Hăng say lao động, sáng tạo

DIỄM LỆ 31/03/2015 08:32

Những năm qua, trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh phát động, đã có hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm, mô hình hay của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ứng dụng hiệu quả vào thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sôi nổi thi đua

Mỗi công đoàn cơ sở mang đặc thù công việc, vì thế dù là phong trào phát động chung, nhưng mỗi nơi có cách làm phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị mình. Năm năm qua, phong trào “lao động giỏi, lao động sáng tạo” luôn song hành cùng cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ có hiệu quả”. Hưởng ứng phong trào, các cấp công đoàn tham gia tích cực vào công tác cải cách hành chính, giảm được các thủ tục rườm rà, không cần thiết. Hầu hết cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo điều kiện tốt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành và tạo thuận lợi trong liên hệ giao dịch của các tổ chức, công dân, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, kê khai nộp thuế, công tác thu - chi các chế độ bảo hiểm xã hội, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đoàn viên Công đoàn cơ sở Bảo hiểm xã hội Quảng Nam tích cực cải cách thủ tục hành chính, tận tình phục vụ nhân dân. Ảnh: D.L
Đoàn viên Công đoàn cơ sở Bảo hiểm xã hội Quảng Nam tích cực cải cách thủ tục hành chính, tận tình phục vụ nhân dân. Ảnh: D.L

Đặc biệt, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được nữ CBCCVC hưởng ứng tích cực. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến như chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Sở Ngoại vụ), Ngô Thị Nga (Tòa án nhân dân tỉnh), Kiều Thị Long Thúy (Hội Chữ thập đỏ tỉnh)… Con số hơn 5.400 lượt được công nhận danh hiệu “Hai giỏi” cấp cơ sở trong 5 năm qua (2010 - 2014) đã phần nào cho thấy tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và sự linh hoạt trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm đang công việc nội trợ, xây dựng gia đình hạnh phúc của nữ CBCCVC.

Ông Hà Diện - Chủ tịch CĐVC tỉnh cho biết: “Hằng năm, CĐVC tỉnh tổ chức phát động thi đua, đồng thời theo dõi, chỉ đạo thực hiện, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả các đợt thi đua, kịp thời tuyên dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng gương điển hình tiên tiến; nêu lên những hạn chế, thiếu sót để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện. Qua phong trào thi đua đã động viên CBCCVC phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác; nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác thực tiễn; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác”.

Lan tỏa điển hình

Kết quả thi đua trong 5 năm qua, bình quân hằng năm có hơn 92% số CBCCVC đạt tiêu chuẩn “trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”; hơn 6.000 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được các cấp công nhận, trong đó có nhiều sáng kiến đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 90% số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tại hội nghị điển hình tiên tiến (giai đoạn 2010 - 2014) có 117 gương cá nhân, tập thể điển hình được tuyên dương khen thưởng.

Trong công tác nhân đạo từ thiện, cá nhân điển hình 5 năm qua có thể kể đến chị Kiều Thị Long Thúy, cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đảm đương vị trí công tác Phó Chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chị Thúy đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên huấn, thông tin tuyên truyền. Bởi theo chị Thúy, đó là một trong những nội dung, nhiệm vụ nhằm xây dựng tổ chức và phát triển các phong trào của hội. “Việc xây dựng và tăng cường tuyên truyền, vận động người người làm công tác nhân đạo trên Internet là việc làm cần thiết. Trên cơ sở đó, vào năm 2011, tôi tham mưu Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh lập đề án xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử làm công cụ hỗ trợ hoạt động và là kênh thông tin, cầu nối hữu ích giữa cán bộ, hội viên với cộng đồng xã hội” - chị Thúy tâm sự. Qua trang thông tin điện tử của Hội Chữ thập đỏ, những hình ảnh, gương điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo từ thiện… đã tạo được sự lan tỏa về tình người, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với việc chung tay giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, các phong trào, cuộc vận động như “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Hiến máu tình nguyện”... đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được nhiều hiệu quả.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, có thể  kể đến Công đoàn cơ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ông Phạm Ngọc Hà  - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chủ tịch Công đoàn đơn vị cho hay: “Việc thực hiện quy chế dân chủ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh trong những năm qua đã đề cao được vai trò lãnh đạo của đảng ủy, tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trước mọi công việc và quyết định của mình, tăng cường vai trò giám sát của tổ chức công đoàn; phát huy được trí tuệ tập thể, trí tuệ của mỗi CBCCVC trong đơn vị. Vì vậy đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ cơ quan, phát huy được vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong mọi hoạt động của đơn vị, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh”. Nhờ vậy, ngoài nguồn kinh phí được trích lại từ đoàn phí, Bảo hiểm xã hội tỉnh chi hỗ trợ mỗi năm 100 triệu đồng để tổ chức các hoạt động công đoàn; tiết kiệm chi phí quản lý để đảm bảo chi đủ tiền lương tăng thêm cho CBCCVC theo quy định của ngành. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh còn vận động CBCCVC tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, tận tụy phục vụ, không gây phiền hà cho cá nhân, đơn vị đến làm thủ tục bảo hiểm, liên hệ công việc.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hăng say lao động, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO