Dẫu bộ tiêu chí chung về quy chuẩn du lịch an toàn trên cả nước vẫn còn bỏ ngỏ thì từng địa phương, từng người làm du lịch phải chuyển mình và tìm cách thích ứng trong xu thế mới. Quảng Nam cuối tuần ghi nhận những chia sẻ, nhận định của các bên liên quan về hành động để du lịch Quảng Nam ít nhất không bị động một khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
* PV:Ông có thể khái quát một chút về các giải pháp hành động cho du lịch an toàn hiện nay?
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Hiện nay, Chính phủ đã có Chỉ thị 19, Bộ Y tế cũng có Quyết định 1246 về an toàn trong các khu lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Riêng với Sở VH-TT&DL, ngay từ đợt dịch đầu cũng hết sức chủ động trong phối hợp với Sở Y tế tham mưu tỉnh ban hành Quyết định số 85 ngày 5.5.2020 về Bộ Tiêu chí du lịch an toàn cho 5 nhóm dịch vụ gồm: lưu trú, lữ hành, khu điểm du lịch, ăn uống và mua sắm.
Để vận hành du lịch an toàn trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần quan tâm mấy ý sau. Thứ nhất, về nhận thức. Vừa rồi, chúng tôi có đi kiểm tra thẩm định 4 đơn vị để công nhận là cơ sở đạt tiêu chuẩn đón khách nước ngoài có thu phí cách ly, qua kiểm tra nhiều nhân viên không nắm được các quy trình an toàn trong khi họ là những người trực tiếp tiếp xúc với khách. Hiện nay, ngoài việc đón khách bình thường theo các quy định hướng dẫn của cơ quan y tế chúng ta cũng thực hiện cách ly y tế có thu phí tại các cơ sở do Nhà nước chỉ định đối với khách nước ngoài (hiện Quảng Nam có 4 cơ sở). Vấn đề thứ hai là đồng hành, điều này hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không chung tay thì không thể có một điểm đến du lịch an toàn. Bởi nếu một khách sạn, một nhà hàng thực hiện tốt quy trình an toàn nhưng điểm tham quan, điểm đến không an toàn thì khách có đến hay không? Cho nên phải chung tay, đồng bộ thực hiện, phải có những hành động mang tính chất khẳng định và truyền thông đến cho mọi du khách về điểm đến an toàn.
* PV:Vậy kế hoạch trong ngắn hạn của cơ quan quản lý du lịch địa phương là gì, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Tường: Dự đoán cuối năm 2021 khách quốc tế mới có thể quay lại Việt Nam, cho nên xác định thị trường khách hiện nay phải là khách nội địa. Căn cứ tình hình này, sở đang xây dựng lại các kế hoạch phục hồi du lịch phù hợp dựa trên điều kiện đảm bảo an toàn điểm đến. Đầu tiên là cơ cấu lại thị trường khách. Thứ hai là sản phẩm dịch vụ kèm theo điểm đến an toàn. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí, tăng khả năng xây dựng điểm đến an toàn. Thứ tư, kích cầu du lịch, thúc đẩy phục hồi du lịch.
Tập trung cho 4 nhóm vấn đề đó sẽ có 4 kịch bản đi kèm gồm: khuyến khích du lịch trong nội tỉnh và TP.Đà Nẵng, trường hợp vận hành tốt điểm đến an toàn thì sẽ mở rộng thị trường khách cho miền Trung - Tây Nguyên. Cấp độ thứ ba khi kiểm soát tốt về an toàn sẽ mở rộng ra hai đầu đất nước gồm TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội thông qua các đường bay và cấp độ thứ tư nếu tình hình an ninh an toàn được kiểm soát hoàn toàn chúng ta có thể đón khách quốc tế vào cuối năm 2021.
Tiếp cận chứng nhận an toàn
* PV:Du khách quốc tế cần gì về du lịch an toàn ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Ông Cyrille Ami Stegmann - Giám đốc tổ chức SGS Việt Nam: Theo tôi ít nhất đến giữa năm 2021 mọi việc vẫn chưa thể tốt lên và điều này rất tiêu cực với ngành du lịch nên bắt buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng với hệ thống phòng dịch đang triển khai một cách lâu dài, kể cả khi dịch đã được đẩy lui.
So với rất nhiều nước khác thì rõ ràng du lịch Việt Nam hiện khá an toàn đối với dịch Covid-19, tuy nhiên điều mấu chốt là sự an toàn của bạn phải được công nhận. Để có được điều này, bạn có thể tìm đến các đơn vị cung cấp chứng chỉ có giá trị trên toàn cầu nhằm chứng nhận công việc mình đang làm đã mang lại sự an tâm cho du khách. Du lịch Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng có thể nghiên cứu về các chứng chỉ “travel safe” (du lịch an toàn) bởi nó mang lại ưu thế lớn khi quảng bá thương hiệu trong thời gian tới. Thực tế một số đơn vị du lịch lớn tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đã hoàn tất đánh giá và đủ điều kiện về chứng chỉ này.
* PV:Ông có thể chia sẻ về quy trình để có được chứng nhận này?
Trên toàn cầu, SGS là tập đoàn đa quốc gia của Thụy Sĩ hiện có mạng lưới 2.400 văn phòng, phòng thí nghiệm hiện diện ở 150 quốc gia. SGS Việt Nam được thành lập năm 1997 và là công ty giám định, thử nghiệm và chứng nhận độc lập quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Cyrille Ami Stegmann: Ở đây tôi ví dụ đơn cử về chứng nhận cho một khách sạn an toàn. Để cấp giấy chứng nhận cho khách sạn đảm bảo về các tiêu chí an toàn thì các đơn vị giám định quốc tế sẽ thẩm tra kiểm tra thực địa, lấy mẫu phân tích đánh giá độ an toàn cho toàn nhân viên trong khu vực lưu trú. Trong đó, như ở đơn vị chúng tôi sẽ chú trọng vào các vị trí thường xuyên tiếp xúc như khu vực sảnh công cộng, thang máy, bàn điện thoại, nơi cà thẻ… Các địa điểm này sẽ được đánh dấu bằng loại gel huỳnh quang trước khi vệ sinh và nếu sau khi vệ sinh xong mà dùng ánh sáng xanh chiếu vào vẫn còn dấu gel thì vẫn chưa đạt yêu cầu mặc dù nhìn bề ngoài chúng ta tưởng như đã được khử trùng hoàn toàn.
Khi nào tiêu chuẩn hàm lượng phân tích tại hiện trường đạt yêu cầu từ 85% trở lên thì khách sạn sẽ đạt được chứng chỉ này và khi đó chúng ta có thể cung cấp mã QR để du khách trực tiếp kiểm tra điểm lưu trú này có an toàn hay không. Hiện tại với cách làm này, SGS cũng đã hỗ trợ một số quốc gia khu vực châu Âu cũng như Ấn Độ phần nào phục hồi, vực dậy ngành du lịch.
Nỗ lực thích ứng
* PV:Là một trong những nơi chuyên phục vụ khách cao cấp, đơn vị đã thay đổi ra sao để thích ứng trong tình hình mới, thưa bà?
Bà Trần Thị Cảnh - Giám đốc nhân sự Four Seasons The Nam Hai Hoi An Resort: Thực sự thì chúng tôi đã cố gắng thay đổi rất nhiều về quy trình phục vụ đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng trải nghiệm. Ý thức được sự an toàn về sức khỏe của du khách và nhân viên có sự liên quan đến nhau nên chúng tôi đã xây dựng lộ trình khoa học cho cả hai, kể cả khi đến và rời khỏi resort quay về nhà. Mọi thứ sẽ hướng đến dịch vụ chuyên môn hóa, mỗi yêu cầu từ du khách sẽ được phản hồi, đáp ứng với hơn 100 loại ngôn ngữ. Ứng dụng số sẽ được áp dụng nhiều hơn để phục vụ khách có nhu cầu về làm thủ tục nhận phòng ngay cả khi chưa đặt chân đến khách sạn, thậm chí chúng tôi có một app riêng về resort để thông tin tương tác cặn kẽ mọi dịch vụ cho du khách khi họ cài đặt và sử dụng. Thực tế, cũng phải nhìn nhận Four Seasons The Nam Hai Hoi An Resort vừa là một điểm đến cao cấp vừa nằm ở ngoại ô với quỹ đất rộng, nên chúng tôi có lợi thế hơn nhiều cơ sở lưu trú khác trong việc xây dựng các quy chuẩn đáp ứng du lịch an toàn trong trạng thái mới.
* PV:Vậy còn một số quy trình cơ bản khác sẽ dễ thực hiện hơn khi áp dụng đại trà?
Bà Trần Thị Cảnh: Ở đây, chúng tôi luôn tiến hành khử khuẩn sau mỗi 2 giờ đồng hồ và đo thân nhiệt định kỳ 1 lần/ngày cho du khách, ngoài ra còn cung cấp 1 bộ Lead With Care với khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, găng tay cho khách… Thời gian qua, mỗi phòng tại resort chỉ bố trí đón khách mới sau 24 giờ từ lúc khách cũ rời đi và chìa khóa đã sử dụng sẽ được khử khuẩn bảo quản tại kho trong vòng 72 giờ đồng hồ. Về thực phẩm thì không đợi đến khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra chúng tôi cũng đã có các công cụ để kiểm định chất lượng, chỉ có khác là resort sẽ không phục vụ buffet trong giai đoạn này; cũng như minibar sẽ không để sẵn mà chỉ cung cấp nếu khách có nhu cầu.