Hạnh phúc khi được cho đi

VĨNH LỘC 23/05/2021 17:06

Thành công với chuỗi khách sạn đẳng cấp mang thương hiệu Le Pavillon Hội An, thế nhưng anh Đỗ Như Châu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoàng Như, được biết đến nhiều hơn với một trái tim ấm áp, san sẻ yêu thương. Anh quan niệm, tiền bạc khi mất đi cũng không thể mang theo, chỉ có tình người ở lại. 

Anh Đỗ Như Châu.
Anh Đỗ Như Châu.

“Chưa đến 40 tuổi đã sở hữu chuỗi khách sạn đẳng cấp từ 4 - 5 sao mang thương hiệu Le Pavillon, kể ra anh quá tài giỏi” - tôi mở đầu với Đỗ  Như Châu khi anh vừa nhấp ngụm cà phê. “Không dễ dàng đâu, cũng áp lực lắm, nhưng được cái tôi rất lạc quan. Đôi khi lạc quan cũng là cách tạo động lực cho anh em, chứ mình chán nản thì nhân viên mất tinh thần theo” - Đỗ Như Châu cười thay cho lời giải thích những thành công của mình.

Tay trắng khởi nghiệp  

Xuất thân từ nghề thiết kế xây dựng, Đỗ Như Châu bước chân vào ngành du lịch tình cờ như sự sắp đặt. Ban đầu anh tham gia tư vấn, thiết kế cho các dự án biệt thự, khách sạn ở Hội An, tất cả tiền của được Đỗ Như Châu dồn mua cổ phần của một resort, đồng thời làm giám đốc điều hành. Một thời gian sau khi đã tích lũy kha khá kinh nghiệm, anh bán cổ phần thoái vốn tìm hướng đi cho riêng mình.

Tháng 2.2008 Công ty TNHH Hoàng Như do Đỗ Như Châu làm Chủ tịch Hội đồng thành viên được thành lập với 20 nhân viên, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực từ thiết kế, xây dựng đến du lịch dịch vụ. Một số dự án trọng điểm được công ty đảm nhận như mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn Miếu Bông - Hòa Phước, Đà Nẵng); tuyến ĐT617 (Đèo Mộc, Núi Thành) cùng nhiều công trình khác. Không ít thời điểm, công ty đối diện thách thức, thậm chí đứng bên bờ phá sản do đối tác chậm tiền thanh toán, áp lực lãi vay ngân hàng luôn kề cận.

“Trong kinh doanh không chỉ có nỗ lực, sự may mắn mà còn phải dám làm, điều này rất quan trọng. Một ý tưởng có thể nhiều người cùng nghĩ nhưng dám làm hay không lại là chuyện khác. Tất nhiên, phải biết nội lực mình tới đâu chứ không phải làm liều” - anh Châu nói về bí quyết thành công của doanh nghiệp.

Đến năm 2016 giá trị thực hiện của công ty đạt gần 20 tỷ đồng. Nhiều công trình khách sạn ở Hội An do Công ty TNHH Hoàng Như thiết kế thi công như khách sạn Silk Marina hay Silk Hội An (4 sao)… được giới chuyên môn đánh giá cao. Lúc này, công ty cũng bắt đầu chuyển hướng kinh doanh vào mảng du lịch, dịch vụ khi mạnh dạn đầu tư xây dựng biệt thự Le Pavillon Villa, rồi Le Pavillon Shop Clother.

Đặc biệt, sự ra đời của khách sạn Le Pavillon cuối năm 2017 đã đánh dấu sự thành công mới của công ty. Đến nay, hệ thống khách sạn mang thương hiệu Le Pavillon đã lên con số 5 (tiêu chuẩn 4 - 5 sao), hầu hết được thiết kế theo phong cách châu Âu tinh tế và nằm tại những vị trí đắc địa ở Hội An.

Hơn một năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Hoàng Như lỗ hơn 120 tỷ đồng, anh Châu phải bán bớt một số dự án đầu tư bất động sản để trả lương nhân viên, duy trì hoạt động. Tập đoàn Hoàng Như có hơn 400 nhân viên, mỗi tháng đơn vị phải bỏ ra hơn tỷ đồng để trả lương và hỗ trợ nghỉ việc. Dù vậy, với những nhân viên nuôi con nhỏ hoặc cha mẹ lớn tuổi, bệnh tật, công ty đều có những khoản hỗ trợ thêm nhằm giúp nhân viên và gia đình đảm bảo cuộc sống…

Trách nhiệm với cộng đồng

Năm 2009, trong một lần đi khám bệnh tại bệnh viện, anh Đỗ Như Châu chứng kiến cảnh hai người đàn ông khiêng một cụ già nằm trên tấm ván cửa, mình đậy áo mưa từ xã Cẩm Kim đi ghe qua thành phố cấp cứu, nhưng đến nơi thì mất. Hình ảnh đó cứ ám ảnh, để rồi ấp ủ ý tưởng về một bệnh viện hiện đại dành cho dân nghèo cứ lớn dần trong anh.

“Tháng 6 này, tôi sẽ liên kết với đối tác Úc khởi công một bệnh viện 300 giường tại phường Thanh Hà. Nơi đây sẽ trang bị những thiết bị hiện đại nhất, tuy nhiên giá cả sẽ bình dân để mọi người đều có thể khám chữa bệnh” - anh Châu tiết lộ. Hiện tại, anh Châu đang kết nối với một số bác sĩ giỏi ở Úc và TP.Hồ Chí Minh cũng như nhiều nơi khác về Hội An làm việc. Ở phân khúc đầu tư này, anh chỉ mong hòa vốn, lợi nhuận tính bằng hạnh phúc khi được cho đi.

“Chất lượng cao, nhưng giá cả bình dân, nghe có vẻ nghịch lý” - tôi thắc mắc. “Kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng tôi xác định lợi nhuận của tập đoàn sẽ đến từ du lịch, bán lẻ và bất động sản, còn bệnh viện chỉ cần đủ chi trả và không lỗ là được. Mục tiêu lâu dài vẫn là phục vụ, mình làm cho đời con đời cháu” - anh Châu giải thích.

Hơn 10 năm trở lại đây, rất nhiều gia đình khó khăn hay khuyết tật đã được anh cưu mang, giúp đỡ. Năm 2020, mặc dù hoạt động đình đốn do thiên tai, dịch bệnh nhưng Hoàng Như vẫn trích hơn 100 triệu đồng ủng hộ thành phố chống Covid-19, kể cả mở cửa khách sạn 4 sao đón dân vào ăn ở trú bão. Địa chỉ công ty trở thành điểm tặng quà cho những hoàn cảnh bất hạnh vào những dịp lễ tết. Với anh Châu, đích của cuộc đời không chỉ là tiền bạc, bởi anh quan niệm, khi chết người ta cũng không thể đem theo được gì.

“Tôi sẽ cho con học bất cứ ngành nào con đam mê, nhưng phải tự khởi nghiệp. Tài sản của tôi sau này sẽ được đưa vào một quỹ đầu tư, lợi nhuận dành cho những công việc giúp đỡ cộng đồng” - anh Châu tâm sự.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An nhận xét về Đỗ Như Châu và Tập đoàn Hoàng Như là đơn vị kinh doanh có trách nhiệm khi đã biết cân bằng hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, cộng đồng và địa phương, đặc biệt xây dựng bệnh viện cho dân nghèo. Điều này cũng được UBND tỉnh ghi nhận, tôn vinh khi Hoàng Như là một trong số doanh nghiệp tiêu biểu năm 2020.  

Ở tuổi 39, mỗi ngày của anh Châu là công việc và công việc, vì chỉ có suy nghĩ vận động mới có những ý tưởng và kế hoạch cho kinh doanh. “Điều tôi lo nhất bây giờ chính là người lao động, nếu mình không đảm bảo được đời sống anh em thì họ phải đi nơi khác kiếm việc làm. Muốn phục hồi du lịch đầu tiên phải cần con người, sản phẩm dù hấp dẫn mấy nhưng không có người phục vụ thì cũng khó hiệu quả” - anh Châu trăn trở.

Có lẽ vì vậy mà hơn năm qua anh luôn xoay xở để có việc làm cho nhân viên. Một số khách sạn 4 - 5 sao trong hệ thống Le Pavillon được bài trí lại thành những quán trà sữa, cà phê và không gian check-in cho khách, mục tiêu kiếm thêm thu nhập cho người lao động. “Doanh nghiệp có thể bù lỗ nhưng không thể để anh em thiếu thốn, dù mỗi tháng 3 - 4 triệu đồng, miễn sao giúp họ trụ lại, vượt qua giai đoạn này” - anh Châu tâm sự.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạnh phúc khi được cho đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO