(QNO) - Nhìn dáng vẻ, thao tác làm lụng của chủ vườn Võ Thanh Tùng ít ai nghĩ ông đã cập tuổi 60, lại trải qua 30 năm gắn bó với nghề ươm cây giống. Ông còn rất khỏe, đang dự tính mở rộng chuyện nghề dù quy mô vườm ươm của ông không nhỏ, lại toàn những loại cây giống có giá trị kinh tế lâu dài, cung ứng cho nhiều vùng miền. Có lẽ, như ông nói “nghề ươm cây giống làm mình sướng lòng khi nhìn thấy cái cây con nó lớn từng ngày” - đã cho ông thêm sức khỏe dù công việc có cực nhọc…
Chủ vườn Hai Tùng (bìa phải) và người mua cây quế con tại vườn ươm. Ảnh: HOÀNG MINH |
Vườn ươm của ông Hai Tùng (tên thường gọi của ông Võ Thanh Tùng) nằm bên mép quốc lộ 40B thuộc thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước). Không bị cây cối che chắn nên đứng từ mép đường nhìn vào, có thể thấy hết vườn ươm với các chủng loại cây đứng giăng giăng theo từng dãy trên những khu đất bậc thang.
Từ chiếc ba lô mang cây con đi bán
Bảy giờ, mưa tầm tả nhưng ông Tùng vẫn cùng với người làm đưa gần 20 nghìn cây quế con lên xe tải cho người mua chuyển lên huyện vùng cao Nam Trà My. “Mấy năm nay cây quế đang được trồng mạnh lại ở Quảng Nam cũng như ở mấy tỉnh khác” - ông Tùng vừa làm vừa nói. “Thời trước người ta cất tinh dầu quế chỉ bằng vỏ quế nhưng nay còn dùng cả lá quế tươi nữa. Nhờ rứa mà cây quế được trồng lại mạnh” - ông giải thích.
Rồi ông Tùng lại hướng dẫn cho công nhân ươm hạt cau mới nhú mầm vào bọc để đặt vào luống ươm thế chân cho số cây cau con vừa xuất bán. Cây cau con là “sản phẩm mới” của vườn ươm Hai Tùng bởi ông là người mở đầu việc ươm cây cau con bán ra, lại với số lượng lớn, khởi từ năm 2016. Ông cho biết năm 2017 ông đã bán ra 38 nghìn cây cau con; 2018 đã xuất bán 27 nghìn cây, còn lại khoảng 10 nghìn cây đang chờ người đặt mua đến lấy. Riêng lứa cau cuối có khoảng 6.000 cây mới được cho vô luống thì chừng 2 tháng nữa sẽ xuất bán.
“Cây cau con chắc còn bán chạy chừng vài năm nữa. Cái may là khi mình thấy trái cau tươi đứng giá được lâu, đoán là bà con sẽ trồng thêm cây cau nên mới mạnh tay ươm liều 30 - 40 nghìn cây cau một lần. Rứa mà cũng không đủ bán ra…” - ông Tùng nói.
Miền Trung đang vào mùa mưa - mùa trồng cây, ông Tùng rất bận bịu, vừa xuất cây bán, vừa nói chuyện với khách hàng qua điện thoại. Hết người đến mua cau lại có người đến mua quế, mua dó, mua huỳnh đàn, sao đen, lòn bon… Có người mua chỉ mươi cây nhưng có người mua đến cả trăm, cả nghìn cây một lúc. “Đến vườn ươm thấy tui làm ai cũng nói cực. Nhưng so với thời tui mới mở nghề thì cái cực chừ chẳng ăn thua chi” - ông Tùng nói khi tranh thủ lúc vắng khách phun bón một ít dung dịch hữu cơ cho những luống dó còn nhỏ.
Ông Hai Tùng với công nhân đang cho trái cau nhú mầm vào bọc ươm để xếp vào luống. Ảnh: HOÀNG MINH |
Vân vê những mầm dó tươi mượt, ông Tùng kể đây là mặt hàng một thời sôi động giúp ông cung ứng đến nhiều vùng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Ông đã sớm tự “mở đường” đưa đến những vùng đất xa xôi đó hàng triệu cây dó con suốt hơn 10 năm, từ giống dó còn lại ở những vườn rừng của xứ Quảng khởi từ năm 1999.
“Khoảng 5 năm lại đây tui chỉ ươm mỗi năm chừng dưới 10 nghìn cây dó con để bán ở Quảng Nam thôi. Tuy bán ra được rất ít so với trước nhưng mình vui. Vì số dó con mà mình cũng như một ít vườn ươm ở Quảng Nam bán ra cho người ở các địa phương vừa nói mua trồng, sau 10 năm đã lần lần có trái để họ lấy hạt ươm trồng”.
“Có được cái vườn ươm như bây chừ cũng là nhờ cái vốn gốc của quê mình đó!” - ông Tùng nói chân chất. “Vốn gốc” - như ông kể ấy chính là cây quế bản địa của vùng quê Tiên Phước nửa trung du nửa miền núi của ông. Ông học được kỹ thuật ươm cây quế để bán khi gặp khó khăn sau ngày xuất ngũ từ cha vợ mình - một chủ vườn quế có tiếng tăm, sành sỏi việc ươm cây quế rất sớm. Và vườn ươm của Hai Tùng được mở ra từ bước chân mang quế đi bán dạo khởi từ năm 1988.
Để có thể mang được một lúc chừng 300 cây quế, ông nhổ tách cây quế ra khỏi bọc ươm đặng xếp vào ba lô lên xe đò một chặng dài rồi mang đến bán cho đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng, Bh’noong ở huyện Nam Trà My. “Từ 300 cây quế con bỏ trong ba lô đi bán lúc đầu, sau đó mình tăng dần lên 2.000 cây rồi đến 3.000 cây mỗi chuyến. Ngoài bỏ ba lô, còn bỏ vào bao lớn đưa lên xe đò chuyển đến điểm rồi gùi đi bán lần” - ông Tùng nhớ lại.
Sau 2 năm, mua được chiếc Honda Cub cũ, ông tự chở cây quế con đến tận vùng cao bán cho người trồng. Rồi những luống quế ươm được mở rộng dần ra, từ những năm 1993 trở đi, vườn ươm của Hai Tùng đã được nhiều người tự tìm đến để mua quế con - cây kinh tế chủ lực của xứ Quảng thời ấy.
Niềm vui và hướng phát triển
“Hễ có trồng thì có thu hoạch”, “Mùa xuân không trồng thì mùa thu không có chi để mà trông đợi” - ông Tùng nhắc lại lời người xưa khi ông đứng bên 2 cây huỳnh đàn 8 tuổi ở góc vườn ươm. Ông cho hay đã có người đến nài mua 2 cây huỳnh đàn này giá 4 triệu đồng nhưng ông để lại đặng lấy hạt giống. Niềm vui từ 2 cây huỳnh đàn “trẻ tuổi” cũng là niềm vui của ông khi nghĩ đến niềm vui của nhiều người đã trồng cây huỳnh đàn mua từ ông trong gần 10 năm nay.
Ông Tùng nói, trong nghề ươm cây giống suốt 30 năm của mình không phải chỉ toàn suôn sẻ. Ông đã trải qua những lần tựa như bị “rớt” giữa vùng đất xa xôi, lạ lẫm khi giữa đêm khuya xuống hàng với hàng trăm nghìn cây quế, cây dó con bỏ bên vệ đường mà vẫn chưa liên hệ được với đối tác. Rồi mấy lần bị đối tác chây ỳ thanh toán tiền mua cây đến hàng trăm triệu đồng, phải kỳ kèo gần vài năm mới lấy được chỉ hai phần số nợ. Và cả khi có loại cây ươm trở bệnh bất thường, chóng vánh đến trở tay không kịp vì sâu bọ, khuẩn độc, thời tiết vốn cũng thường xảy ra làm mất trắng nhiều luống ươm.
“Những lần như vậy mình cũng có nản lòng. Nhưng rồi phải cố lấy tinh thần, phải cố xoay xở, đối phó” - ông Tùng giải bày. Và ông kể, nguồn động viên trong những lúc như vậy chính là nhờ nghĩ đến điều tốt lành từ nghề nghiệp của mình. “Nghề ươm cây giống với những loại cây của mình bán ra làm lợi cho người trồng rất nhiều. Cái thất bại của người trồng nếu có thì cũng có ít mà thôi” - chủ vườn Hai Tùng tâm sự.
Người dân đến mua cây cau con của ông Hai Tùng. Ảnh: HOÀNG MINH |
Như năm nay, một số quế con của ông bị bệnh vàng lá phải nhổ bỏ. Mất mát không nhiều trong khi ông lại có được niềm vui mới từ cây cau. Đó là việc nhiều người làm nghề mua trái cau non - đã mua cây cau con của ông Tùng để trả thay tiền theo yêu cầu của người bán cau non. “Rứa là cây cau được trồng thêm lên theo cách mới, cả người bán cũng như người mua trái cau non đều có lợi” - ông Tùng nói.
Chưa muốn dừng lại với quy mô làm ăn hiện có, ông Tùng đang tìm cách mở rộng việc làm cây giống, tìm cách mở rộng thị trường trong nước, cả đến các nước trong khu vực. “Nghề ươm giống các loại cây kinh tế dài ngày ở nước mình còn có thể phát triển nhiều hơn nữa. Nó ít rủi ro, vừa lợi cho mình vừa lợi cho người trồng, cho xã hội, lợi kinh tế, lợi môi trường. Mình đã tạo được cơ sở làm ăn ổn định, có cơ ngơi khá giả như chừ là nhờ cái nghề ni đó” - ông Tùng bộc bạch.
Trong toan tính mở rộng chuyện làm ăn, ông Tùng cho hay đang thuyết phục một trong 2 người con trai đã ra trường hiện kinh doanh ở Sài Gòn về cùng ông làm cây giống. Và ông kỳ vọng vườn ươm 30 năm tuổi này sẽ phát triển kịp với sự phát triển kinh tế chung từ sự cộng lực của con cái mình.
HOÀNG MINH