Ông Hùng mắc võng vào hai cây nhãn trong vườn rồi nằm nghe giảng pháp qua một chiếc đài nhỏ mà cậu con trai mới mua ở cửa hàng Phật giáo Khai Tâm nào đó. Ông chìm vào giấc ngủ trong tiếng niệm “Nam mô A di đà Phật”. Năm nay nắng nóng khủng khiếp, nhiệt độ ngoài trời có khi ngoài bốn mươi độ là chuyện bình thường. Ai cũng co cụm trong nhà, bật điều hòa lên nằm xem ti vi, tranh thủ bóc lạc, thêu tranh. Chẳng ai dám bước ra đồng vì cảm nắng như chơi, mà ruộng không có nước thì cũng chẳng thể cày cấy được. Nắng vậy mà ông Hùng không thích ở trong nhà, cứ mắc võng ngoài vườn cho mát. Khu vườn này ông trồng từ những năm chín mươi. Mỗi thân cây là một câu chuyện, bám chặt vào lòng đất cằn cỗi mà vươn cành tỏa tán ra hoa thơm trái ngọt. Vườn nhà ông mát lắm, chim chóc véo von tìm mùa quả mà về. Giờ đang là mùa nhãn, năm nay cây nào cũng sai quả trĩu cành. Trưa nay trong bữa cơm bà có dặn ông chiều nhớ xích mấy con chó để cánh mua buôn vào bẻ nhãn. Năm nào ông cũng bán cả vườn cho họ, cây lâu năm tán rộng, chân ông lại thế này làm sao hái được.
MInh họa: HIỂN TRÍ |
Cả làng này ai cũng quý trọng vợ chồng ông Hùng. Không quý trọng sao được khi cả hai ông bà đều là thương binh nặng đã vượt khó vượt khổ để làm ăn kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình bền chặt. Người làng vẫn truyền tai nhau câu chuyện về ngày đầu tiên hai người dẫn nhau về làng sau khi rời khỏi trung tâm điều dưỡng thương binh của tỉnh. Ông bị thương trong lần làm nhiệm vụ dò tìm bom mìn sau thời chiến. Hai chân bị dập nát phải cắt đi với mức thương tật ¼. Trong lúc cuộc sống tưởng chừng như bế tắc thì ông gặp bà Tâm trong trung tâm điều dưỡng. Bà cũng là thương binh nặng loại A, bị chấn thương sọ não, nứt xương chậu, gãy xương đùi được các bác sĩ chẩn đoán không thể sinh con. Hoàn cảnh éo le dễ khiến những người lính cùng cảnh ngộ đồng cảm với nhau. Ông bà quyết định về chung một nhà để lúc trái gió trở trời có thể ở bên cạnh chăm sóc cho nhau. Người này đau ốm nằm đó còn có người kia nấu cho nồi cháo, mua cho thang thuốc. Không thể có con thì vui với những con vật nhỏ trong nhà. Đàn gà chiêm chiếp theo chân, con cún lủn củn theo sau, con mèo già lúc nào cũng muốn sà vào lòng chủ đòi nựng nịu vuốt ve. Dưới mái nhà đơn sơ họ đã sống những tháng ngày hạnh phúc. Bằng ý chí của những người từng được rèn luyện trong quân ngũ, họ bắt đầu kiếm kế sinh nhai để vượt qua trận chiến chống đói nghèo.
Ba năm sau điều kỳ diệu đã đến trong cuộc đời hai người thương binh ấy. Làng trên xóm dưới đều vui mừng khi biết bà Tâm đã có thai. Nhưng các bác sĩ lại khuyên bà nên bỏ cái thai đi vì nếu để đẻ sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả hai mẹ con. Cả đêm ấy bà cứ nằm ôm lấy bụng mình, đau đớn khi nghĩ đến việc tước đi quyền được sống của con. Không, bà là một người mẹ nên sẽ bảo vệ con mình đến hơi thở cuối cùng. Bà tin rằng ông trời sẽ thương lấy đứa nhỏ trong bụng mình, sẽ nghe thấy tiếng lòng người mẹ. Hàng xóm láng giềng thương lắm, người mang đến chục trứng gà, người con cá chép, người ít tôm sông “để đứa bé sau này ra đời được khỏe mạnh”. Buổi tối ông Hùng tranh thủ đóng cũi, đóng xe tập đi cho con. Bà Tâm ngồi may tã cho con, từng đường kim mũi chỉ đều chứa đựng tình mẫu tử. Rồi đứa nhỏ cũng ra đời bình yên vô sự trong sự chào đón của rất nhiều vòng tay yêu thương. Đôi vợ chồng thương binh càng có thêm nghị lực để vượt qua những biến cố thăng trầm.
Nhờ được bà con và chính quyền quan tâm ông xin vào làm bảo vệ trong chợ huyện nửa buổi một ngày. Khi chợ tan ông về nhà phụ bà đào ao nuôi vịt đẻ. Mảnh vườn cằn cỗi được ông trồng cây ăn quả. Dù vất vả nhưng nghe thấy tiếng con ọ ọe đòi sữa mẹ là lòng ông thấy bình yên. Con lớn dần lên mỗi ngày, thằng nhỏ gieo vào lòng ông thứ hạt mầm hạnh phúc. Nhìn nó chạy chơi quanh sân với đôi chân khỏe mạnh là ông quên đi những mất mát trên thân thể của mình. Ông dường như được sống một cuộc đời tươi mới. Đi làm vất vả đến mấy về đến nhà chỉ cần dụi đầu vào bụng con nghe tiếng cười khúc khích là thích hơn trăm ngọn gió lành. Đứa trẻ cũng làm dịu đi những cơn đau đầu luôn hành hạ bà Tâm. Chẳng cần phải trái gió trở trời mới đau. Những cơn đau có thể ập đến bất cứ lúc nào. Khi thì giữa bữa cơm, khi đang ngồi khâu áo cho chồng, khi cúi xuống cọ lưng cho đứa con trai nhỏ. Cũng có khi cơn đau ập đến bất ngờ khiến nụ cười trên môi người đàn bà méo xệch. Ông Hùng thương vợ lắm, lúc nào cũng chỉ muốn giành làm hết việc để vợ có thời gian nghỉ ngơi. Đôi nạng thay đôi chân đi lùa vịt dưới ao, trồng lạc ngoài đồng, cất tép ngoài sông, ra giếng giặt quần áo giúp vợ những ngày bà đau yếu. Ông chẳng nề hà bất cứ việc gì. Người lành lặn làm một buổi thì ông làm hai buổi. Cứ cặm cụi trời thương, lạc được mùa mà vịt thì đẻ dai, quả nào cũng to như cổ tay người lớn.
Nhiều đêm ông nằm nghĩ, kiếm đủ ăn đã khó nhưng nếu chỉ lo đến miếng cơm manh áo thì vẫn chưa thể đủ. Lúc ốm đau cũng không thể chỉ dựa vào chế độ của nhà nước được. Không thể vì mất đi đôi chân mà ông để con cái lớn lên nhìn thấy cảnh nhà nghèo khó. Căn nhà cũ được xây nhờ ít tiền mừng cưới và tấm lòng bao bọc của dân làng hàng xóm giờ đã dột nát nhiều. Ông phải cố gắng làm ăn dư ra ít tiền để làm lại nhà cho con ở tươm tất. Nhiều đêm ông nằm nghĩ nuôi mấy trăm vịt đẻ, làm vài sào ruộng cũng chỉ đủ ăn. Tiền cám bã, phân tro cũng tốn kém, trừ chi phí đi chẳng còn lại là bao. Hàng ngày đến chợ ông thấy rau cỏ, đầu cá, nước phở vứt đi phí quá. Nên ông quyết định sẽ chịu khó nhặt nhạnh về nuôi heo. Ngày nào cũng như ngày nào, hai ông bà dậy từ ba giờ sáng làm đậu phụ, nhặt trứng vịt, nấu cám bã cho heo ăn rồi chở nhau đến chợ. Ông ngồi sau xe bà với những bìa đậu vẫn còn nóng hổi. Dọn một góc chợ nhỏ ông ngồi bán đậu, kê mấy cái ghế nhỏ bà ngồi bán đồ ăn sáng. Bánh cuốn, bánh rán, bánh tro, bánh rợm đều đủ cả. Mỗi loại bánh một ít, khách cứ sà vào là thứ gì cũng có. Tuy lấy sẵn bánh của người ta để bán lại, lãi chẳng là bao nhưng ngày nào cũng đông khách, tính ra cũng đủ tiền chợ búa chi tiêu hàng ngày. Tan chợ thì hai vợ chồng lại lụi cụi thu nhặt rau cỏ dập nát, nước mổ cá mang về nấu cháo cho heo. Dân quanh chợ có cơm thừa canh cặn không bỏ đi như trước nữa mà để vào một chiếc thùng nhỏ trước cửa nhà, bà đến tận nơi xin về. Nhờ thế mà chẳng tốn kém gì, mấy con heo cứ lớn nhanh như thổi. Mấy năm sau một căn nhà khang trang được xây lên bằng chính những đồng tiền dành dụm chợ búa và nhiều lứa heo xuất chuồng.
Ông vẫn nhớ như in niềm vui trong đêm đầu tiên dọn vào nhà mới. Ông bà nằm bên nhau nghe tiếng gió thổi ngoài hiên, tiếng con thở đều đều mà rưng rưng hạnh phúc. Lúc mới bị cắt đi đôi chân ông không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mình được hưởng thứ hạnh phúc vẹn tròn như thế. Bà chắc cũng vậy, làm sao có thể nghĩ gặp được người tri kỉ ngay trong những ngày tưởng chừng như tuyệt vọng. Lúc đó bà đã tưởng cả đời mình sẽ ở lại trong trại điều dưỡng sống với thuốc thang và những cơn đau. Nhờ có ông mà bà biết rằng hạnh phúc có thể hồi sinh nhờ tình yêu và sự cố gắng. Mảnh vườn cằn cỗi năm xưa giờ đã xanh bóng cây và trĩu cành những mùa quả ngọt. Con trai ông bà học xong đại học ra trường làm việc, tháng nào cũng thu xếp về thăm nhà. Hôm nọ nó điện về hứa cuối tháng này dẫn người yêu về ra mắt, cuối năm nhà sẽ có chữ hỷ đỏ dán hai bên cổng. Cái tin ấy khiến bà Tâm vui lắm, gặp ai bà cũng khoe nhà sắp có dâu hiền, mấy mà lên chức bà, mấy mà tay ẵm bồng cháu nội. Bà mua cả trăm con gà về thả đồi. Ngày nào cũng lúi húi chặt măng mai, măng bát độ mang về luộc, phơi khô để mang hầm với xương đãi cỗ trong đám cưới. Đến cả ít củi nhãn trong vườn cũng để dành nhóm lửa vào đám cưới con trai.
Ông đang lim rim nằm nhớ lại những kỷ niệm cũ và nghĩ đến những năm tháng về sau thì nghe thấy tiếng bà gọi trong nhà. Ngoài cổng có tiếng xe máy dừng, mấy người đến mua buôn nhãn mang theo những cây sào dài. Từng chùm nhãn sai trĩu quả được bẻ xuống. Bà Tâm chọn mấy chùm ngon nhất mang đặt lên ban thờ cúng tổ tiên. Bà cũng giữ lại đủ chia cho hàng xóm mỗi nhà một túm nặng tay. Trong thâm tâm bà luôn mang ơn hàng xóm láng giềng vì họ đã cưu mang giúp đỡ gia đình mình những lúc khó khăn. Đất lành thì chim đậu, ở đâu lòng người ấm áp thì ở đó có ân tình. Nắng chiều chênh chếch, ông Hùng chống nạng ra khu chuồng trại. Những con heo nghe thấy tiếng lạch cạch phát ra từ đôi nạng gỗ của chủ thì kêu rống lên đòi tắm, đòi ăn. Đàn vịt cũng chui ra khỏi lều ùa xuống ao tung tăng bơi lội…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG