Khoảng cách về giới ngày càng được thu hẹp ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong vị trí việc làm hiện nay.
Nâng cao vai trò phụ nữ
Theo UBND TP.Tam Kỳ, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố hiện nay là 8/39 đồng chí (20,5%), tỷ lệ nữ đại biểu HĐND thành phố là 12/31 đại biểu (38,71%), tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã là 69/291 đại biểu (23,71%), cán bộ nữ được quy hoạch cấp ủy thành phố 24/75 (32%).
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, việc làm của nữ giới trong các cơ quan, đơn vị của thành phố luôn được quan tâm. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ nữ những năm gần đây có chuyển biến rõ nét qua những con số đã nêu.
Hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, học nghề, bình đẳng giới... được duy trì thường xuyên nên tâm tư, nguyện vọng của nữ giới được lắng nghe, chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH, ở các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới chiếm hơn 80%. Ngoài ra, theo thống kê về thị trường lao động năm 2022, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh theo hình thức làm công hưởng lương có 265 nghìn người, thì trong đó có 160 nghìn lao động nữ (chiếm 60,37%).
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã đánh giá cao vai trò của nữ giới trong sản xuất kinh doanh, dành sự quan tâm và đãi ngộ xứng đáng đối với lao động nữ. Nhiều chị em nắm giữ những vị trí quan trọng trong đơn vị, doanh nghiệp, không còn tâm lý ngại phụ nữ khó hoàn thành công việc như trước.
“Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm từng bước được thu hẹp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Trong đào tạo, bồi dưỡng cũng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao” - bà Ngọc nói.
Tự tin phát triển kinh tế
Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp như hiện nay, phần lớn chị em phụ nữ đã tự tin, vươn lên làm kinh tế, làm chủ doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Những con số thống kê qua từng năm cho thấy rõ điều đó.
Như năm 2021, số lượng doanh nghiệp do nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp là 306/1.157 doanh nghiệp (chiếm 26%); năm 2022 là 358/1.224 doanh nghiệp (chiếm 29%). Điều đặc biệt là thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ đã vượt qua sóng gió thương trường.
Chị Nguyễn Phước Xuân Thụy - chủ cơ sở Phước Tường (TP.Tam Kỳ) chia sẻ, phụ nữ làm kinh tế lúc mới lập nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu không có đủ bản lĩnh, tự tin thì gặp trắc trở dễ thụt lùi, nản chí.
Thế nhưng, nếu được tôi luyện trong khó khăn, vượt qua được thì phụ nữ sẽ rất kiên cường và quyết tâm thực hiện nguyện vọng, hoài bão của mình. Cơ sở Phước Tường của chị Thụy trải qua không ít gian nan, nhưng đến nay đã khẳng định được vị trí trên thương trường bằng các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Chị Thụy nói: “Trong kinh doanh, nữ giới có thể không bạo dạn, quyết liệt bằng nam giới, nhưng tính mềm dẻo, linh hoạt ứng phó với các tình huống thì có thể không thua kém, thậm chí ở một số tình huống còn có thể làm tốt hơn nam giới.
Nói vậy không phải để tự khen, nhưng sự thật là gần đây có rất nhiều chị em đã tự tin, quyết liệt trong làm kinh tế. Nhìn vào mặt bằng chung có thể thấy hiện nay phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh rất mạnh mẽ. Điều đó đã phần nào khẳng định khoảng cách giới trong kinh tế đã được thu hẹp”.