Hạn chế trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh

THÁI BÌNH 21/11/2018 07:01

Hàng năm, lượng phế thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh rất lớn, nếu được tận dụng làm phân hữu cơ vi sinh không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp mà còn giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Nông dân phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ dùng bèo để làm phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: T.B
Nông dân phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ dùng bèo để làm phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: T.B

Sông Bàn Thạch đoạn chảy qua phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ bị một lớp bèo tây bao phủ khắp bề mặt với diện tích hơn 30ha, gây cản trở dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Được tập huấn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh do Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN tỉnh (thuộc Sở KH-CN) tổ chức chuyển giao. Đến nay, nhiều hội viên nông dân ở khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, đã tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo lục bình. Để sản xuất phân hữu cơ từ bèo lục bình, bà con còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cấp máy cắt bèo, nên quá trình sản xuất phân vi sinh trở nên thuận tiện hơn. Ông Trần Văn Soạn, cán bộ Ban Kinh tế phường Tân Thạnh cho hay: “Hội Nông dân và Ban Kinh tế phường tích cực vận động nhân dân áp dụng cách làm này để bón cho đồng ruộng, cây màu, cây cảnh. Tuy lượng bèo gom lại để làm phân hữu cơ chưa nhiều nhưng bà con vẫn làm để thu gom bớt lượng bèo trên sông Bàn Thạch”. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thạnh cho biết: “Chúng tôi đã hai lần tổ chức hội thảo, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 60 hộ nông dân để họ nắm bắt vấn đề này. Sản xuất phân hữu cơ vi sinh mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng có điều với diện tích bèo đang phát triển nhanh trên sông Bàn Thạch hơn 30ha thì rõ ràng là quá lớn với sức của nông dân”.

Tuy có những mặt thuận lợi nhưng bà con vẫn chưa mặn mà với cách làm mới này. Lý do bởi người dân chưa có thói quen sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay thế phân bón hóa học và điều quan trọng là không có đủ men ủ vi sinh. Hiện nay, mỗi năm Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN tỉnh sản xuất được 7 tấn chế phẩm men ủ vi sinh, chủ yếu phục vụ thực hiện mô hình trình diễn sản xuất phân hữu cơ vi sinh ở các địa phương. Bà Mai Thị Thúy Hồng - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và tư vấn KH-CN (thuộc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH-CN tỉnh) cho biết: “Phía trung tâm đã nhìn thấy mặt hạn chế trong quá trình chuyển giao kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm đang thiếu đội ngũ tiếp thị, quảng bá sản phẩm này rộng rãi ra ngoài thị trường nên mới chỉ sản xuất phục vụ các mô hình trình diễn, chưa thể sản xuất với số lượng lớn”.

Việc thiếu nguồn cung cấp chế phẩm men ủ vi sinh là nguyên nhân chính làm cho người nông dân khó áp dụng kiến thức sản xuất phân hữu cơ trong thực tế. Theo ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, xu thế tất yếu trong thời gian tới không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả nước chính là phát triển nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, rồi nông nghiệp công nghệ cao. Cho nên việc sử dụng phân hóa học cần giảm đến mức thấp nhất mà cần chuyển sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh có phối hợp với Sở KH-CN chuyển giao công nghệ này cho hơn 4.000 hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên hạn chế của chương trình chuyển giao làm phân hữu cơ vi sinh thời gian qua chính là việc thiếu nguồn chế phẩm men ủ vi sinh. Nguồn chế phẩm này sản xuất ra số lượng có hạn, không được bày bán rộng rãi trên thị trường nên bà con nông dân rất khó tìm mua để áp dụng sản xuất phân hữu cơ” - ông Thẩm nói.

THÁI BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạn chế trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO