Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) bên cạnh những cơ hội mở ra là nhiều thách thức cạnh tranh về giá cả, chất lượng hàng hóa đối với doanh nghiệp (DN) Việt nói chung, Quảng Nam nói riêng...
Nhiều thách thức
EVFTA tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, gỗ... với các điều khoản cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Nhiều loại hàng hóa có mức thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các loại hàng hóa khác có mức thuế được áp dụng theo lộ trình của nước tham gia ký kết. Do đó, cơ hội xuất khẩu của các ngành hàng là rất lớn.
EVFTA giúp cho các DN Quảng Nam có điều kiện phát triển, vươn tầm trong khu vực và thế giới. Song, thách thức là không nhỏ khi phải cạnh tranh sòng phẳng với các DN, tập đoàn lớn của thế giới. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh nhỏ và vừa, yếu về vốn liếng đầu tư, thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các EVFTA. Hơn nữa, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn thiếu chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh. Một số DN mới chỉ tồn tại ở mức “vừa làm vừa tính tiếp”.
Đơn cử, đối với mặt hàng nông sản, Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển quy mô sản xuất, xuất khẩu mạnh đến các nước. Tuy nhiên, nhiều DN, đơn vị thuộc lĩnh vực này trong tỉnh vẫn còn sản xuất kiểu manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nhiều điều kiện để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Dưa hấu là mặt hàng nông sản xuất khẩu nổi bật của Quảng Nam nhưng ngoài thị trường Trung Quốc, chưa thể xuất khẩu sang châu Âu vì chưa đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt như truy xuất nguồn gốc.
Tại hội thảo “Phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức tại TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.Đà Nẵng cho rằng, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa khi EVFTA có hiệu lực sẽ đặt ra thách thức, mối lo ngại lớn đến các DN Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Những DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa với năng lực tự sản xuất, tìm kiếm nguyên phụ liệu còn hạn chế sẽ gặp khó khăn về thị trường. DN Quảng Nam còn yếu thế với DN các nước, điểm hạn chế dễ thấy nhất là sự thiếu tính liên kết, chuyên nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, các DN Quảng Nam cần lưu ý, có phương án sản xuất phù hợp để đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa...
Vận động,ứng phó
Theo Sở Công Thương, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sản xuất công nghiệp nói riêng, phục vụ xu thế hội nhập nói chung, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách, các cấp, ngành, DN cần quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo và tại DN.
Theo ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, với EVFTA, sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng như giá cả là vô cùng khốc liệt. Người mua hàng trở thành người kiểm tra, đánh giá và đưa ra yêu cầu cao về tiêu chuẩn hàng hóa. Và đây cũng chính là yếu tố bắt buộc người sản xuất phải tạo ra giá trị mới và đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với áp lực của hội nhập, DN sẽ gặp không ít khó khăn. Việc phát triển các nguyên phụ liệu mới và thân thiện với môi trường dần sẽ trở thành bắt buộc. Sự cạnh tranh về giá cả, các đơn đặt hàng thông minh càng nhiều đồng thời tiêu chuẩn của chất lượng thì càng phải được nâng cao. Do vậy, đây cũng chính là một bài toán mà DN phải “trở mình” thì mới nâng cao sản xuất.
Ông Han Chul Joon cho rằng, để đảm bảo được năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may trước biến động của EVFTA thì trước tiên, cần sử dụng các nguyên phụ liệu dệt may thân thiện với con người, với môi trường và tái chế sử dụng. Đó là sợi Aero Cool, thẻ Heat Tag, sợi các bon, sợi hóa học, vật liệu tái chế, sợi thiên nhiên, vật liệu tái chế... Phải xây dựng hệ thống tự động hóa các trang thiết bị sản xuất để theo kịp tiến độ sản xuất và phát triển của thời cuộc. Việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị máy móc phục vụ ngành dệt may là vô cùng thiết thực. Cần tạo lập môi trường lao động linh hoạt, năng động. Để phát triển ngành dệt may cần có một nguồn lao động dồi dào đáp ứng được cả mùa cao điểm hay mùa thấp điểm. Cuối cùng là bắt buộc DN phải tạo dựng được môi trường đào tạo lao động chuyên nghiệp. Với các giải pháp đó, Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đặt kế hoạch sản xuất 3,6 triệu chiếc áo trong vòng 1 tháng với 12 chuyền may, phục vụ tốt xuất khẩu.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ hội để DN mở rộng thị trường, khách hàng, đối tác cũng như giúp DN giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội còn là tăng khả năng huy động vốn, đầu tư và phân bổ vốn hiệu quả.