(QNO) - Hội thảo du lịch ASEAN - Hàn Quốc 2023 nhằm tìm kiếm các giải pháp mới cho phát triển du lịch bền vững vừa diễn ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Tham gia hội thảo gồm các nhà hoạch định chính sách du lịch và chuyên gia trong ngành từ 10 quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Hae-yong - Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC) nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong khu vực ASEAN và sức hấp dẫn ngày càng tăng của ngành đối với du khách đến từ Hàn Quốc.
"Tại ASEAN, ngành du lịch đóng góp hơn 14% GDP và cung cấp 13% việc làm trước đại dịch COVID-19. Đặc biệt, khách du lịch Hàn Quốc đến thăm các nước ASEAN mang về Hàn Quốc nền văn hóa phong phú của ASEAN, từ ẩm thực cho đến các hiện vật truyền thống" - ông Kim Hae-yong nói.
Tương tự, khi văn hóa Hàn Quốc tiếp tục phổ biến ở ASEAN, ASEAN cũng ngày càng gần gũi hơn với Hàn Quốc.
Ông Songkane Luangmuninthone - Đại sứ nước CHDCND Lào và Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Seoul lưu ý về vai trò của chuyển đổi kỹ thuật số trong việc thay đổi hành vi du lịch tại khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.
Đặc biệt, các nước thành viên ASEAN và các đối tác cần có sự tham gia của cộng đồng để phát triển du lịch địa phương.
"Du lịch dựa vào cộng đồng không chỉ tăng thu nhập địa phương mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế về một nền văn hóa khác, sự kết nối lớn hơn với con người và điểm đến" - ông Songkane Luangmuninthone cho biết.
Theo xu hướng toàn cầu, khách du lịch lựa chọn ASEAN và Hàn Quốc đang ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, chân thực và thân thiện với môi trường.
Đại diện ngành du lịch Brunei chia sẻ ưu tiên chỗ lưu trú thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh quảng bá văn hóa địa phương về giảm thiểu tác động đến môi trường.
Campuchia trình bày cách thực hiện các tiêu chuẩn du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút nhiều khách du lịch hơn.
Indonesia đưa các chính sách du lịch bền vững vào kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm, trong đó hỗ trợ phát triển dịch vụ thân thiện môi trường và du lịch chăm sóc sức khỏe.
Lào tập trung vào du lịch sinh thái như một cách tiếp cận bền vững với trọng tâm là kết hợp vẻ đẹp tự nhiên, di sản văn hóa và sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Ngành du lịch sinh thái của Malaysia triển khai Kế hoạch du lịch sinh thái quốc gia 2.0 và Chính sách du lịch quốc gia 2020 - 2030 nhằm cân bằng lợi ích kinh tế của du lịch và bảo vệ môi trường.
Điểm đến Cebu nổi tiếng ở Philippines giới thiệu cách phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, tập trung vào du lịch bền vững.
Chiến lược du lịch bền vững của Singapore phù hợp với Kế hoạch xanh Singapore 2030. Singapore cũng nhấn mạnh cách tiếp cận đa bên, kết hợp nỗ lực của chính phủ với các sáng kiến cộng đồng để phát triển du lịch bền vững.
Việt Nam giới thiệu các hoạt động du lịch bền vững tập trung vào sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đối với cộng đồng thiểu số khu vực miền núi trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số. Trong khi đó, Thái Lan chia sẻ về sáng kiến du lịch các bon thấp...