Hẳn là phố cũng thấy buồn...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 28/08/2016 06:22

Thành phố của tôi những tháng ngày này hẳn rất nhiều người chung một nỗi buồn. Ngôi trường viết văn Nguyễn Du mà tôi và nhiều văn nhân khác gửi gắm cả quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất của mình, đã bị phá bỏ để xây dựng lại. Ngôi nhà văn chương ấy được xây dựng năm 1995. Trải qua hai mươi mốt năm cùng với bao thăng trầm của đời sống hiện đại ngoài kia. Ngôi nhà vẫn là “chốn thiêng” của người viết văn, là nơi tu nghiệp của hàng trăm học viên trong suốt mười bốn khóa. Trong số họ có những nhà văn, nhà thơ danh tiếng. Hẳn họ sẽ không bao giờ quên được ngôi nhà ngói đỏ được xây dựng với kiến trúc giống như một ngôi chùa. Các học viên vừa học tập vừa sinh hoạt trong khuôn viên đó. Đối với chúng tôi thì từng nhành cây ngọn cỏ ở nơi đây đều có ý nghĩa để tồn tại. Từ giàn hoa giấy rũ xuống một khoảng sân bốn mùa lá tươi xanh, hoa nửa bồi hồi đỏ hồng như màu tim nửa trắng trong như tâm hồn thi sĩ. Những ngày nắng hoa rực rỡ cả một khoảng trời. Ngày mưa gió tơi bời cánh hoa cũng như lòng người tan tác rơi dưới chân ai. Phòng tôi ở nhìn thẳng ra giàn hoa. Có những đêm nhớ nhà hoa như cũng khóc. Rồi biết bao bài thơ câu văn đã được viết trong những đêm ngồi trên sân thượng ngắm trăng. Có đàn, có hoa, có rượu, có những tâm tình trao gửi cho nhau…

Nơi ấy thân thuộc và ấm áp đúng nghĩa một ngôi nhà. Từ bác bảo vệ già coi chúng tôi như con cháu. Chiều chuộng theo cái tính nghệ sĩ có nhiều lúc ngông cuồng. Bác thuộc tên từng đứa, nghe tiếng lạch cạch ban đêm là biết đứa nào về để dậy mở cửa. Bác cùng chúng tôi thức đợi hoa quỳnh nở, xem một trận đá bóng… Nhiều lúc nhìn bác chăm chút, tưới tắm cho hoa lá trong trường cẩn thận như chăm con trẻ. Nghĩ về bác bảo vệ già là nghĩ đến những con người của phố lấp ló đâu đó trong đời sống của chúng tôi. Từ cái chợ cóc sau trường có chị bán rau lúc nào cũng bán giá mềm cho sinh viên. Đến quán trà ấm nóng những ngày đông bạn bè văn chương ngồi bên nhau bàn về một cuốn sách hay, một bài thơ đẹp. Anh hàng xóm bị điên vì tình ngày nào cũng giả tiếng chim hót ngoài cửa sổ. Chúng tôi đã thôi không tò mò ngó dòm anh mỗi ngày. Đã có lần ước ao vá lành vết thương tâm hồn ấy.

Hôm nay khi nhìn thấy bức ảnh ngôi nhà thiêng của chúng tôi đang bị phá bỏ, hẳn rất nhiều trái tim thấy nhói đau. Dù biết rằng trải qua nhiều năm tháng ngôi nhà văn chương đã xuống cấp vì dột nát, ngập lụt và mối mọt. Việc sửa chữa đã trở nên cần thiết thậm chí là cấp thiết. Và việc thay đổi này cũng sẽ phù hợp với hướng đào tạo mới của khoa. Các học viên được học tập trong một không gian mới với các thiết bị hiện đại hơn. Nhưng vẫn không thể kìm lòng khi nhìn thấy bản vẽ phối cảnh công trình mới chẳng còn chút dáng dấp gì của ngôi nhà cũ. Nên những kẻ ưa hoài niệm như chúng tôi làm sao tránh khỏi cảm giác không còn chốn để trở về. Hỡi hoa giấy, hoa quỳnh. Hỡi sân thượng đầy gió. Hỡi những căn phòng ký túc ngập tràn kỷ niệm…

Hẳn là phố cũng thấy buồn khi một ngôi nhà thay áo mới. Giống như nỗi buồn chặt đi một thân cây. Bởi chúng đã tồn tại và nếm trải cùng phố những thăng trầm của nhịp sống mỗi ngày. Góp vào phố một sắc màu, một thanh âm. Nên những ngày này thấy thương mình và cũng thương phố quá…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hẳn là phố cũng thấy buồn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO