Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất

TRẦN NGUYỄN 05/07/2016 08:34

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX sắp đến, UBND tỉnh sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trình HĐND với quan điểm chung là triển khai nghiêm ngặt quản lý đất đai theo quy hoạch.

Đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung yếu sẽ được quản lý nghiêm ngặt hơn. Ảnh: TRẦN NGUYỄN
Đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung yếu sẽ được quản lý nghiêm ngặt hơn. Ảnh: TRẦN NGUYỄN

Theo kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020, thì dẫn đầu về tăng diện tích so với chỉ tiêu ban đầu là đất trồng cây lâu năm với hơn 241%, đất nuôi trồng thủy sản 146,69%. Ngược lại, các loại đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất giảm không đạt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT lý giải, đất trồng lúa tăng khá cao so với quy hoạch được duyệt là do thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, thống kê đất lúa đưa vào ổn định sản xuất tại các huyện miền núi và tăng do số liệu kiểm kê đất đai năm 2015. Thêm nữa, đất trồng cây lâu năm tăng do phát triển các loại cây lâu năm, phát triển kinh tế trang trại và tăng do số liệu kiểm kê đất đai năm 2015. Đất nuôi trồng thủy sản có chỉ tiêu thực hiện cao nguyên nhân chủ yếu là vì thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt còn thấp. Trong khi đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tỷ lệ thực hiện thấp tập trung ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cho hoạt động khoáng sản.

Ông Viễn cho rằng, về nội dung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh tập trung vào một số loại đất chuyên trồng lúa nước, đất khu - cụm công nghiệp, đất thương mại – dịch vụ, đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất phát triển hạ tầng. Các loại đất khác cũng có điều chỉnh nhưng thay đổi không nhiều. Về chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ kế hoạch (2016-2020) từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (chuyển đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng) cao hơn so với chỉ tiêu Chính phủ phê duyệt (tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 13.6.2016), ông Viễn giải thích,  do giai đoạn này có nhiều dự án đầu tư tại vùng đông, dự án giao thông, du lịch, khu đô thị ảnh hưởng đến đất sản xuất nông lâm nghiệp.

Về giải pháp sử dụng đất hiệu quả, Sở TN&MT kiến nghị, cần có cơ chế chính sách thông thoáng, thu hút đầu tư, nhất là khu vực TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và vùng đông của tỉnh. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai như giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép đầu tư, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Quản lý nghiêm ngặt đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xung yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, giai đoạn 2016-2017 cần xem lại các chỉ tiêu sử dụng đất cho phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, phân bổ kế hoạch sử dụng đất phải hài hòa giữa các năm. Quán triệt các ngành, địa phương điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh, bổ sung  kế hoạch sử dụng đất ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất phải gắn với kế hoạch phân bổ vốn để đảm bảo tính khả thi, tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Cơ quan quản lý cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương thực hiện tốt việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý thêm.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO