(QNO) - Những mặt hàng sản xuất trong nước là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, nhất là ở vùng nông thôn.
Người tiêu dùng tin tưởng
Cuối tuần, chị Trần Thị Minh Hiệp (xã Bình Quế, Thăng Bình) đi mua sắm bánh kẹo Tết tại cửa hàng tiện lợi ở địa phương. Chị Hiệp cho biết, mấy năm nay chị ưu tiên mua bánh kẹo, đồ uống, các loại hạt dẻ, hạt dưa… có thương hiệu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
“Những sản phẩm này chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với sở thích của người thân trong gia đình, bạn bè nên tôi chọn thay vi mua hàng hóa xuất xứ nước ngoài. Hiện nay, nhiều sản phẩm nước ngoài nhưng nguồn gốc không rõ ràng, hàng trôi nổi kém chất lượng” - chị Hiệp nói.
Tương tự, chị Võ Thị Mỹ Nương (xã Tam Đại, Phú Ninh) khi mua sắm quần áo mới cho cả nhà cũng ưu tiên các mặt hàng “made in" Việt Nam. Bà Nương cho biết: “Bây giờ không ít đồ may mặc trong nước chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt không thua kém gì hàng nước ngoài, lại rất bền chắc và giá thành phù hợp với túi tiền nhiều gia đình công nhân như chúng tôi”.
Có tới 76% người Việt Nam chuộng hàng trong nước chất lượng có thương hiệu sau đại dịch COVID-19.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vừa thống kê hơn 90% người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt; 75% khách hàng khuyên gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt.
(Nguồn: Nielsen)
Tại các vùng nông thôn, hàng Việt Nam đang chiếm lĩnh hầu như tất cả các kênh phân phối, bán lẻ, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi…
Bà Trần Thị Huệ (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) - chủ tạp hóa Bốn Huệ cho biết, hàng hóa nhập vào của cửa hàng chủ yếu là bánh kẹo, nước ngọt, bia Việt Nam và các loại nông sản như gạo, đậu, hạt, bún mỳ khô do người dân địa phương làm ra.
“Thị hiếu của người dùng địa phương bây giờ hầu hết là hàng địa phương khi xu hướng chuộng sản phẩm Việt, tin dùng hàng Việt đang lan tỏa” - bà Huệ cho biết.
Chủ một cửa hàng tiện lợi ở vùng nông thôn Phú Ninh, ông Lê Quang Minh (SN1991, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) nhìn nhận, chỉ có mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa thì người dân vẫn còn xu hướng chuộng hàng nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu, Úc... chất lượng tốt. Nhưng các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm thì phần lớn người dân chọn các sản phẩm trong nước nhờ giá thành rẻ và chất lượng tốt.
“Cửa hàng chúng tôi dịp Tết này có đến gần 90% là sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Đối tượng mua sắm chủ yếu là người dân đại phương, công nhân. Họ chọn lựa sản phẩm phù hợp túi tiền, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hầu như ai cũng tiết kiệm các khoản chi tiêu. Và hàng Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu trong dịp mua sắm Tết” - ông Minh khẳng định.
[VIDEO] - Xu hướng mua hàng Việt "lên ngôi" trong dịp Tết Giáp Thìn 2024:
Đẩy mạnh xu hướng dùng hàng Việt
Bưu điện tỉnh Quảng Nam cho biết, để phục vụ Tết, ngành đã triển khai từ sớm chương trình bình ổn giá với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Bưu điện tỉnh chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.
Đơn vị này đã rà soát toàn bộ kho tại các điểm bán, yêu cầu nhập đầy đủ hàng hóa để phục vụ Tết khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết để hỗ trợ cũng như kích cầu người tiêu dùng.
“Phát huy lợi thế sẵn có của mạng lưới 210 điểm phục vụ trên toàn tỉnh và hơn 400 điểm đại lý, cộng tác viên, các điểm bán hàng của bưu điện tập trung đẩy mạnh phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mang đến sự lựa chọn tin cậy cho bà con đa dạng các mặt hàng tiêu dùng chất lượng "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" - ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Bưu điện Quảng Nam khẳng định.
Năm 2023, tổng doanh thu của Bưu điện tỉnh Quảng Nam ước đạt trên 174 tỷ đồng, trong đó, phân phối, bán lẻ hàng hóa đạt hơn 42 tỷ đồng.
Thời gian tới, với những điểm bưu điện có vị trí phù hợp sẽ được triển khai phát triển thành mô hình “Cửa hàng PostMart”. Đây cũng sẽ là nơi để giới thiệu, truyền thông và quảng bá về chương trình OCOP, giúp các hộ tiểu thương, các hộ sản xuất nông sản trên địa bàn đẩy mạnh kết nối cung cấp sản phẩm, thúc đẩy mua sắm thông qua sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Hiện tại, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ người dân đưa 150 sản phẩm OCOP, 130 sản phẩm vùng miền lên sàn thương mại điện tử Postmart để bán online.
[VIDEO] - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam Trần Thanh Bình:
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, ngay từ đầu năm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã triển khai đều khắp, các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động diễn ra khá sôi nổi.
“Chúng tôi đang triển khai các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp và thực hiện chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán này. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm soát lưu thông hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ hàng hoá thương hiệu Việt Nam và vì một Tết Giáp Thìn ấm cúng, an toàn” - ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nói.
Trong một khải sát mới đây, Viện Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương đã thu lại kết quả 94% người được thăm dò thay đổi nhận thức, hành vi ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Trong đó có đến 43% khách hàng đánh giá hàng Việt có “hiệu quả cao”.