Hành động vì an toàn thực phẩm: Cần giải pháp đồng bộ

VIỆT NGUYỄN 07/04/2020 06:31

Nhiều loại thực phẩm được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo an toàn, vì thế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để chấn chỉnh trong thời gian đến.

Các cá nhân, tổ chức cần tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các cá nhân, tổ chức cần tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều hạn chế

Ở chợ Nam Phước (Duy Xuyên), mối lo mất an toàn thực phẩm (ATTP) tồn tại dai dẳng lâu nay là thịt heo được bán không có dấu kiểm dịch. Nhiều tiểu thương cho biết, mua thịt heo ở các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện nên không có dấu kiểm dịch; trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng khi mua thịt heo không quan tâm về quy định này.

Ông Nguyễn Thiện - Trưởng ban Quản lý chợ Nam Phước cho biết, đã kiến nghị nhiều lần nhưng các ngành chức năng của huyện, tỉnh chưa thể giải quyết vấn đề này. “Chúng tôi không thể bắt buộc các tiểu thương khi bán thịt heo phải có dấu kiểm dịch” - ông Thiện nói. Nguyên nhân của thực trạng này là cán bộ phụ trách thú y cấp huyện thiếu, chưa được bổ sung.

Ông Nguyễn Đây - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua. Thực phẩm không đảm bảo các quy định về ATTP vẫn lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, hiện nay, cả ngành y tế, nông nghiệp, công thương cùng quản lý về ATTP, nên chăng Trung ương cần thành lập cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ATTP để tránh sự chồng chéo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý. UBND tỉnh cần tăng cường nguồn lực giúp các cơ quan quản lý ATTP thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như thực hiện thanh tra chuyên ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Quảng Nam, nguy cơ không đảm bảo ATTP ở các bếp ăn tập thể phục vụ công nhân hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không đảm bảo ATTP vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn phổ biến trong trồng trọt. Trong khi đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi, nuôi thủy sản diễn ra rộng khắp mà chưa được chấn chỉnh.

“Nuôi tôm mà không dùng kháng sinh, hóa chất là rất rủi ro, tôm rất dễ chết. Dùng chế phẩm sinh học rất tốn kém, lại tác dụng chậm nên chúng tôi dùng kháng sinh để có tác dụng tức thì” - ông Nguyễn Thế Sinh (hộ nuôi tôm ở thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) nói.

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, đáng lo ngại là hải sản được bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh được người bán sử dụng chất bảo quản thực phẩm không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh kinh doanh thực phẩm ở một số cơ sở trên địa bàn tỉnh không hợp tác, không làm việc khi ngành chức năng phát hiện thực phẩm bẩn. Trong khi đó, đôi khi ngành chức năng ở tỉnh bạn không trả lời sau khi cơ quan của tỉnh gửi thông báo đến đề nghị phối hợp làm việc. Nhiều ban quản lý ở các chợ không thực hiện hết trách nhiệm khi không kiểm soát được đầu vào thực phẩm để bán ở các chợ.

Đồng loạt vào cuộc

Để chấn chỉnh vấn đề mất ATTP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2020, diễn ra trong tháng 4 này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, mục tiêu là tăng cường công tác thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác các vấn đề về ATTP. Theo đó, tạo lan tỏa về trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, buôn bán, tiêu dùng thực phẩm.

UBND tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương dẫn đầu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về ATTP của các cá nhân, doanh nghiệp.

Tháng hành động vì ATTP còn vì mục đích nêu cao vai trò của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng về tuân thủ các quy định quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Bốn đề xuất, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng bắt tay triển khai đề án quản lý chặt đầu vào thực phẩm ở các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, có thể thực hiện thí điểm trước ở Tam Kỳ. Theo đó, tiểu thương buôn bán bất kỳ loại thực phẩm nào cũng phải báo cáo đến ban quản lý chợ về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, địa chỉ của nhà cung cấp thực phẩm bán ở chợ. Theo đó, nếu có bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào thì sẽ truy trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

“Các cơ quan thông tin, truyền thông cần tuyên truyền về ATTP với các hình thức, nội dung phong phú, hấp dẫn, tạo chuyển biến nhận thức trong người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần xóa dần quy mô nhỏ lẻ để chuyên nghiệp hóa sản xuất, đáp ứng đúng các quy định về ATTP” - ông Trần Bốn nói. 

Ông Nguyễn Đây cho rằng, qua Tháng hành động vì ATTP, sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt hành chính về ATTP để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm không đúng pháp luật. Đã có các chuỗi thực phẩm an toàn được thực hiện trên địa bàn tỉnh khá thành công, rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới, cần nhân rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành động vì an toàn thực phẩm: Cần giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO