năm 2015 tiếp tục bội chi hơn 89 tỷ đồng, nhiều cơ sở KCB BHYT đã vượt trần, vượt quỹ KCB; đây là khó khăn lớn trong việc cân đối và sử dụng Quỹ KCB BHYT tại tỉnh. Cái “bắt tay” chặt chẽ giữa ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế, giữa các cơ sở KCB BHYT thực sự cần thiết vào lúc này.

Vượt trần, vượt quỹ

Theo BHXH tỉnh, tính đến đầu tháng 12.2015, Quảng Nam có hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT (tăng hơn 1,14 lần so với năm 2014), chiếm 86,81% dân số, tăng hơn 4,71% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2015 toàn tỉnh có 3,3 triệu lượt người KCB BHYT tại 38 cơ sở y tế (hợp đồng với BHXH), với tổng chi phí hơn 881 tỷ đồng, trong khi Quỹ KCB BHYT của tỉnh chỉ có hơn 792 tỷ đồng. Ông Bùi Duy Thành - Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh) cho biết: “Qua quá trình giám định, chúng tôi xác nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến âm quỹ là vì tình trạng vượt trần, vượt quỹ KCB phổ biến ở các cơ sở y tế, và đây là một khó khăn lớn trong việc cân đối và sử dụng Quỹ KCB BHYT tại tỉnh. Tình trạng này xuất phát từ việc chưa kiểm soát hết trường hợp mượn thẻ BHYT đi KCB, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng và thuốc men còn rộng rãi”. Ông Thành phân tích thêm, các xét nghiệm cận lâm sàng rộng rãi như xét nghiệm nhiều lần, nhiều loại xét nghiệm cho một lượt KCB; chỉ định, sử dụng một số xét nghiệm chưa thật sự cần thiết theo yêu cầu chuyên môn, mục đích kiểm tra, thăm dò bệnh tật (phổ biến là các xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa, siêu âm, X quang kỹ thuật số, CT scanner, MRI …). Việc kê thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật chưa đúng với định danh hoặc không phù hợp với mức giá thanh toán theo quy định đã ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT của người bệnh và gia tăng chi phí KCB BHYT.

Sử dụng dịch vụ kỹ thuật đúng từ đầu sẽ giảm xuất toán cho bệnh viện. Ảnh: D.LỆ
Sử dụng dịch vụ kỹ thuật đúng từ đầu sẽ giảm xuất toán cho bệnh viện. Ảnh: D.LỆ

Qua kiểm tra của cơ quan BHXH và ngành Y tế tại các cơ sở KCB, một số chứng từ thanh toán có chỉ định sử dụng thuốc còn rộng rãi, chỉ định nhiều loại thuốc trong một đơn thuốc, chỉ định sử dụng một số thuốc không phù hợp với yêu cầu sử dụng bắt buộc trong một số bệnh lý theo quy định của Bộ Y tế. Cơ sở KCB vẫn còn kê thanh toán thêm một số thuốc, dịch truyền và vật tư y tế (như thuốc gây tê, bơm tiêm dưới 10ml, băng, gạc y tế... trong điều trị nội trú), trong khi các vật tư y tế này đã được thanh toán trong chi phí phẫu thuật, thủ thuật, chi phí ngày giường bệnh. Tại trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế xã đã có tình trạng sử dụng rộng rãi thuốc nhóm vitamin, khoáng chất và có trường hợp chỉ định sử dụng nhiều loại vitamin cho một đơn thuốc đã gia tăng chi phí thuốc BHYT. Một số cơ sở KCB BHYT thực hiện việc cung ứng thuốc chưa phù hợp với kế hoạch đấu thầu nên xảy ra tình trạng tồn đọng thuốc chưa được sử dụng hết, có nơi vừa thiếu và vừa thừa thuốc; trạm y tế xã thực hiện quản lý, theo dõi xuất nhập thuốc chưa chặt chẽ, không lưu chứng từ hoặc sổ theo dõi xuất nhập thuốc. Ngoài ra kê sai giá thuốc, chênh lệch số lượng thuốc sử dụng cho người bệnh với số lượng thuốc xuất, nhập, thuốc tồn ở trạm y tế… đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí KCB BHYT tại đơn vị.

“Bắt tay” ra sao?

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo ở các cơ sở KCB BHYT, vượt trần, vượt quỹ có thể kiểm soát được nếu có sự phối hợp quản lý giữa 2 ngành BHXH và Y tế cũng như giữa các cơ sở KCB trong tỉnh chặt chẽ hơn. Ông Thân Trọng Long - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nói: “Quan hệ KCB BHYT giữa bác sĩ và bệnh nhân ngày càng tốt hơn là điều đáng mừng, nhưng làm sao để hài hòa giữa bác sĩ, bệnh nhân và Quỹ KCB là điều khó. Bác sĩ liên tục cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới để chữa trị cho bệnh nhân, người bệnh thì lúc nào cũng muốn được điều trị tốt nhất, mà nếu như thế thì ảnh hưởng Quỹ KCB và bị xuất toán. Theo tôi các bệnh viện cần “bắt tay” nhau, tuyến dưới nếu thấy không đủ năng lực thì chuyển lên tuyến trên xử lý ngay, không nên giữ bệnh vừa phiền lòng bệnh nhân vừa không xử lý được. Khi chuyển tuyến trong tỉnh, bệnh nhân không phải tự lên tuyến trên để khám dịch vụ, tránh thiệt thòi cho bệnh nhân”.

Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho rằng, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, thuốc men làm sao phải có sự thống nhất giữa cơ sở KCB và giám định BHYT. Ông Vinh nói: “Làm bác sĩ thì chỉ lo làm sao cho đúng với bệnh nhân của mình chứ không phải lạm dụng gì. Tôi đề nghị cần nhanh chóng triển khai phần mềm giám định mới để áp dụng. Có phần mềm, khi kê thuốc, kê dịch vụ kỹ thuật chỉ cần áp theo là biết cái nào được dùng, cái nào không được dùng, sau này đỡ xuất toán, không lo bệnh nhân thắc mắc, không lo vượt trần, vượt quỹ”. Còn ông Trần Văn Ân - Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Đức bày tỏ nỗi băn khoăn khác: “Nhìn vào nguyên nhân vượt quỹ, có thể thấy tình trạng bệnh nhân đi ra khỏi tỉnh khoảng 30%, có đến 241 tỷ đồng chi cho ngoại tỉnh. Các bệnh viện trong tỉnh dù công hay tư cũng cần phải lo lắng về điều này. Chúng ta cần suy tính, “bắt tay” lẫn nhau để giữ bệnh nhân ở với mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao điều kiện cơ sở, chất lượng phục vụ, trình độ của đội ngũ y - bác sĩ. Có như thế mới giữ bệnh nhân ở trong tỉnh, nguồn chi phí từ Quỹ KCB giữ lại để giúp cho chính chúng ta”. Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Bệnh viện Thái Bình Dương cũng khẳng định, khi người dân tin tưởng vào chất lượng, uy tín của chính cơ sở KCB và của bác sĩ điều trị họ sẽ ở lại. Theo ông Việt, các bệnh viện trong tỉnh cần ngồi lại, bàn bạc xem mỗi bệnh viện có khả năng, thế mạnh làm được dịch vụ gì tốt nhất, giới thiệu cho nhau để rồi khi chuyển tuyến biết nơi nào có dịch vụ bệnh nhân cần mà chuyển đến. Như thế sẽ hạn chế việc bệnh nhân đi điều trị ngoại tỉnh.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạn chế bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Cần cái "bắt tay"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO