Hàng rào

LỆ HẰNG 29/10/2023 11:53

“Người ta không nói cứ tưởng hiền rồi lấn tới”. 

Tôi nghĩ khi dừng đèn đỏ ở ngã tư chuẩn bị rẽ về nhà. Nắng vẫn chưa tắt, mồ hôi đổ ra tươm tướp sau lưng áo, lâu lắm mới có bữa xong việc sớm thế này nhưng tôi không muốn la cà đâu cả, hôm nay tôi nhất định phải về giải quyết tay hàng xóm ở bên kia hàng rào. Đúng là ở đời càng nhịn càng thiệt, càng nhịn càng cay.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới thuê được cái nhà nguyên căn, một phòng khách, một phòng ngủ, bếp và sân. Đặc biệt cái sân. Thực ra chỉ là một khoảnh đất bé tẹo có cái hàng rào được dựng để ngăn cách với nhà bên.

Vợ chồng tôi thích nó vì ít ra cũng có tí bầu trời, mấy năm rồi chúng tôi thuê nhà trọ hết khu này đến khu kia, căn này sang căn nọ chẳng bao giờ có cái gì gọi là cửa sổ hay khoảng trời.

Chúng tôi lớn lên ở quê, ngót nghét nửa đời người quen với đồng không mông quạnh, gió vào nhà trước, gió ra nhà sau, mở mắt là thấy trời, ấy thế mà vào đây lúc nào cũng chỉ bốn bức tường nhưng nhức quây quanh. Vì thế, khi thấy căn nhà này treo bảng cho thuê cô ấy không thể rời mắt khỏi nó.

Nhà nguyên căn dù có bé tẻo teo thì vẫn tốn kém hơn phòng trọ công nhân nhưng đã quyết tâm rồi nên chơi tới luôn. Giờ nhớ lại vẫn không thể quên cảm giác trong buổi sáng đầu tiên ấy, khi vợ tôi mở cửa và bao nhiêu ánh sáng từ khoảng trời đổ thẳng vào phòng. Nhà hướng đông, sáng nào chúng tôi cũng được đằm mình trong một chút khí trời, một chút không gian, một chút nắng nôi đắt đỏ ấy trước khi vào ca.

Một ngày, tôi mở mắt ra không thấy khoảng trời lồng lộng của mình đâu nữa, chỉ thấy mấy thứ to có nhỏ có hình thù không giống nhau, cái thì đứng im, cái phất phơ qua lại, bóng hắt qua hiên đổ vào phòng nguệch ngoạc. Vợ tôi khó chịu lắm, cô ấy đi ra đi vào tới mấy lượt mà không làm gì được.

Cái hàng rào ấy là chung giữa hai nhà, họ căng dây để phơi phóng áo quần, ai cấm? Nhà họ vừa mới chuyển đến đây tuần trước, nghe đâu hai vợ chồng buôn bán ở chợ, sớm tinh mơ đã không thấy mặt mũi đâu. Đành ngậm ngùi nhìn mớ hổ lốn trước mặt mà ôm cái bực vào mình.

Mấy lần khi chạm mặt nhau vào chiều muộn, tôi có ý nói về sợi dây phơi trên hàng rào ấy, tôi gợi ý xa gần rằng không gian này nằm ngay mặt tiền của ngôi nhà, nên chăng giữ cho thoáng đẹp như bộ mặt của mình. Nhưng họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu cứ một mực bảo có thấy khó chịu gì đâu, đã bỏ tiền thuê nhà nguyên căn để ở cho đã thì tận dụng được cái gì hãy tận dụng, vậy mới đáng đồng tiền bát gạo.

Một bữa, vợ tôi nghe được nhà bên ấy cứ phải phơi áo quần như thế bởi nghiền mùi nắng, những bộ đồ ướp hương nắng khiến họ vui vẻ khỏe mạnh yêu đời hơn chăng? Nhà ấy sống đơn giản, sáng tinh sương ra chợ buôn thúng bán bưng gì đó trưa thì về lăn ra ngủ chiều lại hát karaoke, nghêu ngao như ta đây giang hồ tiếu ngạo một đời tiêu dao. Cũng có khi như bọn dở hơi. Nói chung là tôi không ưa. Sau dạo ấy vợ tôi căng sợi dây phơi lên hàng rào, chúng tôi cũng phơi đồ.

Chỉ là phơi đồ thôi nhưng có vẻ bây giờ chuyện nghiêm trọng hơn rồi khi hai nhà tranh nhau mấy mét vuông của hàng rào. Có bữa cái áo trắng của vợ tôi bị gió tấp vào đồ của họ, vậy là nhem nhuốc hết cả. Bực bội nhưng không thể làm gì, cái áo trắng của vợ tôi không có tội, hẳn rồi và cái áo màu chết tiệt của họ cũng thế.

Chiều tối hôm ấy nghe nhà họ hát karaoke mà sôi máu, lần đầu tiên tôi phải gọi với sang bảo nhỏ nhỏ cho hàng xóm sống với, ca gì ca mãi ca hoài. Đâu phải ai cũng thảnh thơi sung sướng được như họ, chúng tôi quần quật cả ngày mới đủ tiền trang trải, mới thuê được cái nhà này.

Sau dạo ấy, chúng tôi phải đưa ra vài thỏa thuận nho nhỏ với nhà bên ấy. Hàng rào là của chung, vậy thì nhà tôi một nửa, bên ấy một nửa. Chúng tôi không ngầm đặt ra ranh giới nữa mà nói rõ luôn. Nhưng thỏa thuận chỉ có hiệu lực với phía nhà tôi, còn bên ấy thì sáng nào dậy cũng thấy banh chành một mớ ra đó, nhất là ba hôm nay.

Không hiểu họ nghĩ gì mà phơi ra hết bòng bong dây nhợ dép giày… Có cả thảm chùi chân, khăn lau và mấy thứ chi chi đó nữa. Nghĩ mà xem, mở mắt ra thứ mình trông thấy không phải một khoảng trời mà là mấy thứ nhếch nhác tạp nham kia, có bực không chứ?

Nên hôm nay tôi về nhất định sẽ dẹp yên cái nạn phơi phóng vô ý vô tứ kia. Sống mà chỉ biết bản thân, nhà mình, đồ của mình thôi thì lên rừng mà sống. Tôi điên lắm rồi. Vợ tôi cũng thế. Cô ấy bảo tối nay sẽ qua nhà đó làm một trận, có chửi nhau hay có phải quýnh lộn thì lần này cũng phải nói. Nhất định phải nói.

 Họ thấy mình hiền cứ lấn tới. Tôi bảo cô ấy cứ để đó cho tôi, chiều tôi về sớm. Thật, lúc sáng mà họ có nhà chắc tôi không kìm được cái sự bực dọc đang ngứa ngáy chích chọt trong óc mà lao sang quật cho một trận.

Hàng xóm với nhau, đừng hỏi vì sao sinh sự, không cần phải chờ tới chuyện to như con bò mộng mới nổi đóa lên mà phát khùng là vì ba cái vặt vãnh nhưng ngày nào cũng lặp đi lặp lại, mở mắt ra là đã mất hết cảm hứng sống rồi. Còn cái ngã ba nữa là về tới hẻm vào nhà, hãy đợi đấy…

*
*        *

Trời vẫn còn nắng nhưng chẳng thấy gì trên hàng rào cả, chỉ có vài bộ đồ vợ tôi treo sát hiên nhà để tránh mấy thứ bê bối dơ dáy kia. Hôm nay cũng chẳng có ai hát karaoke.

Lạ thật, thường tôi về muộn vẫn thấy họ phơi đồ ở đó, còn cái loa kẹo kéo thì ngày nào chẳng phát hết công suất. Họ hát hay, tôi công nhận. Ngày đầu tiên tôi thấy hay. Ngày thứ hai tôi nghĩ cũng vẫn hay. Ngày thứ ba tôi thấy tạm chấp nhận được. Ngày thứ tư tôi muốn phát điên.

Tôi nhẫn nhịn, tất nhiên là luôn nhẫn nhịn ngoài cái hôm xảy ra sự cố với chiếc áo ấy. Tôi biết có nổi cáu thế nào và nổi cáu bao nhiêu lần nữa thì cũng không thể hoãn cái sự ca hát sung sướng ấy của họ được. Vậy mà hôm nay chẳng có âm thanh nào phát ra từ bên kia hàng rào cả. Lạ thật.

Tôi vào nhà uống cốc nước rồi trở ra hiên nghe ngóng, rồi tới hàng rào lấy áo quần khô đem cất, rồi lại trở ra thêm lần nữa đứng sát hàng rào. Dường như có chút hụt hẫng. Tôi tính hôm nay về nhất định sẽ nói cho ra chuyện, nhưng hàng rào trở nên trống hoác và cả sự im lặng bất thường này khiến tôi hụt hẫng. Bây giờ giả sử máu điên có xộc lên não thì cũng không thể nào mở miệng trong sự yên tĩnh này được.

Tôi đi đi lại lại một lúc thì thấy có chiếc xe tải dừng trước nhà họ. Lúc nãy khi thấy anh ta tất tả đi ra, tôi định nói gì đó mà chưa kịp nhếch môi anh ta đã mất hút ngoài hẻm. Tài xế vào nhà rồi họ lần lượt khuân đồ ra cho lên xe. Bỗng, tôi thấy có chút gì đó như lo lắng.

Họ chuyển đồ lên xe? Họ trả nhà ư? Chuyện gì thế? Tần ngần một lúc, tôi sang bên ấy hỏi họ xem có cần tôi phụ gì không. Và họ cần thật. Vợ và con anh ta không có ở đây, chỉ mình anh ta với tay tài xế dọn nhà. Tôi phụ bưng bê, tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế, ti vi, lỉnh kỉnh đồ đạc. Bất ngờ. Ngỡ ngàng. Bối rối. Tôi biết mình có điều muốn hỏi mà đầu óc cứ như ngôi nhà trống hoác, không một câu hỏi nào thành hình thành dạng để bật ra cửa miệng được.

Mọi thứ đã dọn xong, chợt từ ngoài xe anh ta xách cái loa kẹo kéo vào đưa cho tôi. “Chú cầm lấy, đem về khi nào buồn hát cho vui. Đỡ lắm á. Anh mà không có nó chắc chết queo râu vì buồn từ đời tám hoánh rồi”. “Ơ kìa… anh”.

Tôi không giấu được nỗi bối rối của mình. Tôi thật sự không có thói quen nghêu ngao này dù nhiều khi chiều tối đến lại thấy lòng buồn đến mênh mang vì cảm giác trống vắng, nhất là những hôm trời mưa.

Ở thành phố bao lâu mà vẫn chưa quen được thành phố, vẫn chưa nguôi được nỗi nhớ quê, vẫn thèm day dứt chút bầu trời rộng thoáng hay chút mùi nắng vương trên áo quần khô. Tôi cố giải thích để từ chối món quà bất ngờ đến kỳ cục này nhưng càng nói càng bị anh thuyết phục, càng thấy mình có lý do để nhận nó.

Họ sẽ về quê, về hẳn luôn, từ nay có lẽ không cần đến nó nữa. Tôi chẳng biết có khi nào anh nghĩ lại và tiếc không nhưng trong lúc này tôi thấy anh dường như coi nó là kỷ vật của thành phố và không muốn mang theo. Tôi vui vẻ nhận lấy.

*
*            *

Ba chúng tôi ngồi trước hiên làm điếu thuốc trước khi xe nổ máy. Anh bảo mấy nay công việc khó khăn quá, nghĩ thấy cứ mãi sống cảnh nhà thuê, cứ mãi xoay xở lấy chỗ này đắp chỗ kia thế này cũng không phải cách, mà mẹ già ở quê lại bệnh nặng, vậy là anh quyết định sẽ không làm hàng xóm chung hàng rào với nhà tôi nữa.

Bất chợt, tôi hỏi sao đột ngột thế! Có lẽ không phải chuyện quá đột ngột với gia đình anh nhưng là đột ngột với tôi. Anh cười, bảo ai biết được, ba hôm trước, bà vào viện cấp cứu, đúng lúc nhà cũng sắp đến hạn làm lại hợp đồng thuê.

“...Anh thấy như chú là ngon đấy, còn sức trẻ, hai vợ chồng công việc ổn định. Ráng làm mà mua nhà, cỡ như hai căn này là ngon rồi, nhỉ?”. Anh nói, mắt nhìn qua một lượt cả hai căn chung hàng rào của chúng tôi. Tôi đọc được trong mắt người đàn ông ngày nào cũng thấy mặt nhau nhưng dường như là lần đầu tiên thật sự nói chuyện, thực sự biết nhau này một thoáng buồn lưu luyến.

“Mạnh giỏi nhé”. Anh bắt tay tôi, siết mạnh một cái rồi lên xe. Còn lại tôi với thứ gì đó bất chợt dâng lên trong lòng. Dường như có một hàng rào vừa được cất đi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hàng rào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO