(QNO) - Các công ty Trung Quốc nối gót các nhà máy đa quốc gia tại nước này tìm điểm đến mới, trong đó có Việt Nam.
Tờ Nikkei Asia Riview (Nhật Bản) số ra ngày 12.8 cho hay, kể từ tháng 6.2019, 33 công ty đã được niêm yết trên sàn chứng khoán có thông báo với 2 sàn chứng khoán của Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hay mở rộng sản xuất của họ ở nước ngoài.
Gần 70% trong tổng số 33 công ty có thông báo trên nói đích đến ưa thích của họ là Việt Nam, trong khi các công ty còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Ví như, vào ngày 19.7 vừa qua, nhà máy sản xuất các mặt hàng cao su Jinhua Chunguang (trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) thông báo sẽ đầu tư 4,35 triệu USD để thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Jinhua Chunguang hiện có 3 nhà máy tại Malaysia, Trung Quốc và cho biết chọn đến Việt Nam là một phần trong kế hoạch đầu tư toàn cầu của họ “trước những sự thay đổi trong môi trường quốc tế”.
Zhejiang Henglin Chair Industry cũng có trụ sở tại Chiết Giang đang hướng về Việt Nam - nơi công ty này đã mua được một nhà máy đến từ Đài Loan với 48 triệu USD để gia tăng sản xuất. Ban điều hành của công ty cho hay, công ty nội thất Ikea của Thụy Điển và Nittori của Nhật Bản nằm trong số khách hàng của công ty.
Nikkei Asia Riview viết, mặc dù có sự hiện diện của nhiều công ty dệt may tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực này cũng quyết định mở rộng sản xuất tại đây.
Huafu Faship công bố hồi tháng 12.2018 rằng họ đang đầu tư 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu USD) để xây một nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất len cuộn này nói thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam sẽ cho phép công ty có nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn, giảm chi phí lao động và tránh rủi ro hàng rào thuế quan.
Jiangsu Xinquan Automotive Trim hồi tháng 5.2019 thông báo sẽ rót 64,4 triệu ringgit (15 triệu USD) vào Malaysia.
Chi phí sản xuất gia tăng, trong đó số liệu từ Tổ chức Lao động quốc tế, mức lương của lao động Trung Quốc đã tăng tới 44%, chạm mốc 6.193 nhân dân tệ/tháng (hơn 20 triệu đồng) trong 5 năm qua. Con số này cách biệt khá lớn với mức tăng 30% của Việt Nam, 28% của Malaysia và 11% của Mexico trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, Rajiv Biswas - nhà kinh tế thuộc hãng phân tích toàn cầu HIS (trụ sở tại Singapore) nhận định, mức lương cạnh tranh đó không chỉ là điều để thu hút các nhà đầu từ nước ngoài vào Việt Nam hay các nước khác. Đó còn nhờ vào lực lượng lao động lành nghề, được đào tạo bài bản, cơ sở hạ tầng tốt và một mạng lưới của các hiệp định thương mại tự do (FTA) vững mạnh như FTA trong Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là các yếu tố hấp dẫn khác.
Hơn nữa, việc hàng loạt công ty tại Trung Quốc đã và có kế hoạch rời Trung Quốc để tránh thuế quan từ Mỹ trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung gia tăng đặt ra nhiều thách thức cho các nước sở tại. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Chính phủ Việt Nam phải đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn các sản phẩm Trung Quốc được dán nhãn hàng Việt Nam sản xuất sang Mỹ”.
Hay trước làn sóng chỉ trích các dự án của Trung Quốc tại Malaysia vì nhập khẩu thiết bị và nhân sự từ Trung Quốc, một nhân sự Văn phòng Thương mại Malaysia nói: “Malaysia chỉ chào đón đầu tư từ Trung Quốc với chuyển giao công nghệ, sử dụng năng lực và nhân sự địa phương thay vì các nhân công từ Trung Quốc”.