(QNO) - Ngày 23.9, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hiệp quốc khai mạc với kỳ vọng đánh dấu một kỷ nguyên mới: hành động vì khí hậu.
Hội nghị diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ), với sự tham dự của đại diện nhiều chính phủ, các thành phần tư nhân, tổ chức dân sự, tổ chức quốc tế, nhà hoạt động vì môi trường...
Mở đầu hội nghị, nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển - Greta Thunberg gây ấn tượng với bài phát biểu về hậu quả biến đổi khí hậu cho thế hệ tương lai: “Quý vị đã thất bại, không bảo vệ chúng tôi. Lẽ ra tôi không nên có mặt ở đây, lẽ ra giờ này tôi phải cắp sách tới trường ở bên kia bờ đại dương. Thế mà quý vị lại đặt hy vọng vào giới trẻ chúng tôi. Sao quý vị cả gan làm như vậy? Sao quý vị dám cướp đi ước mơ và tuổi thơ của chúng tôi bằng những lời sáo rỗng?”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thừa nhận, thế hệ của ông đã không bảo vệ được hành tinh này. Ngay bây giờ, mọi người phải thay đổi cách sống. Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc nói, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần này không phải là một cuộc thảo luận cấp cao vì chúng ta thảo luận về khí hậu đã đủ rồi. Chúng ta không đàm phán với tự nhiên mà chúng ta phải hành động vì khí hậu.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết các quốc gia chỉ có thể phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh nếu họ đem theo các kế hoạch hành động để cắt giảm lượng khí thải các bon (CO2).
Cạnh đó, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 22.9 cảnh báo, thế giới đã không chạy kịp để cứu vãn trái đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho hay, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015 - 2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây, với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850 - 1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011 - 2015.
Cho đến nay, 65 quốc gia đã nói rằng họ sẽ tăng các mục tiêu khí hậu quốc gia của họ, nhưng điều đó không đủ. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ - những nhà phát thải lớn nhất thế giới cũng chỉ cam kết sẽ tạo ra tác động lớn nhất trong việc ngăn chặn khủng hoảng khí hậu.
Thậm chí, giữa năm 2017, ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris - một thỏa thuận toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu được 195 quốc gia thông qua vào cuối năm 2015, trong đó, giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Thời điểm sớm nhất để Mỹ hoàn toàn rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris là ngày 4.11.2020.
Tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng các nước công nghiệp có lượng khí thải cao đóng vai trò lớn nhất trong việc tạo ra khủng hoảng khí hậu và “phải có nghĩa vụ đưa công nghệ, kiến thức, tài chính” để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Bà Merkel cho biết Đức sẽ tăng tài trợ cho bảo vệ khí hậu toàn cầu từ 2 tỷ euro (năm 2014) lên 4 tỷ euro để giúp các nước kém phát triển dễ bị tổn thương ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Đức cũng khẳng định, không có nghi ngờ gì về việc biến đổi khí hậu là do con người tạo ra.