UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa nhưng việc triển khai ở cơ sở chưa đồng bộ và triệt để. hành khách vẫn thờ ơ với việc mặc áo phao khi đi đò.
Thờ ơ
Cuối tháng Bảy vừa qua, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2814/UBND-KTN chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh, UBND và công an các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động của phương tiện thủy nội địa khi mùa mưa bão đã cận kề. Nhưng đến thời điểm này, việc triển khai ở các địa phương có phương tiện đang hoạt động chở khách chưa thật sự đồng bộ và quyết liệt, thậm chí một vài nơi còn chưa phổ biến tinh thần văn bản cho chính quyền cơ sở. Một số bến đò chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự thờ ơ của những người có trách nhiệm. Trên thực tế, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo Thanh tra GTVT tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn hoạt động của các phương tiện thủy nội địa. Lực lượng chức năng kiên quyết đình chỉ, buộc ngừng hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn quy định.
Chưa có chế tài xử lý, hành khách luôn “nói không” với áo phao mỗi khi đi đò. Ảnh: Công Tú |
Theo ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra GTVT, đội liên ngành của tỉnh còn tổ chức ra quân thực hiện thanh, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa. Tuy nhiên, nhiều chủ và người lái phương tiện vẫn cố tình chở quá số người quy định, chưa ý thức vận động hành khách đi đò mặc áo phao mỗi khi lực lượng chức năng đi khỏi. Thực trạng trên diễn ra ở hầu khắp các bến khách từ Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành); Giao Thủy, Phú Thuận (Đại Lộc) cho đến Kiểm Lâm, Thu Bồn, Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) hay Bạch Đằng, Cẩm Kim, Cẩm Thanh (Hội An)… Nếu gặp sự cố bất trắc, tính mạng của hàng chục người đang chen chúc, xen lẫn giữa các phương tiện xe máy và hàng hóa chắc chắn bị đe dọa. Chưa kể, tình trạng bến bãi, cầu tàu nhếch nhác, dễ dãi cho chủ bến niêm yết giá một đằng nhưng lại thu tiền một nẻo. Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền cũng như lực lượng chức năng ở các xã vẫn đang loay hoay tìm giải pháp thực hiện quy định “không cho phương tiện xuất bến khi trên phương tiện vẫn còn khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân” mà UBND tỉnh đã chỉ đạo.
Cần kiên quyết xử lý
Qua thâm nhập thực tế tại một số bến đò có lưu lượng người qua lại hằng ngày rất đông như Giao Thủy (Đại Lộc) - Kiểm Lâm (Duy Xuyên) hay Bạch Đằng - Cẩm Kim (Hội An), chúng tôi tận mắt chứng kiến thực trạng vi phạm Luật Giao thông đường thủy diễn ra ở mức báo động cao. “Hễ thấy vắng bóng lực lượng chức năng là họ lại chở khách vượt quá quy định cho phép. Cạnh đó, hành khách cũng “nói không” với sử dụng dụng cụ cứu sinh trước sự thiếu nhiệt tình vận động của chủ bến, chủ đò và người lái. Ở chiều ngược lại, người điều khiển phương tiện cũng chưa gương mẫu mặc áo phao mỗi khi đưa khách qua sông thì làm sao thuyết phục được khách”, ông Trần Thế Lai - Đội trưởng Đội Thanh giao thông số 1 (Thanh tra GTVT) chia sẻ.
“Chúng tôi đề nghị Ban Quản lý bến thủy bộ Hội An cũng như những chủ bến khác đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không cho xuất bến đối với phương tiện nào còn có hành khách chưa mặc áo phao. Yêu cầu chủ phương tiện phải nghiêm túc chấp hành theo quy định, đồng thời sẵn sàng mời người dân chưa mặc áo phao lên bờ” (Chánh Thanh tra GTVT - ông Võ Quang Lâm) |
Trong khi đó, bà Trương Thị Hỷ - chủ bến đò Giao Thủy than thở: “Hành khách không bao giờ chịu mặc áo phao, nói quá thì họ chỉ cầm trên tay nếu gặp thời tiết xấu. Chúng tôi cũng không thể cấm họ lên thuyền vì như vậy người dân sẽ ứ đọng rất nhiều tại bến”. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên - ông Nguyễn Ta chia sẻ: “Hầu như các bến khách chủ yếu ngang sông, đặc biệt là những bến có đò qua lại ở khu vực vùng đông gần Cửa Đại sẽ dễ bị lật thuyền vì sóng lớn về mùa đông. Do vậy, hành khách mặc áo phao là hành động nên làm. Trong khi chờ đợi vào ý thức tự giác của hành khách cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề ra chế tài xử phạt đối với chủ thuyền và người đi đò không sử dụng phao cứu sinh. Người sở hữu phương tiện kinh doanh cũng phải thường xuyên vệ sinh áo phao cho sạch sẽ, không để meo mốc”.
Chúng tôi có mặt tại bến Bạch Đằng vào một buổi trưa. Nơi đây, tình trạng chở khách quá số người quy định diễn ra nhan nhản, mặc dù không phải vào giờ cao điểm. Khi lực lượng Thanh tra GTVT đến và ra hiệu dừng lại, nếu không có sự can ngăn quyết liệt từ phía người thân, chủ phương tiện QNa0732 đã cố tình cho tàu rời bến. Qua kiểm tra cho thấy, đò này vi phạm để người dân ngồi lộn xộn ở những vị trí mất an toàn và không mặc áo phao. Đến lúc lực lượng chức năng nhắc nhở, trong 32 hành khách thì chỉ 1, 2 người miễn cưỡng mặc vào, có người còn phản ứng “mưa gió mới cần mặc chứ!”. Phó Giám đốc Ban Quản lý bến thủy bộ Hội An (đơn vị trực tiếp quản lý bến Bạch Đằng) - ông Đoàn Tiến Dũng giải thích: “Mỗi ngày, nơi đây có khoảng 5 nghìn lượt hành khách qua lại. Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất UBND TP.Hội An hỗ trợ kinh phí để mua phao cầm tay tặng cho các em học sinh. Vào giờ cao điểm, hành khách ùa xuống thuyền tại bến Cẩm Kim rất đông, khó kiểm soát vì một lần chỉ có 1 phương tiện cập được vào bờ. Do đó, chúng tôi kiến nghị Ban ATGT tỉnh hỗ trợ đầu tư mở rộng bến để một lúc 2 đến 3 thuyền có thể cập bờ giải tỏa khách”.
CÔNG TÚ