Nhờ cải tiến kỹ thuật, bao bì, nhãn mác, đa dạng mẫu mã sản phẩm, đảm bảo chất lượng nên hàng hóa Quảng Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Vận động nhanh
Một trong những tác động tốt của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là giúp doanh nghiệp (DN) thay đổi cách tiếp cận thị trường. Nếu như trước đây, các DN trong nước chọn hàng hóa tốt để xuất khẩu còn hàng hóa chất lượng bình thường bán trong nước thì nay họ đã chú trọng mọi khâu trong quá trình sản xuất, xem mọi thị trường đều có chung đòi hỏi khắt khe. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa và từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Nhiều DN nỗ lực không ngừng để đổi mới công nghệ, kỹ thuật cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - chủ cơ sở chạm khắc gỗ mỹ nghệ CNC 3D - 4D Anh Sơn (xã Bình Phục, Thăng Bình) cho rằng, thị trường chọn DN chứ DN không có quyền chọn lựa thị trường trong hay ngoài nước để kinh doanh. “Sản phẩm có tinh xảo thì người tiêu dùng mới chọn để mua sắm, sử dụng. Muốn người tiêu dùng biết đến sản phẩm chất lượng tốt của DN thì bản thân DN phải quảng bá thật tốt. Con đường thành công qua rất nhiều chặng gian khó” - bà Nguyễn Thị Kim Anh nói.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mục tiêu năm 2020, có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ biết đến cuộc vận động; hàng Việt có thế mạnh sẽ chiếm khoảng 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh thành trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững.
Đáng mừng là nhiều người tiêu dùng trước đây mang tâm lý sính ngoại thì ngày càng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhiều sản phẩm hàng hóa trong nước đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước.
Đáng mừng hơn, hàng Việt không chỉ trụ vững tại các thành thị mà giờ đây đã có mặt ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Khi có chuyến tàu mang hàng hóa xứ Quảng chất lượng như nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), dầu phụng đất Quảng (HTX Nông nghiệp Điện Quang, thị xã Điện Bàn)... ra đảo Cù Lao Chàm, người dân rất hồ hởi.
“Sử dụng hàng Việt chất lượng tốt thể hiện niềm tự hào hàng Việt, tạo động lực thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Người dân chúng tôi mong muốn hàng Việt ngày càng phát triển, khẳng định vị thế, không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn xa, “sống tốt” ở thị trường thế giới” - ông Cao Toàn, người dân thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) nói.
Đến nay, Quảng Nam đã thành công bước đầu với những chương trình xúc tiến thương mại có nội dung thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, hàng hóa xứ Quảng ngày càng góp phần phát triển thị trường trong nước. Ở các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, các hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng hóa về nông thôn đã giúp người dân gần gũi hơn với hàng Việt. Ngành công thương đã phối hợp với các thành phố, thị xã, huyện tổ chức các hội thảo kết nối giữa các nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà kinh doanh nhằm phát triển hệ thống phân phối, nắm bắt rõ khuynh hướng tiêu dùng của người dân, thúc đẩy phát triển hàng hóa trong nước.
Tạo đà phát triển
Thách thức lớn của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là sức cạnh tranh của DN còn chưa cao như kỳ vọng, nhất là bối cảnh hội nhập sâu rộng, hàng hóa nước ngoài có thêm cơ hội vào nước ta. Trong khi đó, mục tiêu của cuộc vận động trong giai đoạn đến là phải đưa hàng Việt phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Một vấn đề đáng quan tâm, hàng Việt vẫn chỉ tập trung ở những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như rau quả, hàng may mặc, da giày... Nếu so sánh với hàng hóa của Thái Lan thì hàng Việt chưa cạnh tranh được về giá, sự đa dạng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Chưa kể, mặt bằng chung ở Quảng Nam là đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm còn chưa tương xứng. Do vậy, nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các sản phẩm chính hãng đã định vị thương hiệu.
Theo Sở Công Thương, để quảng bá hàng Việt hiệu quả, ngoài marketing của DN còn cần sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan thông tin, truyền thông, vào cuộc đồng bộ của các hội, đoàn thể, tạo đồng thuận, thay đổi nhận thức đưa đến hành động chung trong cộng đồng xã hội.
Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng giữa các DN để tiêu thụ hàng hoá có chất lượng tốt, đặc biệt bảo đảm kết nối giao thương, kết nối cung cầu, giúp DN đưa hàng hóa vào kênh phân phối mới, hiện đại”.
Trong khi đó, nhiều DN cho rằng, Quảng Nam cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, khó cả đầu vào nguyên liệu lẫn đầu ra xuất khẩu hàng hóa.