"Hành lang pháp lý" an toàn cho biêu, hụi

CHÂU NỮ 08/03/2019 08:00

Ngày 19.2.2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/20019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2006/NĐ-CP, ngày 27.11.2006) quy định về nội dung liên quan đến việc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi), như về sổ hụi, về giấy biên nhận, về lãi suất…

Trong đó, nội dung mới nổi bật so với quy định cũ là phần thỏa thuận về hụi và lãi suất. Nghị định 144-NĐ/CP quy định thỏa thuận về hụi được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản; trong khi đó, quy định mới tại Nghị định 19/NĐ-CP chỉ cho phép thỏa thuận bằng văn bản. Nội dung văn bản thỏa thuận về dây hụi cũng được quy định cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn, phải ghi đầy đủ họ, tên, số chứng minh nhân dân; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi và của từng thành viên; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lĩnh hụi. Ngoài ra, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có một số nội dung khác theo thỏa thuận (mức hưởng hoa hồng; lãi suất trong hụi có lãi; gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi; trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ…).

Về lãi suất trong hụi có lãi, Nghị định này quy định là do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Nghị định mới cũng bổ sung quy định điều kiện làm chủ hụi, trong đó chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên (trước đây chỉ quy định có đầy đủ hành vi dân sự).

Trong quá trình tiếp công dân tại Báo Quảng Nam, chúng tôi thường nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo người này, người khác “giật hụi”, “chạy làng” nhưng người gửi đơn lại không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào chứng minh mình bị “giật”, vì họ chỉ thỏa thuận bằng miệng. Thường những người chơi chung dây hụi là chỗ làm ăn với nhau, là họ hàng, chỗ quen biết, tin tưởng nhau... nên cho vay tiền mà không lập giấy biên nhận. Cũng có thể do lãi suất họ nhận được quá cao so với lãi suất của các tổ chức tín dụng của Nhà nước nên người chơi hụi không lập văn bản để “lách luật”. Đến khi phát sinh mâu thuẫn, các cơ quan chức năng không đủ cơ sở để giải quyết. Cũng có nhiều người tham gia chơi hụi không có lãi, theo kiểu góp vốn quay vòng, để nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau. Điều này thể hiện tính nhân văn, tương ái giữa người với người trong cộng đồng. Nhưng dù chơi hụi không có lãi, thì người chơi cũng phải tuân theo quy định của pháp luật để tránh tình trạng lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật.

Như vậy, với những quy định mới về thỏa thuận về dây hụi, lãi suất, điều kiện làm chủ hụi…, hành lang pháp lý chặt chẽ, an toàn hơn cho hụi đã có; trường hợp phát sinh mâu thuẫn đã có cơ sở, căn cứ pháp lý để giải quyết. Vấn đề là người trong cuộc có mê lãi suất cao hoặc tin tưởng mà không tuân thủ quy định, để rồi khi phát sinh tranh chấp, lại không trưng được chứng cứ để giải quyết?

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Hành lang pháp lý" an toàn cho biêu, hụi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO