UNESCO vừa phối hợp cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An với sự tài trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation tổ chức sự kiện “Thanh niên hành động vì đại dương xanh” tại bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An. Tham gia sự kiện có ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành viên của 8 đội xuất sắc trong cuộc thi “Sáng kiến Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh” (do UNESCO phát động vào ngày 8.6.2020) và hơn 300 bạn trẻ, người dân trên địa bàn.
Hưởng ứng nhiệt tình
Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái đất, là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người, nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người. Tại Hội An, thời gian trước đây khi ngành du lịch chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi năm đón gần 5 triệu lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Theo thống kê, lượng rác thải toàn thành phố khoảng 100 tấn/ngày, riêng Cù Lao Chàm nơi chỉ có chưa đến 2.500 người dân nhưng lượng rác cũng đã lên đến 5 tấn/ngày.
“Để giải quyết thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải “đồng lòng, góp sức, chung tay” hơn nữa thực hiện chiến lược xã hội hóa công tác quản lý rác thải, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” - ông Lý nhấn mạnh.
Tham gia nhặt rác tại bờ biển Cửa Đại và rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh), bạn Văn Thanh Khoa - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cũng là thành viên đội dự thi sáng kiến vì đại dương xanh, chia sẻ: “Hôm nay cùng với mọi người nhặt rác để giữ cho môi trường được sạch sẽ, thân thiện, tôi và các bạn của nhóm cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì được hoạt động thực tế tại cộng đồng”.
Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết: “Hoạt động này nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên, cộng đồng và các bên liên quan trong nâng cao nhận thức, kêu gọi và lan tỏa các hành động liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An”.
Hành động vì “đại dương xanh”
Chị Lê Thị Nở - người dân chèo thúng tại rừng dừa Cẩm Thanh cho biết, trong những năm gần đây, kết hợp với khai thác rừng dừa Bảy Mẫu để phát triển du lịch, người dân và du khách đều rất ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài tổ chức tour nhặt rác, người dân ở địa phương mỗi lần chèo thúng đều tự nhặt rác từ biển, sông đẩy bám vào các bẹ dừa nước.
"Đối với những người làm nghề chèo thúng chai như chúng tôi, luôn muốn giữ môi trường ở rừng dừa lúc nào cũng sạch sẽ để đảm bảo cho các loài thủy hải sản sinh sống, khách du lịch mỗi lần đến cũng thấy thân thiện hơn” - chị Nở bộc bạch.
Các khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn biển đã và đang là những nơi tiên phong thực hiện phong trào sống xanh, nói không với rác thải nhựa. Ngay sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, Cù Lao Chàm - Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động “Nói không với túi ny lon”. Sau 10 năm, nơi đây vẫn là địa phương duy nhất thực hiện thành công chương trình và tiếp tục hướng đến “Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần”. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ trong toàn khu sinh quyển. Lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, vẫn là áp lực lớn đối với công tác quản lý rác thải tại Hội An.
Xuất phát từ thực tế trên, UNESCO cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An phát động Chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa”, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola Foundation nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề giảm thiểu, xử lý, tái chế,… chất thải nhựa.
Ông Nguyễn Minh Lý thông tin: “Với định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, trong công tác chỉ đạo điều hành, UBND thành phố luôn hết sức quan tâm đến lĩnh vực môi trường, đặc biệt là rác thải. Luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, ưu tiên phát triển các ý tưởng và kêu gọi sự hỗ trợ tìm giải pháp giảm thiểu rác thải. Đặc biệt, một trong những thành công của Hội An đó là chuỗi sáng kiến “Cù Lao Chàm nói không với túi ny lon, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hướng tới xây dựng Cù Lao Chàm trở thành đảo không rác thải nhựa vào năm 2025”.