Cả tuần rồi con bé cứ nóng sốt, lại hay ói, có lúc co giật. Bà Hiên bảo hai vợ chồng hắn nghỉ một bữa làm đưa con đi khám. Hắn ậm ừ:
- Hai mẹ con tự đưa nó đi, tui bận lắm!
- Ơ hay cái thằng, mi ngó con bé thử, đau xờ người ra rồi. Hai đứa bây cứ lo kiếm tiền, rồi bỏ phế con bé - mẹ hắn la.
- Sốt thì uống hạ sốt, lau khăn nóng là xong. Ra bệnh viện cũng chừng đó chuyện, đông đúc chật chội - hắn làu bàu.
- Nhưng nó hai lần sốt, có hồi co giật rồi, tau sợ ảnh hưởng thần kinh. Con bây, bây ưng làm chi làm! Bà Hiên nổi cáu.
Vợ hắn từ dưới bếp đi lên, tay lúi húi búi lại mớ tóc lòa xòa, trả lời mẹ chồng:
- Ráng chiều về con đưa nó ra ông bác sĩ ni, nghe mấy người nói giỏi lắm. Sáng ni có mối biểu qua dọn nhà cho họ, rồi mua phế liệu luôn.
Rồi thị quay qua chồng:
- Chiều về sớm chở con đi khám nghe, nghỉ giải mỏi bữa hỉ. Chiều mô cũng giải mà có thấy hết mỏi chi đâu.
Hắn không thèm hơn thua với vợ, cái đồ đàn bà. Cứ làm về rồi ru rú trong nhà thì vui lắm, ưng lắm! Hắn còn anh em, còn chiến hữu. Cả ngày dưới cái nắng hầm hập, mắt muốn nổ đom đóm, không có ly bia đá lạnh giải mỏi thì sức đâu mà “chiến đấu”. Chưa nói đến chuyện gặp phải chủ nhà khó tính, bắt đập đi xây lại, vừa hao công tốn sức, mà còn bị cằn nhằn. Tưởng làm thợ hồ không áp lực chắc.
Hắn nghĩ vậy chứ không nói. Vừa leo lên xe, vợ hắn đã dặn với theo trong tiếng nổ lạch bạch của chiếc ống bô thủng.
*
* *
Khu vực chờ khám đông nghịt. Những ông ba bà mẹ tới trước có ghế ngồi theo thứ tự, mặt dán vào điện thoại, thi thoảng nhìn quanh nghe ngóng. Mấy đứa trẻ muôn vạn kiểu, đứa nằm thiêm thiếp trên tay mẹ, đứa xem hoạt hình, đứa quấy khóc được vác đi lòng vòng.
Tiếng khóc ré từ phòng khám phát ra khiến những đứa bé ngồi chờ tới lượt hoang mang. Chúng rúc vào lòng mẹ. Những bàn tay nhẹ nhàng vỗ về, những cái thơm vào má trấn an. Bất chợt hắn cầm lấy bàn tay nhỏ bé nóng hổi của con, rồi đưa lên môi. Miệng con bé nhếch cười nhẹ, mắt ánh lên.
- Hai mươi sáu!
Vợ hắn ôm con lật đật đẩy cửa bước vào. Liếc nhìn dáng người luộm thuộm với áo khoác, khẩu trang lụng thụng, cái giọng rề rà kể lể tình hình bệnh tật của con…, ông bác sĩ già gắt:
- Tôi chưa hỏi, cởi hết áo khoác con bé ra. Muốn nướng chín nó hả? Làm mẹ kiểu chi mà con sốt lại quấn mấy lớp áo.
Thị bối rối, vừa cởi áo cho con, vừa phân bua đường xa, sợ gió… Bác sĩ lại cáu:
- Chị không cần nói chi hết, ngồi thẳng lưng, nắm chặt hai tay con bé, rồi, được rồi!
Bên ngoài, nghe tiếng quát, hắn cũng nóng mặt. Lương y như từ mẫu, bác sĩ là cứu người mà quát tháo bệnh nhân kiểu đó ai mà chịu. Vài ánh mắt nhìn hắn đồng cảm:
- Con mình đau, mình ráng chịu, chứ ông bác sĩ ni khó tính lắm. Không ưng thì đi chỗ khác. Mà uống thuốc chỗ ổng hai ngày là giảm liền, không như mấy chỗ kia. Tui bồng con đi hết rồi, chừ theo ông bác sĩ ni luôn, ráng nhịn để họ chữa cho con mình.
Nhìn vợ bồng con ra, tay xách mớ thuốc, hắn bước vội tới đón con bé cho vợ mặc lại áo khoác. Sau khi uống ngay viên thuốc, con bé lí nhí, tay kéo áo hắn:
- Đi quảng trường, ba!
Còn chưa kịp phản ứng thì vợ hắn đã tiếp:
- Lâu lắc mới ra phố, chở con qua quảng trường cho nó chơi chút rồi về.
Thoáng cái cau mày, nghĩ đến nồi cháo vịt bốc khói chờ hắn bên chỗ làm. Hình dung bát tiết canh đỏ lòm mát rượi, mớ chuối chát xắt mịn, đậu phụng giòn tan, rau quế thơm phức… rồi tợp một ngụm rượu. Ôi còn chi sướng bằng. Lát thịt vịt kẹp rau quế chấm mắm gừng, bát cháo váng gạo sền sệt. Hắn nghe cổ họng giựt giựt mấy cái.
Đau ốm mà đi đâu, hắn định nói vậy, chợt bắt gặp ánh mắt con bé nhìn hắn chờ đợi. Cho con đi xí rồi về, nội đợi cơm, vợ hắn cũng tha thiết.
Hắn dằn nước miếng, quay đầu xe hướng quảng trường thẳng tiến. Tấp xe vào lề, hắn cẩn thận cột chặt hai chiếc mũ bảo hiểm đã tróc sơn lem luốc xuống yên xe.
Mấy xe hàng rong rao inh ỏi, “Kem Bing chilling đây, kem khói Hàn Quốc đây!”, “Chả đây, nem đây!”, “Bánh bột lọc đây!”…
- Kem, ba! Con bé lí nhí đòi.
- Sốt mà kem chi con, vài bữa hết đau mẹ mua cho.
- Con cầm xíu thôi, cầm chứ không ăn.
- Kem có phải đồ chơi đâu mà cầm, nó chảy nước ra rồi răng. Thị liếc nhìn bảng giá, chợt rụt cổ. Hai lăm nghìn một cây mà nó biểu cầm chơi. Số tiền đó mua được cả nửa ký cá, ăn cả ngày.
Con bé đưa mắt nhìn ba. Người bán kem cũng đưa mắt nhìn hắn. Thoáng thấy một phụ nữ đang ngồi ngay chiếc ghế đá sát bên cùng con gái, hình như cũng đang nhìn hắn.
Chợt miệng cô ta nhẹ mỉm như cười với hắn. Hắn nghe hai mang tai mình phừng phừng. Cả đời hắn cắm mặt vào vôi vữa, hiếm khi nhận được nụ cười non mưng ngọt ngào thế này. Này là khuôn mặt trắng ngần với cánh mũi cao thanh tú, đôi môi đầy đặn tô màu son đỏ kiêu sa, mái tóc búi cao có vài lọn nhỏ thả lơi quyến rũ.
Cô ta mà bảo hắn lên trời lúc này, chắc hẳn cũng không chối từ. Mà quan trọng, cô ấy vừa cười với hắn. Không chần chừ thêm nữa, hắn tiến lại tủ kem, gọi dõng dạc. Hắn cầm cốc kem, mặt ngẩng cao. Kiểu tự hào như mình vừa mang về cho vợ con một thứ huy chương nào đấy.
Cầm cây kem ốc trên tay, mắt con bé ngời lên hạnh phúc. Nó đưa lên mũi ngửi, rồi lè lưỡi vờ như đang ăn, rồi nuốt nước miếng ừng ừng. Hắn bước ra ngoài hút thuốc, kỳ thực là đang tìm một góc khuất để quan sát hai mẹ con người phụ nữ kia. Ôi đàn bà vậy mới đàn bà, thơm tho sạch sẽ.
Da cô ấy rất trắng, áo quần rất đẹp, khuôn mặt ưa nhìn và nụ cười mê hoặc… Chẳng bù cho vợ hắn, suốt ngày dán mặt vô mấy thùng rác, người hôi rình. Cứ đi đâu thấy lon nước nằm chỏng chơ là bắt dừng xe cho bằng được, rồi còn nói chữ “năng nhặt chặt bị”.
Từ ngày cưới nhau về, nhờ vợ hắn tằn tiện ki cóp, hắn cũng đã có được cái gọi là nhà. Chẳng bù cho mấy năm trước, hễ nghe đài báo bão lại cập rập tha lôi sang hàng xóm tá túc. Mẹ hắn già rồi, chẳng mong chi nhiều, chỉ mong chỗ tránh mưa tránh gió.
- Chảy hết ra tay rồi, dính áo rồi! Đã nói kem không có chơi được mà cố đòi. Hai lăm ngàn chứ ít ỏi chi, bằng bữa chợ. Phí vừa vừa!
Tiếng vợ mắng con đưa hắn về thực tại. Hắn cũng thấy phí thật. Mặt con gái méo xệch. Vợ hắn giằng cây kem chảy nước tỏng tỏng khỏi tay con, một tay phủi phủi những giọt kem nhểu trên áo, một tay đưa cây kem lên miệng liếm lấy, rồi hì hà tiếc rẻ. Người phụ nữ cầm bịch khăn giấy đặt vào tay vợ hắn, bảo lau cho con bé, rồi lẳng lặng dắt con rời đi. Vẻ mặt vợ hắn khi ấy thật tội nghiệp.
Tự nhiên hắn nghe tim mình thắt lại. Có phải cái nghèo khiến vợ hắn trở nên hèn mọn trong mắt mọi người. Không có bữa sáng nào thị ăn ngoài quán. Thị với mẹ hắn cắm cơm ăn với ít nước cá còn lại đêm qua, vậy cũng qua một bữa, đỡ tốn mười ngàn, thị nói vậy.
Vợ hắn trở nên như thế một phần cũng do hoàn cảnh nhà hắn mà ra, một phần nữa do cách sống của mẹ hắn. Hai người đàn bà, một già, một trẻ, lại là mẹ chồng nàng dâu nhưng tính khí rặt một kiểu, nhiều lúc hắn cũng chịu thua.
Tự nhiên hắn thấy thương vợ quá. Tiến lại phía vợ con, hắn đề nghị cả nhà đi ăn hủ tiếu rồi về. Con gái hắn reo lên thích thú. Mắt vợ nhìn hắn dò hỏi, ý bảo mẹ đã nấu cơm rồi, về ăn kẻo phí.
Hắn tặc lưỡi:
- Một đời ta, ba đời nó, kệ cha, hoành tráng bữa đi vợ!
Nói rồi hắn chở vợ con tấp vào hàng hủ tiếu. Lần ăn gần nhất của hai vợ chồng là lần chở nhau đi khám thai, ngót nghét cũng sáu năm trời. Ôi sáu năm, một cô gái quê dịu dàng biến thành mụ đàn bà keo kiệt và luộm thuộm. Sáu năm biến hắn từ một gã trai sáng láng thành tay thợ hồ mê rượu sau mỗi ngày làm.
Sáu năm, không mấy khi thảnh thơi ra phố bởi đống nợ ngân hàng nhiều ngang số tuổi. Biết hủ tiếu có còn tóp mỡ giòn rụm béo ngậy, lát chả có được cắt dày hơn chút hay vẫn mỏng nhìn xuyên không. Hắn nghe bụng réo ào ào, tưởng như ăn cả chục tô không thấm vào đâu.
Vợ hắn lấy giấy lau đũa, rồi lau muỗng, rồi vắt chanh. Thần thái một người có tiền cũng chỉ đến thế là cùng, hắn trộm nghĩ. Thấy chồng còn thừ người ra, thị đã giục:
- Ăn nhanh còn về, mẹ chờ!
Rồi thị gọi với vào trong:
- Cho tô mang về nữa chủ quán ơi!
Hắn xộc đũa vào bát hủ tiếu, gắp trứng cuốc bỏ qua tô cho con, rồi chả, rồi thịt, rồi hủ tiếu. Vợ hắn ngây người:
- Ba mi ăn đi, sao bỏ hết qua đây rứa?
Hắn với lấy chai tương, rồi gắp mớ rau vùi xuống tô nước lỏng bỏng. Hắn ước chi có tô cơm nguội, bỏ vào rồi xì xụp húp. Con gái hắn miệng chúm chím nhai trứng cuốc, vẻ thèm thuồng hạnh phúc. Tự nhiên hắn muốn hào phóng mà nói với vợ:
- Bữa nay cứ cuối tháng, nhà mình đi hủ tiếu bữa hỉ, mẹ nó?
Vợ hắn sẽ can:
- Thôi, thấm béo vô đâu. Tốn tiền!
Rồi thị húp soàn soạt cho tới khi còn ít cặn thì ngưng lại. Chắc chắn vậy rồi!
Hắn buông đũa ra tính tiền. Ánh mắt thị chăm chăm vào tô hắn tiếc rẻ:
- Sao ba mi không ăn hết đi, phí!
Hắn nhếch miệng cười. Đúng là mụ vợ, cả đời thứ chi cũng sợ hoang phí.