Cam kết phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đã được chính quyền xác lập bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Nhưng doanh nghiệp cũng cho rằng sự hỗ trợ này cần có hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi.
Cán bộ công chức được yêu cầu nâng cao nhận thức, chuyển từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: T.D |
Vào cuộc mạnh mẽ
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói chính quyền đã nhìn thẳng vào sự yếu kém trong việc điều hành để đưa ra kế hoạch cụ thể, hướng đến xây dựng một môi trường đầu tư tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp bằng những chính sách thích hợp trong khả năng của Quảng Nam. Một chỉ thị về cải thiện tốt môi trường kinh doanh, tiếp tục duy trì, nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh vừa ban hành, đã buộc tất cả cơ quan quản lý, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn với sự phân công cụ thể. Trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị là phải làm chuyển biến tư duy của cán bộ công chức, viên chức từ “quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp”. Tất cả thủ tục hành chính phải được công khai, minh bạch, đơn giản về thành phần, số lượng hồ sơ, thống nhất hướng dẫn trong cùng một vấn đề, rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm trung bình 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Cải thiện chỉ số PCI, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp… là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực thi công vụ.
Theo ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, việc hiện thực hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các kế hoạch hành động của Quảng Nam về hỗ trợ doanh nghiệp có ý nghĩa sống còn. Không chỉ chú trọng đến cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan..., Quảng Nam đã đa dạng hóa kênh thông tin phản ánh và tổ chức rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, địa phương có sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cụ thể như “tiếp doanh nghiệp định kỳ”,“cà phê doanh nhân”, vận hành cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, “một cửa liên thông”…. Khá nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đã được mở, kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhu cầu mua bán, cơ hội giao thương cho doanh nghiệp. Một tổ hỗ trợ dự án đầu tư đã thường xuyên nắm bắt các thông tin về tiến độ triển khai từng dự án, có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp. Mở nhiều kênh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chương trình đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, tiếp cận các chính sách mới cho doanh nghiệp và hỗ trợ tuyển dụng lao động, xây dựng đề án đào tạo nghề, cùng doanh nghiệp tuyển dụng lao động để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của doanh nghiệp…
Tiếp tục hành trình phục vụ
UBND tỉnh cho biết đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai từ các cơ quan quản lý. Không chỉ nâng cấp việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ, đạo đức đội ngũ cán bộ, viên chức đủ phẩm chất, năng lực hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý đã rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ quan công quyền, địa phương đã xây dựng, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ, tạo các điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tư vấn thuế, tư vấn tài chính… cũng đã được đẩy mạnh.
Ông Võ Văn Hùng cho biết Quảng Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế chính sách. Sẽ rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, phấn đấu giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức trong thời gian sớm nhất có thể, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tăng cường công tác đăng ký kinh doanh qua mạng. Tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các đề án, cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng cơ chế thu hút, phát triển các nhóm ngành chủ lực: chế biến, chế tạo, điện tử, viễn thông, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Không chỉ vậy, việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài sẽ được đẩy mạnh. Các lớp tập huấn về hội nhập quốc tế sẽ thường xuyên được mở. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết kịp thời, đúng luật và có lợi cho các doanh nghiệp của tỉnh khi sản xuất - kinh doanh ở nước ngoài. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như “tiếp doanh nghiệp định kỳ”, “cà phê doanh nhân”..., kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020...
Các địa phương cũng xác nhận tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được đặt lên hàng đầu. Ông Hường Văn Minh – Chủ tịch UBND Tiên Phước nói chính quyền lúc nào cũng đồng hành với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, chính quyền sẽ cùng doanh nghiệp lo, làm thủ tục cho đến khi khởi sự đầu tư thành công. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng, nếu có đầy đủ các giấy tờ thì chỉ một ngày là có ngay giấy phép xây dựng và sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì. Giới doanh nghiệp cho rằng điều kiện kinh doanh với cơ chế xin - cho sẽ còn gây rất nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm đưa ra chương trình thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cụ thể và rộng rãi của chính quyền Quảng Nam được xem như một cánh cửa mở để xác lập niềm tin và khởi động lại tinh thần doanh nghiệp. Tất cả chỉ thị, chính sách của chính quyền cho đến nay vẫn rất đúng đắn. Tuy nhiên, họ cần đi vào thực tế hơn và mong những cải cách đừng “trên nóng, dưới lạnh”!
TRỊNH DŨNG