Hàng giả, hàng nhái

C.B.L 27/07/2018 09:10

Vụ tạm giữ 5.000 sản phẩm của chuỗi siêu thị Con Cưng (Công ty CP Con Cưng) do không minh bạch nguồn gốc, nhãn mác, không xuất trình được hóa đơn hàng hóa và nhiều sai phạm khác khiến người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ có con nhỏ lâu nay vốn chọn nhãn hiệu này lo ngại. Nhiều sản phẩm do nước ngoài sản xuất (chưa rõ xuất xứ) hoặc sản phẩm của các nhãn hàng khác nhau bị cắt bỏ, thay thế tem nhãn khiến người mua nhầm lẫn của thương hiệu Concung.com. Thành phần trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ em - đối tượng chính sử dụng hàng hóa của Con Cưng? Mọi việc chỉ mới dừng lại ở khâu kiểm tra, tạm giữ nên chưa có câu trả lời.

Tiếp đến, vụ siêu thị Mumuso Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) dù quảng cáo là hơn 80% sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì có tới 99,3% ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Mánh khóe thường được doanh nghiệp sử dụng là cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác theo kiểu mập mờ để đánh lừa người tiêu dùng. Những trường hợp tương tự như vậy, nếu đổ cho tâm lý sính hàng ngoại, e không thỏa đáng. Hàng Việt chất lượng cao ở đâu trong cuộc cạnh tranh này, về chất lượng, mẫu mã, giá cả và chiến lược truyền thông… để người tiêu dùng chọn lựa ngay mà không cần đắn đo?

Ở Tam Kỳ, thử dạo một vòng và cẩn thận xem xét, sẽ thấy chuyện này không phải chỉ có ở thành phố lớn. Đơn cử như nhãn hàng áo quần V.T: tem nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc ở trong, bên ngoài gắn nhãn cửa hàng phân phối hoặc công ty nhập khẩu của Việt Nam. Người mua không xem kỹ, sẽ cho rằng mình mua hàng trong nước.

Còn nhớ vụ chuỗi cửa hàng Khaisilk bán đồ Trung Quốc đội lốt lụa Việt chất lượng cao gây bão dư luận hồi cuối năm ngoái. Bùng lên dữ dội với rất nhiều thông tin sẽ xử lý, các sai phạm được cho là đề nghị truy tố theo Bộ luật Hình sự, vân vân và vân vân. Nhưng rồi chìm nghỉm, đến nay chưa thấy thông tin gì tiếp theo. Bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, bị lực lượng chức năng phát hiện và rồi rơi vào quên lãng như vậy? Còn bao nhiêu kiểu treo đầu dê… không phải trên thương trường nhưng cũng đang làm đảo lộn giá trị chuẩn mực trong ngành giáo dục, mà sai phạm thi cử đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp được công bố những ngày qua ở Sơn La, Lạng Sơn là ví dụ.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao chấm dứt tình trạng này? Hay xuân thu nhị kỳ, cứ tới đợt kiểm tra là lại xới lên rồi bỏ đó, không xử lý dứt điểm; và hệ quả là niềm tin của người Việt bị bào mòn đến nhẵn đi. Người xưa có câu “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, ý nói rằng người không giữ chữ tín thì không làm việc gì được. Nên có lẽ, căn cốt vấn đề là phải quay lại học chữ TÍN. Học và hành chữ tín, để đừng bất tín và bội tín giữa người với người, ở mọi chỗ mọi nơi, không riêng chi thương trường, may ra hàng giả hàng nhái mới không còn đất sống.

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hàng giả, hàng nhái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO